Nhằm kết nối, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái cho các hợp tác xã, trang trại nông nghiệp và nông dân, ngày 4/12, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề "Kết nối cung cầu cây ăn trái".
Sản lượng trái cây năm nay tăng mạnh
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Sản lượng cây ăn quả năm 2021 các tỉnh phía nam hơn 7 triệu tấn (tăng 100.000 tấn so với 2020), tập trung ở những cây ăn quả chủ lực chuối, xoài, mít,… Riêng tháng 12/2021, sản lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn (thanh long có sản lượng cao nhất, đạt 200.000 tấn).
Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long chiếm 52%, duyên hải Nam Trung Bộ 26%, Tây Nguyên 6%, Đông Nam Bộ 16%. Dự báo, trong quý I năm 2022, sản lượng đạt khoảng 1,6 triệu tấn.
Cũng theo ông Tùng, trong quý I năm 2022, công tác tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của các tỉnh phía nam có thể gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ và xuất khẩu. Yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh tăng thêm, điều này có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu…
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng cao tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất… Năng lực chế biến trái cây trong nước còn nhiều hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nên khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn thì sẽ gây ra rất nhiều tổn thất.
Trong bối cảnh thị trường trái cây thế giới ngày càng cạnh tranh gay gắt giữa các nhà xuất khẩu, việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng trái cây của Việt Nam là việc làm cần thiết.
Tiến sĩ Đoàn Hữu Tiến, đại diện Viện Cây ăn quả miền nam cho biết: Thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều nước đưa ra hàng rào phi thuế quan, nghĩa là yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe. Bởi vậy, nâng cao chất lượng trái cây là một quá trình không đơn giản, luôn đi cùng với các giai đoạn từ lựa chọn vùng trồng, cung ứng ứng đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, bảo quản và thương mại trong chuỗi cung ứng từ người trồng đến những người bán lẻ.
Nâng cao năng suất chất lượng cho cây ăn trái
Theo ông Tiến, có nhiều khái niệm về chất lượng sản phẩm. Đối với trái cây tươi, chất lượng được phản ánh ở 2 khía cạnh là “ngon” và “lành”.
Trái cây được xem là ngon khi nó hội đủ các yếu tố: Có những đặc điểm tốt (tươi, nguyên, không hoặc ít tỳ vết tồn dư của sâu bệnh hại, vết trầy xước do cơ giới…); đúng giống, trong cùng một lô hàng trái phải đồng đều về kích cỡ và ngoại hình và cùng một giống; thịt trái/cơm trái có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thành phần dinh dưỡng phong phú; có độ ngọt phù hợp cho từng đối tượng người tiêu dùng.
Trái “lành” muốn nói trái cây phải bảo đảm an toàn thực phẩm; tùy thuộc vào từng thị trường khác nhau mà tiêu chí an toàn thực phẩm khác nhau, nhưng xu hướng chung là các hóa chất có hại tồn dư trong trái phải giảm, có những chất bắt buộc phải bằng hoặc gần zero.
Ông Tiến cho biết, một số nông trại hay doanh nghiệp mới làm nông nghiệp, do thiếu kinh nghiệm và không tìm hiểu kỹ, dẫn đến chọn sai giống cây cho vùng trồng. Thí dụ, cây sầu riêng rất mẫn cảm với mặn thì không nên trồng tại các tiểu vùng chịu ảnh hưởng của mặn, trái sẽ bị nhỏ, cơm trái bị chai sượng. Cây ăn quả trồng ở vùng khô hạn, thiếu nước tưới, chất lượng trái giảm so với trồng ở điều kiện đủ nước tưới và chất lượng nước tốt.
Đại diện Viện Cây ăn quả miền nam đề nghị các đơn vị cung cấp giống nên ghi rõ các yếu tố liên quan cây trồng, vùng trồng.
Mặt khác, tình trạng phân giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng hoặc không còn phù hợp cho sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn thực phẩm đã và đang ảnh hưởng xấu đến năng suất và chất lượng cũng như an toàn thực phẩm đối với cây ăn trái. Do vậy cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao trái… của các cơ sở sản xuất kinh doanh các loại vật tư này.
Theo tìm hiểu của Viện Cây ăn quả miền nam, đại bộ phận diện tích trồng cây ăn quả ở đồng bằng sông Cửu Long chưa thực hiện các biện pháp quản lý dinh dưỡng cho cây. Nhà vườn không biết được nhu cầu chính xác của cây về các loại đa, trung và vi lượng cho cây theo từng loại cây ăn quả và điều kiện đất đai của từng vườn. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hoặc bón thừa dinh dưỡng cho cây, hậu quả là chất lượng trái cây cũng giảm theo.
“Cần áp dụng các biện pháp quản lý dinh dưỡng cho cây ăn quả, nhận diện nhu cầu dinh dưỡng và tình trạng dinh dưỡng của cây ăn quả theo từng giai đoạn sinh trưởng và mang trái của cây để xác định loại phân bón và lượng phân bón phù hợp”, ông Tiến nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này lo ngại đây là việc không dễ thực hiện vì hiện tại công nghệ quản lý dinh dưỡng cho cây ăn quả vẫn còn là điều mới mẻ với người trồng cây ăn quả, mặt khác chi phí tốn kém.