Hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái ở Khánh Sơn

Ngày trước, vùng núi rừng Khánh Sơn (Khánh Hòa) xơ xác, tan hoang bởi tập quán du canh, du cư; "phát, đốt, chọc, tỉa" của đồng bào dân tộc thiểu số. Còn bây giờ, những vạt đồi đã phủ kín nhiều loại cây ăn trái như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt xanh mơn man… Nhờ có nhiều giải pháp hiệu quả thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện miền núi Khánh Sơn đang hình thành một vùng chuyên canh sản xuất cây ăn trái chất lượng cao...
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua hàng tại Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn
Người dân mua hàng tại Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn

Ông Ngô Hữu Giác, nguyên Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn nhớ lại: Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cái đói nghèo cứ bám đeo dai dẳng, lãnh đạo huyện Khánh Sơn cứ trăn trở mãi với câu hỏi lấy loại cây trồng nào làm chủ lực, sớm giúp người dân xóa được đói, giảm được nghèo?

Đầu tư nhiều công sức, tìm hiểu kỹ lưỡng các yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và đặc tính của cây sầu riêng, cuối năm 1999, lãnh đạo huyện Khánh Sơn mạnh dạn liên hệ với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam mua hơn 1.000 cây sầu riêng giống chất lượng cao, đặc biệt là giống Moong Thoong (Thái Lan) về trồng thử; đồng thời quyết định xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển cây sầu riêng giai đoạn 2006-2010, nhằm mục tiêu đưa cây sầu riêng trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện. Đây được coi là cơ sở quan trọng bước đầu thực hiện chuyển đổi cây trồng theo hướng chất lượng cao của huyện.

Một điểm đặc biệt nữa là cây sầu riêng ở Khánh Sơn ra hoa, kết trái muộn hơn nơi khác từ 4 đến 5 tháng. Khi sầu riêng Nam Bộ, Tây Nguyên hết mùa thu hoạch, sầu riêng Khánh Sơn mới bắt đầu chín. Đặc điểm này tạo thêm cho sầu riêng Khánh Sơn một lợi thế lớn trên thị trường trong nước.

Hợp với chất đất, khí hậu, sầu riêng Moong Thoong ở Khánh Sơn cho trái nhiều, lớn, được người tiêu dùng đánh giá là ngon hơn hẳn so với sầu riêng ở nhiều vùng khác trong cả nước, với đặc điểm thịt ráo, cơm vàng, hạt lép. Một điểm đặc biệt nữa là cây sầu riêng ở Khánh Sơn ra hoa, kết trái muộn hơn nơi khác từ 4 đến 5 tháng. Khi sầu riêng Nam Bộ, Tây Nguyên hết mùa thu hoạch, sầu riêng Khánh Sơn mới bắt đầu chín. Đặc điểm này tạo thêm cho sầu riêng Khánh Sơn một lợi thế lớn trên thị trường trong nước.

Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, ông Nguyễn Văn Nhuận đưa chúng tôi đến thăm một số vườn cây ăn trái, mà theo ông, đó là hiện thân của ý chí và khát vọng của người dân nơi này. Với người dân tộc Kinh, việc chuyển đổi từ cây trồng ngắn ngày sang vườn cây ăn trái có chất lượng cao đã khó, đối với đồng bào Raglai, việc ấy còn khó hơn gấp bội phần. Từ chỗ phát rừng làm rẫy, du canh du cư, đồng bào Raglai ở Khánh Sơn đã từng bước định canh, định cư; biết trồng lúa nước, rồi trồng cây ăn trái.

Nói về chuyện trồng sầu riêng, lúc đầu, nhiều người đồng bào Raglai cứ bảo, trồng cây sầu riêng lâu có ăn lắm, cứ trồng cây lúa, cây bắp mau có ăn hơn. Người dân lại chưa quen trồng cây ăn trái, kỹ năng chăm sóc chưa có nên cây chết nhiều, phát triển kém. Theo đó, huyện phải tổ chức tuyên truyền, vận động; hỗ trợ thêm cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu; cử người đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc... để rồi đồng bào cũng dần quen với việc trồng, chăm sóc cây ăn trái.

Theo đồng chí Mấu Thái Cư, Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn, những năm qua, nông nghiệp Khánh Sơn với thế mạnh là các loại cây ăn trái giá trị kinh tế cao, trong đó nổi bật là cây sầu riêng đã góp phần rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Để tiếp tục phát huy thế mạnh, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung, huyện đã xây dựng đề án chuyển đổi, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, nhất là cây sầu riêng theo chuỗi giá trị, phù hợp yêu cầu thị trường; chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng. Cây sầu riêng và các loại cây ăn trái khác sẽ phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, bền vững và gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông.

Cây sầu riêng và các loại cây ăn trái khác sẽ phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, bền vững và gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông.

Đồng chí Mấu Thái Cư, Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn

Cũng theo đồng chí Mấu Thái Cư, trên địa bàn huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, để đạt mục tiêu đến năm 2025 thoát khỏi huyện nghèo, địa phương thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng để phát triển nông nghiệp bền vững. Từ năm 2011, sầu riêng Khánh Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận, cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Đến nay, Khánh Sơn đã có gần 2.000ha sầu riêng, sản lượng hằng năm khoảng hơn 12.000 tấn.

Từ năm 2011, sầu riêng Khánh Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận, cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Đến nay, Khánh Sơn đã có gần 2.000ha sầu riêng, sản lượng hằng năm khoảng hơn 12.000 tấn.

Theo đánh giá của huyện, phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao gắn liền với thị trường tiêu thụ đang là hướng đi phù hợp, hiệu quả đối với khu vực miền núi Khánh Sơn.

Về Khánh Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình anh Bo Bo Khá, người dân tộc Raglai ở thị trấn Tô Hạp. Trước đây, cả nhà anh Khá đi làm thuê mà vẫn đói nghèo. Từ mạnh dạn vay vốn trồng thử 40 cây, vợ chồng anh gánh nước tưới, vườn sầu riêng phát triển rất tốt. Đến nay, anh Khá đã có hơn 2ha sầu riêng, mỗi năm thu hoạch hơn 20 tấn sầu riêng, trừ chi phí còn lãi hơn 400 triệu đồng.

Hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái ở Khánh Sơn ảnh 1

Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn.

Trong Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ 2 (năm 2022), Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ: Sau 37 năm tái lập, Khánh Sơn trở thành điểm sáng về phát huy hiệu quả chương trình chuyển đổi cây trồng. Huyện đã chuyển đổi hơn 3.300ha từ cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang các loại cây trồng ăn trái có giá trị kinh tế cao. Hướng tới, Khánh Sơn tập trung xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao bảo quản sau thu hoạch; phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Khánh Sơn tập trung xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao bảo quản sau thu hoạch; phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân

Ông Đào Quang Hiển, Tổ trưởng Tổ hợp tác trái cây xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn cho biết, để bảo đảm chất lượng, giữ gìn thương hiệu nông sản, nông dân ở đây đã lập các hợp tác xã, nhóm liên kết để hỗ trợ nhau. Các thành viên có điều kiện giúp người khó khăn hơn bằng cách trợ giúp cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc từ khi trồng đến khi thu hoạch.

Đến nay, huyện Khánh Sơn có 2 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác ở 8/8 xã, thị trấn được công nhận có sản phẩm đạt chuẩn VietGAP. Theo ông Hiển, phải bảo đảm tiêu chí xanh, sạch, không dùng hóa chất mới có thể bảo vệ được thương hiệu lâu dài.

Trong vườn sầu riêng rợp bóng, đồng chí Tạ Quốc Phong, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 380ha sầu riêng, trong đó 240ha đã cho thu hoạch; 70ha bưởi da xanh, 80ha quýt đường, 60ha cà-phê, 30ha tiêu.

Nông dân trên địa bàn xã đang chuyển đổi, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Toàn xã hiện có 1 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác trồng sầu riêng, bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGAP; mỗi năm cung cấp ra thị trường 350 tấn sầu riêng, 50 tấn bưởi da xanh.

Có thể nhận thấy, chủ trương, chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện đã hình thành được một số vùng chuyên canh sản xuất cây ăn trái, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, từng bước thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông sản hàng hóa của nông dân.

Hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái ở Khánh Sơn ảnh 2

Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn với đa dạng sản phẩm.

Bên cạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, huyện Khánh Sơn chú trọng kết nối, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đến người tiêu dùng.

Huyện tổ chức nhiều phiên chợ nông sản, với sự tham gia của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ trồng cây ăn quả đạt chuẩn VietGAP; đề xuất đăng ký sản phẩm sầu riêng tươi của hơn 160 hộ tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tham gia đề án nhân rộng, phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa đang triển khai.

Mới đây nhất, ngay sau khi những người trồng sầu riêng đầu tiên ở Khánh Sơn được cấp 3 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, UBND huyện Khánh Sơn đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kết nối nhà vườn với doanh nghiệp nhằm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng Khánh Sơn, góp phần ổn định đầu ra, nâng cao giá trị nông sản này.

Tuy nhiên, theo đồng chí Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Nguyễn Văn Nhuận, việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện còn gặp nhiều hạn chế do diện tích manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết vùng, tập trung, quy mô lớn; thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ; các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn ít; năng lực tiếp cận thị trường, khoa học-công nghệ của nông dân hạn chế; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là khi đưa vào sản xuất quy mô lớn còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Nhuận cho biết: "Thời gian tới, huyện sẽ tăng diện tích cây ăn trái theo hướng chuyên canh, đặc sản; định kỳ tổ chức lễ hội trái cây, liên kết với các doanh nghiệp du lịch ở các địa phương lân cận để phát triển du lịch sinh thái kết hợp tiêu thụ nông sản".