Thời đại Hùng Vương bắt đầu từ thế kỷ thứ VII trước Công nguyên. Các Vua Hùng đóng đô ở vùng đất Phú Thọ ngày nay. Tuy nhiên, ở Hà Nội, dấu ấn thời đại Hùng Vương hết sức rõ nét, qua những di chỉ khảo cổ học, cũng như các di tích và một số phong tục, tập quán, nghi thức trong các lễ hội. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, vị trí của di tích Hùng Vương, văn hóa thời đại Hùng Vương còn chưa đầy đủ. Chính vì vậy, mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương - Chi nhánh TP Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát huy giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương trên đất Thăng Long”, với sự tham dự của nhiều nhà khoa học nhằm làm rõ những giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương tại Hà Nội.
Riêng về dấu tích khảo cổ, theo Phó Giáo sư Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội có tới 24 di chỉ từ thời Đông Sơn, trải trên địa bàn nhiều quận, huyện điển hình như: Đình Tràng (xã Dục Tú, huyện Đông Anh), Đường Mây, Bãi Mèn lớp trên (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh), gò Chùa Thông (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì), Quần Ngựa, Cống Vị (quận Ba Đình)… Phó Giáo sư Tống Trung Tín khẳng định, tại các di chỉ này đã tìm được số lượng lớn đồ gốm cỡ lớn và hàng chục nghìn mảnh gốm ken dày trong tầng văn hóa, các hiện vật như thạp, thố, bình, chậu đồng… Tại khu vực Cổ Loa, các nhà khoa học tìm thấy rất nhiều dấu tích liên quan đến đúc đồng. Điều này cho thấy sự phát triển phồn thịnh về kinh tế - xã hội thời đại Hùng Vương tại Hà Nội, trong đó, Cổ Loa là một trung tâm đúc đồng lớn của cả nước. Nhiều di chỉ tại Hà Nội tìm thấy trống đồng - biểu tượng quyền lực và tôn giáo của người Việt cổ. Hệ thống di chỉ về thời đại Hùng Vương còn cho chúng ta biết quá trình chuyển rời trung tâm từ vùng Phong Châu (Phú Thọ) về vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Di sản thời đại Hùng Vương còn thể hiện rõ nét trong các lễ hội, các di tích phụng thờ Vua Hùng, cũng như các vị thần, vị tướng thời Hùng Vương. Theo Tiến sĩ Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long, Hà Nội có hơn 500 di tích liên quan đến thời đại Hùng Vương, trong đó có 137 di tích gồm đình, đền, nghè, quán thờ trực tiếp các vị thần thời Hùng Vương. Các di tích này trải rộng ở nhiều quận, huyện. Các nhà khoa học cho biết, ngoài vai trò là trung tâm kinh tế, Thăng Long – Hà Nội còn là trung tâm về tín ngưỡng của người Việt cổ. Nổi bật nhất là hai trung tâm tín ngưỡng dân gian là lễ hội Phù Đổng thờ Thánh Gióng (ở các huyện Gia Lâm và Sóc Sơn) và lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (ở huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây). Hai vị Thánh này có vai trò quan trọng trong tín ngưỡng của cả dân tộc. Trong đó, tục thờ cúng Tản Viên Sơn Thánh có sự lan tỏa sâu rộng trong dân gian.
Những di tích, di sản nêu trên cho thấy, lịch sử Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ mở nước của dân tộc. TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, di sản nói chung, trong đó có di tích, di sản thời đại Hùng Vương. Điển hình như, tổ chức lễ hội Thánh Gióng, Tản Viên Sơn Thánh ở quy mô lớn, lập hồ sơ công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Huyện Đông Anh là địa bàn có nhiều di tích, di sản liên quan đến thời đại Hùng Vương. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, ngoài bảo tồn di tích, huyện đã nghiên cứu, sưu tầm phục hồi nghi lễ thờ cúng và các trò chơi dân gian tiêu biểu như hội kéo lửa thổi cơm thi làng Lương Quy, diễn tả cảnh dân làng khẩn trương chuẩn bị quân lương để ba ông Thánh của làng theo Thánh Gióng đánh giặc Ân; tục kéo rắn làng Xuân Nộn để tưởng nhớ hai vị đại vương là Vũ Định và Thiên Cương đã có công giúp Vua Hùng thứ 18 đánh giặc… Mặc dù vậy, sự quan tâm, đầu tư chưa đồng đều ở các địa phương, nhiều di tích, di chỉ bị xâm phạm. Các giá trị văn hóa liên quan đến thời đại Hùng Vương chưa được xâu chuỗi để trở thành một hệ thống văn hóa đủ sức kết tinh và lan tỏa. Thạc sĩ Bùi Văn Huỳnh (Viện Khoa học Lịch sử) cho biết, thời đại Hùng Vương - An Dương Vương có những đặc thù riêng. Hà Nội cần bảo tồn và tôn tạo đúng cách, tránh việc đưa linh vật ngoại lai vào các di tích; tôn trọng công trình kiến trúc cũ phản ánh lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương và không phá vỡ cảnh quan, kiến trúc, sử dụng nguyên vật liệu phù hợp trong tôn tạo, tránh việc hiện đại hóa các di tích. Nhiều nét đẹp truyền thống trong các lễ hội tại các di tích cần được gìn giữ bởi nó liên quan đến văn hóa người Việt cổ, nhất là bảo tồn các trò chơi dân gian thuần Việt trong các lễ hội như trò chơi vật cầu, nấu cơm thi...
Nhiều đại biểu đều cho rằng, Hà Nội nên có những nghiên cứu chuyên sâu về thời đại Hùng Vương, xâu chuỗi các di tích, di sản liên quan đến thời đại Hùng Vương để tạo nền móng cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị, nhất là trong tổ chức giáo dục lịch sử, văn hóa, tổ chức các tuyến du lịch nhằm đem lại hiệu quả cho việc giữ gìn, phát huy và giới thiệu văn hóa truyền thống địa phương đến với khách du lịch.
Phát huy giá trị di sản thời đại Hùng Vương tại Hà Nội
Thời đại Hùng Vương là khởi nguồn cho lịch sử đất nước Việt Nam, khai sinh nền văn hóa, văn minh bản địa. Hà Nội hiện có hơn 500 di tích liên quan đến thời đại Hùng Vương, ngoài ra, còn một số phong tục, tập quán, nghi lễ... được cho là còn sót lại từ thời kỳ này. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò của di tích thời đại Vua Hùng tại Hà Nội còn chưa đầy đủ, nghiên cứu về thời đại này còn phân tán. Thành phố nên có nghiên cứu chuyên đề, xâu chuỗi các di tích, di sản thời đại Hùng Vương để phát huy giá trị.
Lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn) là một di sản văn hóa tiêu biểu thời đại Hùng Vương tại Hà Nội. |