Tháo gỡ "điểm nghẽn" giao thông
Là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, dân số không đông, hạ tầng giao thông kém phát triển và không đồng bộ nên Điện Biên còn nghèo.
Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao; đời sống nhân dân các dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn nằm trong tốp cao so với các tỉnh bạn cùng khu vực.
Trên biên giới, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu diễn biến hòa bình, lôi kéo, kích động nhân dân gây chia rẽ mất đoàn kết giữa các dân tộc… đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển tỉnh Điện Biên trong những năm qua.
Quần thể di tích cấp quốc gia chiến trường Điện Biên Phủ là một lợi thế khác biệt để Điện Biên phát triển du lịch mang thương hiệu Điện Biên.
Song, tỉnh có nhiều tiềm năng riêng có gồm: tài nguyên rừng và đất rừng, khoáng sản, thủy điện, du lịch, đặc biệt là du lịch lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo cho Điện Biên lực hút riêng.
Đặc biệt, quần thể di tích cấp quốc gia chiến trường Điện Biên Phủ là một lợi thế khác biệt để Điện Biên phát triển du lịch mang thương hiệu Điện Biên.
Bên cạnh đó, cửa khẩu quốc tế Tây Trang với khu kinh tế cửa khẩu đã và đang được đầu tư cùng một số cửa khẩu khác với Lào, lối mở A Pa Chải kết nối với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), lại có đường xuyên Á dự kiến đi qua địa bàn, đang và sẽ tạo cơ hội phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao thương quốc tế, phát triển kinh tế đối ngoại, du lịch và dịch vụ.
Du lịch trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số đang là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế của Điện Biên. |
Để biến tiềm năng thành động lực, biến thách thức thành lợi thế phát triển, ngay khi bắt tay thực hiện các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo xây dựng, ban hành 11 nghị quyết cụ thể hóa chương trình hành động. Trong đó, có các nghị quyết chuyên đề về thu hút đầu tư phát triển nông-lâm nghiệp, du lịch, phát triển hạ tầng giao thông kết nối, từng bước tháo gỡ “điểm nghẽn” giao thông đưa Điện Biên trở thành trung tâm thu hút đầu tư của vùng Tây Bắc.
Phân tích rõ hơn “điểm nghẽn” giao thông làm Điện Biên chậm phát triển, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, cho biết: Dù có lợi thế diện tích tự nhiên rộng; đất rừng và đất chưa có rừng còn lớn thuận lợi cho phát triển sản xuất, chế biến nông-lâm nghiệp nhưng vì cách Thủ đô Hà Nội và các khu công nghiệp hơn 500km, vì thế, Điện Biên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.
Điện Biên có thế mạnh về du lịch lịch sử là quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ và du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc thiểu số… nhưng các thế mạnh ấy vẫn không đủ sức hút du khách, bởi quãng đường hơn 500km gập ghềnh, hiểm nguy, nhiều đèo dốc. Và ở đây, chúng ta đều nhận thấy rào cản với Điện Biên chính là “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông làm tăng chi phí của nhà đầu tư, du khách. Tháo “điểm nghẽn” này thì không cách nào khác là đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên Phủ và đầu tư tuyến cao tốc nối từ Sơn La-Điện Biên; chỉ có như thế mới rút ngắn thời gian di chuyển, mới tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô
Phân tích, làm rõ hệ lụy từ “điểm nghẽn” giao thông, trong năm 2020 và 2021, Điện Biên ưu tiên tối đa nguồn lực (hơn 1.500 tỷ đồng) triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng di chuyển hơn 1.000 hộ dân để triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên.
Cùng với đó, Điện Biên đã tranh thủ sự quan tâm của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ để đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ huyết mạch như: quốc lộ 12, quốc lộ 279B, quốc lộ 6, quốc lộ 4H, tạo thuận lợi cho giao thông kết nối Điện Biên với Thủ đô Hà Nội, các trung tâm kinh tế lân cận cũng như giao thương với các tỉnh bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); hình thành các khu vực kinh tế động lực, mở ra cơ hội giao thương, phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Điện Biên chủ trương duy trì diện tích cà-phê hiện có tại huyện Mường Ảng, để thu hút nhà đầu tư chế biến nâng cao chất lượng. |
Tận dụng tối đa lợi thế
Bằng những giải pháp đột phá, quyết tâm chính trị cao nhất và sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, từ 2020 đến nay, Điện Biên đã từng bước chuyển mình, đạt nhiều kết quả nổi bật về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư; các mặt văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện.
Sự phát triển của Điện Biên là sự tăng tiến theo nhịp tăng năm sau cao hơn năm trước cho dù hoàn cảnh và khó khăn liên tục xoay chuyển, bất ngờ.
Đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết: Sự phát triển của Điện Biên là sự tăng tiến theo nhịp tăng năm sau cao hơn năm trước cho dù hoàn cảnh và khó khăn liên tục xoay chuyển, bất ngờ.
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ 14; năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 lại cũng là năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mọi mặt đời sống, sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp đình trệ, vậy nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân theo phương châm “vừa chủ động phòng, chống dịch Covid-19 vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội”, bức tranh kinh tế-xã hội của Điện Biên vẫn bừng lên với “gam màu sáng”.
Trên cánh đồng Mường Thanh, người nông dân Điện Biên đã chủ động đưa máy móc vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng hạt gạo Mường Thanh. |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Điện Biên năm đó (2021) đạt 6,02% (cao hơn so với năm 2020 là 2,19% và cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước hơn 3%); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 117,83% dự toán giao; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ đã thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư, ký kết, thỏa thuận nghiên cứu, như: VinGroup, SunGroup, Flamingo…; công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng với con số tỷ lệ nghèo toàn tỉnh giảm 3,21%, các huyện nghèo 30a giảm 4,5%.
Đặc biệt 2021 cũng là năm Điện Biên có số hộ nghèo được hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở nhiều nhất với 1.027 nhà do Đảng ủy Công an Trung ương kêu gọi hỗ trợ và nhân dân địa phương góp sức giúp hộ nghèo làm nhà.
Kế thừa kinh nghiệm lãnh đạo, ứng phó khó khăn đột xuất, bất ngờ, trong từng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo xây dựng kịch bản phát triển kinh tế theo tinh thần "linh hoạt, sáng tạo và kiên định mục tiêu phát triển.
Đồng chí Mùa A Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên
Do vậy, những tháng đầu năm 2022 dù vẫn chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thiên tai, bão lũ, nhưng nền kinh tế, du lịch, thu hút đầu tư của Điện Biên đã bước vào giai đoạn hồi phục; các chương trình, dự án lớn như: Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, chuẩn bị các thủ tục đầu tư dự án xây dựng cao tốc Sơn La-Điện Biên-Cửa khẩu quốc tế Tây Trang giai đoạn 1; chương trình “Mái ấm nghĩa tình-an sinh xã hội” kêu gọi nguồn lực làm nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách… đều được đẩy nhanh tiến độ, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và các bộ, ngành Trung ương.
Cùng với việc có thêm 3 nhà máy thủy điện hoàn thành được đưa vào khai thác, vận hành; Lễ hội Hoa ban, Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ ba được tổ chức thành công đã góp phần quan trọng thu hút du khách, các nhà đầu tư lớn trong nước về tham quan, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Điện Biên từng bước "chuyển mình"
Với sự chung tay hỗ trợ của Trung ương và các bộ, ngành, mỗi năm tỉnh Điện Biên có thêm nhiều công trình trường, lớp học được xây dựng mới, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số học tập. |
Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút xúc tiến đầu tư tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; tổng số vốn đầu tư đăng ký tăng 24% so với năm 2021.
Trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, kinh tế phục hồi chậm song Điện Biên vẫn là một trong số tỉnh thu hút được nhiều nhà đầu tư về địa bàn; tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án thuộc các lĩnh vực thủy điện, thương mại dịch vụ, nông-lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng.
Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công mở rộng sân bay Điện Biên-công trình trọng điểm góp phần tháo "điểm nghẽn" về giao thông tạo đòn bẩy cho Điện Biên phát triển. |
Do đó, kinh tế năm 2022 của Điện Biên tiếp tục tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu đạt khá so với kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 10,19% đưa Điện Biên xếp thứ 2 trong số 14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía bắc và xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 10,19% đưa Điện Biên xếp thứ 2 trong số 14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía bắc và xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 39,68 triệu đồng/người/năm; các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân được triển khai thực hiện hiệu quả, từ đó giảm 4,32% hộ nghèo trong toàn tỉnh, riêng các huyện nghèo 30a giảm 6,04% so với năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Điện Biên đã giảm 8,33% so với năm 2021 (giảm từ 30,35% xuống còn 26,57%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm trên 5,5%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 5%. 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.