Theo truyền thống, lễ hội chùa Thầy được tổ chức vào các ngày 5, 6, 7 tháng 3 (âm lịch). Lễ hội chùa Thầy năm nay bắt đầu từ mồng 1 Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng 3 (âm lịch). Ba ngày hội truyền thống sẽ được tổ chức thành ba ngày chính hội trong mùa lễ hội. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương, kể từ khi chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014, và một năm sau đó, ba pho tượng Di Đà Tam Tôn tại chùa Thầy được công nhận là Bảo vật quốc gia, lượng du khách đến với chùa Thầy ngày một đông hơn. Việc tổ chức thành mùa lễ hội chùa Thầy nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo khách thập phương.
Trên địa bàn Hà Nội, hiếm có khu vực nào có những giá trị độc đáo như khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách khi giữa vùng đồng bằng mọc lên một dải núi, gồm 11 ngọn núi đá. Nổi bật nhất trong dải núi đó là núi Sài Sơn (núi Thầy), hình vòng cung cao khoảng 100 m, từ xã Sài Sơn kéo xuống tận xã Hoàng Xá với bán kính hơn 3 km. Núi Sài với nhiều hang động nổi tiếng như hang Cắc Cớ, hang Thánh Hóa, hang Gió... Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072-1116) đã chọn chốn phong thủy hữu tình này là nơi tu hành. Hiện tại, chùa Thầy là một tổ hợp kiến trúc Phật giáo kết hợp kiến trúc dân gian lớn có niên đại thế kỷ 17 đến 18. Riêng chùa Cả đã là một tổ hợp kiến trúc hiếm có ở nước ta. Chùa nằm trên một bán đảo nhô ra hồ Long Trì. Ngoài các hạng mục quan trọng được xây dựng bề thế, quy mô, điểm độc đáo của ngôi chùa còn ở hai cây cầu cổ, kiểu thượng gia hạ kiều (trên là nhà, dưới là cầu) nằm hai bên chùa. Một cây cầu nối với làng xóm, một cây cầu nối chùa với đảo nhỏ. Ngay trước cửa chùa là một tòa thủy đình, gắn với truyền thuyết thiền sư Từ Đạo Hạnh dạy dân múa rối nước. Chỉ riêng hai cây cầu và tòa thủy đình (xây dựng khoảng thời Hậu Lê) cũng đã khiến khách tham quan bị mê hoặc bởi vẻ đẹp độc đáo và đặc sắc. Quanh núi Sài Sơn còn có chùa Cao (Đỉnh Sơn tự), theo truyền thuyết là nơi Từ Đạo Hạnh trút xác để đầu thai trở lại thành Vua Lý Thần Tông; chùa Một Mái (Bối Am tự), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ ngày 3-2 đến 2-3-1947; chùa Long Đẩu, chùa Sài Khê...
Quần thể di tích chùa Thầy còn lưu giữ được hệ thống các di vật, cổ vật rất phong phú thuộc nhiều chủng loại, chất liệu. Trong đó, bộ tượng Di Đà Tam Tôn được công nhận là Bảo vật quốc gia, nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt cho nên được ví như "báu vật nằm trong báu vật". Ngoài ra, quần thể này còn có một loạt các di tích quan trọng khác như: chùa Hoa Vân, đền Văn Xương, quán Hoàng Xá, chùa Hoàng Kim...
Từ năm 2017, UBND huyện Quốc Oai đã lên phương án Quy hoạch tổng thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Huyện Quốc Oai sẽ di dời 47 hộ dân sống quanh hồ Long Trì dưới chân núi Thầy đến khu tái định cư mới để bảo đảm các vành đai bảo vệ theo quy định, mở đường giao thông bắc nam khu đô thị Quốc Oai, từ đại lộ Thăng Long về chùa Thầy rộng 42 m và mở đường dẫn từ đường vành đai du lịch về chùa Long Đẩu... Cũng từ năm 2017, UBND huyện Quốc Oai đã lên phương án đổi mới công tác tổ chức quản lý, tổ chức lễ hội chùa Thầy.
Dịp chính Hội năm nay (từ ngày 20 đến 22-4), huyện Quốc Oai phục dựng nguyên bản các nghi thức tế, rước trong các ngày Lễ Mộc dục và Lễ Tạ Thánh. Huyện cũng tham vấn từ các nhà khoa học, từng bước khôi phục trang phục lễ tế truyền thống mang dấu ấn đặc trưng của mỗi thôn, làng trong quá trình thực hiện các nghi lễ. Bên cạnh phần lễ, Ban tổ chức cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong phần hội. Các loại hình di sản phi vật thể của huyện Quốc Oai như: hát Dô xã Liệp Tuyết, hát Ví Hàm Rồng của xã Tuyết Nghĩa, múa rối nước của Sài Sơn, hát chèo của xã Đại Thành, hát tuồng của xã Dương Cốc... được trình diễn tại lễ hội. Ngoài việc trình diễn múa rối nước đặc sắc, các trò chơi dân gian truyền thống của người dân Sài Sơn như: đá cầu, bắt trạch trong chum, bịt mắt đập niêu, kéo co... được tổ chức khu vực sân trung tâm trước hồ Long Trì và chùa Long Đẩu.
Lãnh đạo UBND huyện Quốc Oai cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 75 nghìn lượt khách đến với lễ hội chùa Thầy. Điều đó cho thấy việc phát huy giá trị di tích chùa Thầy đang đi đúng hướng. Huyện Quốc Oai đang tiếp tục kết nối chùa Thầy với đình So (xã Cộng Hòa), Khu du lịch Tuần Châu - Quốc Oai trên địa bàn, kết nối với các hoạt động du lịch tại sông Đáy và núi Vua Bà, nhằm phát huy giá trị của khu di tích này.