Trong thời gian qua, nhiều thương nhân đang kinh doanh tại Trung tâm thương mại-dịch vụ An Đông (Trung tâm An Đông) có phản ánh việc thu tiền điện, dịch vụ vệ sinh tại đây chưa hợp lý; trong đó, có việc thu phí đi vệ sinh đối với khách hàng của thương nhân.
Những bức xúc này, Ban Quản lý Trung tâm An Đông cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch vụ vệ sinh tại Trung tâm An Đông do Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ công ích Quận 5 thực hiện. Theo đó, mức thu thống nhất được áp dụng là 187.000 đồng/sạp/tháng (bao gồm: tiền vệ sinh lau, quét chợ; sử dụng nhà vệ sinh công cộng; thu gom-vận chuyển rác).
Ngay sau khi tiếp nhận công việc, nhà cung cấp dịch vụ vệ sinh cũng đã thực hiện cấp thẻ sử dụng nhà vệ sinh công cộng miễn phí đến từng hộ kinh doanh. Đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ thu tiền theo lượt đối với những người bên ngoài vào sử dụng nhà vệ sinh trong Trung tâm An Đông (không có thẻ) thông qua hình thức tự bỏ tiền vào thùng, có niêm yết bảng giá dịch vụ. Còn các khách hàng của hộ kinh doanh, nếu sử dụng thẻ của hộ kinh doanh vẫn được phục vụ vệ sinh miễn phí.
Theo Ban Quản lý, việc thu phí vệ sinh theo lượt đối với những người bên ngoài đã được Ban Quản lý, thương nhân bàn bạc và thống nhất thực hiện nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ; hạn chế thấp nhất các đối tượng phức tạp lợi dụng việc sử dụng nhà vệ sinh miễn phí để gây mất trật tự, hình thành điểm nóng về tệ nạn xã hội.
Đối với mức thu tiền điện, Ban Quản lý Trung tâm An Đông cho rằng, nguồn thu này được sử dụng để thanh toán tiền điện phục vụ duy trì hoạt động của các thiết bị dùng chung: Hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, vận hành hệ thống thang cuốn, dầu chạy máy phát điện, thang máy… và duy trì hoạt động của Tổ Kỹ thuật (chi trả lương, phụ cấp, các chế độ chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật). Việc xác định mức thu dựa trên nguyên tắc số thu phải đủ bù đắp chi phí và căn cứ các cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn đầy đủ (các nghị định của Chính phủ, quy định của Bộ Công thương…).
Trưởng ban Quản lý Trung tâm An Đông Đinh Hồ Duy Ngọc cho biết: Việc Ban Quản lý chủ động xây dựng phương án triển khai mức thu tiền sử dụng điện đối với các hộ kinh doanh tại trung tâm là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật.
Đối với tình trạng thương nhân có tranh chấp hợp đồng thuê điểm kinh doanh, Ban Quản lý Trung tâm An Đông cũng đã có các cuộc đối thoại, giải thích rõ ràng. Cụ thể, trường hợp bà Sử Thị Ái Oanh, người trực tiếp kinh doanh tại sạp I 13 tầng trệt.
Theo đó, sạp I 13 này do bà Trần Thị Lệ Hoa đứng tên hợp đồng thuê điểm kinh doanh (thời hạn 2012-2021) và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hợp đồng thuê điểm kinh doanh đã hết hạn từ ngày 31/12/2021. Trong khi đó, bà Sử Thị Ái Oanh là người trực tiếp kinh doanh tại sạp nhưng không có giấy tờ ủy quyền hợp lệ. Ban Quản lý đã nhiều lần thông báo mời ký hợp đồng quyền sử dụng điểm kinh doanh giai đoạn 2019-2029 nhưng bà Hoa vẫn không liên hệ Ban Quản lý để ký hợp đồng.
Do vậy, vào ngày 14/1/2022 và 24/1/2022, Ban Quản lý đã ban hành các thông báo kết thúc thời hạn hợp đồng thuê điểm kinh doanh với nội dung "Yêu cầu bà Hoa thu dọn hàng hóa và bàn giao điểm kinh doanh cho Ban Quản lý; kể từ ngày 1/1/2022 Ban Quản lý đưa sạp I 13 vào quản lý theo diện sạp trống, mọi thiệt hại xảy ra (nếu có) đối với hàng hóa bên trong, Ban Quản lý hoàn toàn không chịu trách nhiệm". Tuy nhiên, đến nay bà Hoa vẫn không tiến hành ký hợp đồng mới mà vẫn tiếp tục để cho bà Sử Thị Ái Oanh sử dụng sạp để hoạt động kinh doanh liên tục từ thời điểm đó đến nay.
Trưởng ban Quản lý Trung tâm An Đông Đinh Hồ Duy Ngọc cho biết: Đối với các trường hợp có hành vi cố tình vi phạm, tiếp tục sử dụng điểm kinh doanh khi hợp đồng đã hết hạn mà hai bên không có thỏa thuận gia hạn hợp đồng cũng như không thực hiện nghĩa vụ tài chính, Ban Quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng và áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng sử dụng điểm kinh doanh trái pháp luật. Việc Ban Quản lý áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng điểm kinh doanh trái pháp luật (niêm phong sạp) là nhằm bảo vệ tài sản thuộc sở hữu nhà nước, tránh làm thất thoát, hao mòn tài sản công và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của Nhà nước và của đơn vị là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng, toàn bộ các bước quy trình xử lý đều thể hiện bằng văn bản.