Phát huy vai trò đảng viên, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

NDO - Bát Xát là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lào Cai gồm nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Với điều kiện tự nhiên đất đai khô cằn, nhiều đá, địa bàn rộng, hệ thống giao thông chưa thuận lợi cho nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhờ chủ trương cán bộ, đảng viên “đỡ đầu” hộ nghèo, gắn với địa chỉ cụ thể, việc xóa nghèo ở Bát Xát đã mang lại kết quả tích cực, nhanh và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, đảng viên Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát “đỡ đầu” xóa nghèo 20 hộ ở xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát.
Cán bộ, đảng viên Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát “đỡ đầu” xóa nghèo 20 hộ ở xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát.

Cách làm hay giúp dân giảm nghèo

Đến các xã vùng cao, vùng sâu còn nhiều khó khăn như: Dền Thàng, Y Tý, Pa Cheo, Nậm Pung của huyện biên giới Bát Xát, cơ sở hạ tầng và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đổi thay rõ rệt.

Chúng tôi đến gia đình ông Lý A Dềnh, dân tộc Dao, ở thôn Bản Lầu, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát. Gia đình ông Dềnh thuộc diện hộ nghèo, do hoàn cảnh đông con, thường xuyên đau ốm. Được cán bộ, đảng viên của Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát đỡ đầu, trao tặng 50 con gà giống để phát triển chăn nuôi, ông Dềnh làm chuồng trại cẩn thận, chăm sóc đúng cách nên đàn gà sinh trưởng tốt. Nhờ đó đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, tạo sinh kế ổn định từ chăn nuôi gia cầm. Nhờ sự “đỡ đầu” của cán bộ, đảng viên Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát đã giúp gia đình ông Dềnh định hình về hướng phát triển chăn nuôi để thoát nghèo bền vững.

Ông Lý A Dềnh chia sẻ: “Được Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát hỗ trợ giống và tư vấn, tôi tập trung vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, lấy đó làm sinh kế thoát nghèo. Tôi vay mượn thêm anh em để mua thêm trâu, làm chuồng trại cẩn thận, trồng sắn ngô, trồng cỏ làm thức ăn nuôi trâu, gà. Tuy chưa thoát nghèo, nhưng bây giờ gia đình đã có hướng đi rõ, kết quả tích cực, tin rằng cuộc sống sẽ ổn định và khá lên”.

Phát huy vai trò đảng viên, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1

Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 345 cấp dê giống cho người dân xã A Lù (Bát Xát-Lào Cai) để chăn nuôi, thoát nghèo.

Văn phòng Ủy ban nhân dân Bát Xát được giao giúp đỡ 20 hộ nghèo tại thôn Bản Lầu, xã Trịnh Tường. Ngoài sự hỗ trợ trực tiếp, các đảng viên thường xuyên đến tận từng hộ, tìm hiểu nguyên nhân để tháo gỡ; tổ chức cho các hộ nghèo tham quan, học hỏi mô hình phát triển kinh tế, những tấm gương vượt khó sản xuất, kinh doanh giỏi trong và ngoài huyện để học tập và làm theo.

Anh Nguyễn Trung Hòa, cán bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát chia sẻ, một hộ nghèo thường thiếu rất nhiều động lực để phát triển, nên muốn giúp đỡ thì trước hết mình phải hiểu về họ, giúp đỡ thiết thực từ những bước căn bản nhất. Bản thân tôi đã đến trực tiếp từng hộ gia đình, tìm hiểu nguyên nhân, để có hướng giúp họ nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, từ đó chủ động vươn lên thoát nghèo.

Phát huy vai trò đảng viên, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2

Trồng lê Tai Nung VH6 kết hợp du lịch nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp xóa nghèo nhanh và bền vững ở nhiều xã vùng cao Bát Xát.

Bí thư Chi bộ thôn Bản Lầu, xã Trịnh Tường Lý A Sùng phấn khởi cho biết: "20 hộ dân đã được cán bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện tổ chức tham quan mô hình trồng rau bắp cải, trở về mọi người áp dụng ở địa phương. Qua điều tra cuối năm, thôn Bản Lầu đã giảm được 6 hộ nghèo".

Xác định rõ, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân nghèo, từ đó giúp hộ nghèo sinh kế thoát nghèo, từ tháng 8/2020, Huyện ủy Bát Xát đã đề ra chủ trương phân công đảng viên phụ trách giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo có địa chỉ. Huyện đã lên kế hoạch, lập danh sách phân công mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn phụ trách từ 1 đến 2 hộ nghèo. Đến nay, 499 đảng viên tại 54 cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã phân công giúp đỡ trên 900 hộ nghèo ở địa phương, nhờ vậy đã giảm bớt tỷ lệ hộ nghèo, tăng dần hộ khá.

Thay đổi tư duy sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Dền Thàng là xã khó khăn, nghèo nhất huyện Bát Xát. Xã có 6 thôn bản, 700 hộ, dân số phần lớn là dân tộc H’Mông (chiếm 98% số dân), còn lại là dân tộc Dao, tỷ lệ hộ nghèo tới 78% số dân.

Ông Tráng A Chí, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dền Thàng cho biết, khó nhất là làm sao để bà con thay đổi phương thức và cách thức sản xuất. Qua tìm hiểu kỹ thổ nhưỡng, tập quán sản xuất và thị trường, xã chọn cây dong riềng làm “đột phá” để phát triển. Hiện Dền Thàng phát triển được gần 70ha cây dong riềng, sản lượng khoảng 1.500 tấn củ/năm, cho tổng thu hơn 5 tỷ đồng/năm. Sau khi thu hoạch được Hợp tác xã miến đao Thành Sơn thu mua nên bà con có thu nhập ổn định, mạnh dạn thay đổi tư duy kinh tế.

Nhìn thấy thành quả lao động rõ rệt, người dân đã dần chuyển đổi từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, dám nghĩ, dám làm, vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Kết quả điều tra hộ nghèo năm 2022, Dền Thàng giảm được 87 hộ, tạo động lực và niềm tin lớn trong xóa nghèo ở địa phương.

Ở xã Nậm Pung, đất đai và khí hậu mát mẻ quanh năm, huyện đưa cây lê Tai Nung VH6 vào khảo nghiệm thành công và mở rộng, phát triển theo hướng hàng hóa kết hợp du lịch nông nghiệp.

Phát huy vai trò đảng viên, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 3

Nuôi lợn đen bản địa là hướng xóa nghèo hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bát Xát.

Là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn đưa cây lê vào trồng, anh Tẩn Sài Lù, thôn Kin Chu Phìn 1 cho biết, cây lê VH6 phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất cao, kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp. Được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn lê của gia đình anh rất sai quả, có cây thu được hơn 50 kg quả. Hiện đầu ra cho sản phẩm lê Tai nung khá thuận lợi, thương lái đến tận vườn nhà anh thu mua với giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg. Trung bình mỗi vụ, gia đình anh thu lãi hơn 50 triệu đồng. "Nhờ trồng lê Tai nung, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn", anh Tẩn Sài Lù chia sẻ.

Đến nay, xã Nậm Pung có hơn 168 ha lê Tai Nung VH6, trong đó có khoảng 50 ha cho thu hoạch, đem lại nguồn thu ổn định và cao hơn các loại cây trồng khác cho bà con nông dân.

Ở xã Sàng Ma Sáo có 890 hộ dân, gồm chủ yếu là dân tộc H’Mông và Giáy, có lợi thế đồng cỏ tự nhiên và diện tích đất trồng cỏ lớn. Xã đã tập trung phát triển chăn nuôi ngựa theo hướng hàng hóa, cung cấp giống và sản lượng thịt chất lượng cao cho thị trường thành phố Lào Cai và Khu du lịch Sa Pa.

Ông Sùng A Chứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sàng Ma Sáo cho biết: Năm 2017, có 17 hộ dân tham gia thực hiện nuôi ngựa theo Đề án số 01 của huyện. Đến nay, rất nhiều hộ đã vay vốn, trồng cỏ nuôi ngựa theo hướng hàng hóa, với tổng đàn ngựa gần 300 con, đem lại nguồn thu ổn định, góp phần xóa nghèo hiệu quả. Năm 2023, xã Sàng Ma Sáo phấn đấu giảm 95 hộ nghèo và nâng mức thu nhập nhập bình quân đầu người lên 22 triệu đồng/người/năm.

Theo Bí thư huyện ủy Bát Xát Nguyễn Trung Triều, những địa chỉ nghèo chính là thước đo năng lực của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ chính trị ở địa phương vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn như Bát Xát. Chủ trương mỗi cán bộ, đảng viên “đỡ đầu” 1 hộ nghèo, không phải chỉ quyên góp vật chất hay thăm hỏi, động viên mà cái chính là sâu sát, nắm được hoàn cảnh, tìm được nguyên nhân để hướng dẫn, giúp họ sinh kế thoát nghèo, như vậy mới thực chất và bền vững. Sau hơn 3 năm thực hiện chủ trương này, đã có hơn 700 hộ thoát nghèo, chiếm khoảng 65% danh sách cần giúp đỡ.