Ở phía nam biên cương

NDO - Trải dài gần 135km đường biên, với 20 xã biên giới, một cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu quốc gia, hai cửa khẩu phụ và tám lối mở, cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây, tỉnh Long An trong nhiều năm qua vẫn luôn là “điểm nóng” cho các hoạt động buôn lậu. Càng vào những cận Tết, trên các tuyến đường biên, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng chức năng vẫn đang ngày đêm làm nhiệm vụ ở các tổ chốt nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép vào nội địa.
0:00 / 0:00
0:00
Ở phía nam biên cương

Vất vả tuần tra nơi biên giới

6 giờ tối, chiếc xe ô-tô bán tải của Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An) chở tổ tuần tra cơ động rời khỏi đồn đi tới khu vực sát biên giới tại cột mốc phụ 208/5(2), thuộc xã Bình Hiệp, Thị xã Kiến Tường. Ra khỏi cổng đồn, chiếc xe rẽ ngược lại về hướng TP Tân An. Chúng tôi khá bất ngờ về hướng đi này. Nhưng Đại úy Lê Thành Danh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp chia sẻ, các đối tượng “canh đường” luôn đứng trước cửa đồn để cảnh giới, mỗi khi các chiến sĩ đi ra khỏi đồn tuần tra là lập tức có người thông báo. Do vậy, việc triển khai ngăn chặn các đối tượng buôn lậu cần phải được tổ chức cẩn trọng và bất ngờ. Một số người được dân buôn lậu thuê làm tai mắt, mặc dù biết họ tiếp tay cho buôn lậu nhưng không có căn cứ, cơ sở để xử lý, cho nên lực lượng biên phòng phải tìm mọi cách để cắt đuôi, đánh lạc hướng các đối tượng này.

Dừng xe tại trạm chốt, chúng tôi bắt đầu hành trình đi bộ ra mốc phụ 208/5 (2). Trung úy Châu Võ Phú Duy, Đội trưởng Vũ trang Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp yêu cầu tập hợp đội hình, thoăn thoắt dẫn chúng tôi băng qua các thửa ruộng dưa hấu, tiến dần về biên giới. Xung quanh trời tối như mực, thi thoảng ánh đèn pin mới bật sáng khi có tiếng người vọng đằng xa hay hoạt động khả nghi. Khác với địa hình phía bắc, địa hình phía nam bằng phẳng, ruộng liền ruộng, đất liền đất, sông liền sông, có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối mở, rừng cao che khuất cho nên chỉ cần một phút lơ là thì các đối tượng sẽ nhanh chóng vượt qua đường biên. Mùa mưa thì mênh mông nước, phải đi tuần tra bằng xuồng máy dọc biên giới, nắng mưa thất thường và nhiều giông, sét. Vào mùa khô, đường tuần tra không bằng phẳng, lúc thì bờ ruộng, lúc là kênh rạch và đầm lầy, rất vất vả. Giữa vùng biên không một bóng người, đang nắng gay gắt, chỉ một đám mây nhỏ bay ngang, trời có thể đổ cơn mưa. Khó khăn là thế, nhưng suốt dọc đường tuần tra, tranh thủ lúc nghỉ ngơi các chiến sĩ đều chia sẻ, người mệt mỏi nhưng khi đến được các cột mốc và dọc biên không có hoạt động phạm pháp xảy ra, thế là bao mệt nhọc lại tan biến. Bởi nơi đó là Tổ quốc, là chủ quyền và sự yên bình nơi vùng biên.

Khác với tổ tuần tra cơ động, các chốt dọc biên giới cũng có lực lượng trực liên tục 24/7. “Ca này làm việc thì ca kia “tranh thủ” ngủ chút lấy sức. Mỗi chốt có khoảng mấy anh em, không đủ chỗ nằm phải mắc võng xung quanh để ngủ nghỉ. Nấu ăn ngay tại chỗ, nước uống nếu có thì chở ở đồn đến, không thì uống kênh” - Trung úy Nguyễn Quốc Khôi, Chiến sĩ Đồn biên phòng phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây chia sẻ. Trong ký ức của nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng, nơi đây từng là địa bàn nóng bỏng với cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá. Khu vực cửa khẩu còn hoang vắng, đất rộng, người thưa, cây rừng rậm rạp.

Hiện, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây quản lý 13,99km đường biên giới, đang duy trì 2 chốt quân số với 17 đồng chí kiểm soát từ mốc 180 đến mốc 189. Việc tuần tra rất vất vả, các chiến sỹ luôn phải căng mình trên biên giới 24/24 giờ trong cả một thời gian dài nên khá mệt mỏi. Nhưng nếu ngưng thì buôn lậu sẽ ồ ạt. Hoạt động buôn lậu xảy ra trên địa bàn chủ yếu là vận chuyển thuốc lá qua biên giới. Tùy từng thời điểm, hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn ra với số lượng nhỏ, lẻ, từ 20-25 thùng/ngày, đêm, tại một số khu vực như ấp 6, xã Mỹ Quý Đông; ấp 3, 4, 6, xã Mỹ Quý Tây. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tinh vi, tập kết hàng lậu sát đường biên giới, dùng điện thoại liên hệ với nhau, sau đó cho người cõng hoặc mang, vác hàng lậu từ Campuchia qua biên giới về Việt Nam. Các đối tượng chủ đầu lậu sẽ thu gom, đưa lên xe máy hoặc ô-tô chạy tốc độ cao để nhanh chóng vận chuyển hàng vào nội địa tiêu thụ.

Cần nâng cao nhận thức pháp luật

Thực tế cho thấy, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua tuyến biên giới tỉnh Long An thời gian qua được kiềm chế, kéo giảm, song vẫn tiếp tục xảy ra ở một số địa bàn, các mặt hàng chủ yếu là thuốc lá, đường cát… và vào dịp cuối năm do sự chênh lệch về giá cả, các đối tượng buôn lậu vận chuyển pháo từ bên kia biên giới qua địa bàn tỉnh Long An để đem đi tiêu thụ. Tuy nhiên, với sự vào cuộc sát sao, lực lượng chức năng đã lật tẩy nhiều chiêu trò tinh vi của các đối tượng buôn lậu, đặc biệt một số vụ đã bắt giữ được những kẻ chủ mưu - một việc khó trong đấu tranh chống buôn lậu.

Ở phía nam biên cương ảnh 1

Điển hình, vụ án buôn lậu trên 200 tấn đường cát tại huyện Tân Hưng, lực lượng chức năng đã khởi tố tổng cộng 25 bị can về các tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; bắt giữ đối tượng cầm đầu là La Văn Trận và Võ Văn Công. Kết quả điều tra, khám phá vụ án nêu trên đã đánh mạnh vào các đường dây, tổ chức buôn lậu trên tuyến biên giới, xử lý được đối tượng cầm đầu và các đối tượng giúp sức, thực hiện tội phạm, góp phần răn đe, phòng ngừa chung.

Và mới đây, qua công tác nắm tình hình trên tuyến biên giới tại địa bàn thị xã Kiến Tường, lực lượng chức năng phát hiện nhóm đối tượng Lê Văn Cường sinh năm 1982, địa chỉ tại Ấp Cái Đôi Đông, xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường, có biểu hiện nghi vấn vận chuyển trái phép pháo nổ từ Campuchia vào nội địa tiêu thụ, với số lượng tương đối lớn vào dịp trước Tết nguyên đán 2024.

Trước tình hình trên, do số lượng pháo được xác định được cất giấu ở kho phía Campuchia, nên các lực lượng chức năng đã tổ chức nắm tình hình, quy luật hoạt động của nhóm đối tượng để có kế hoạch đấu tranh, xử lý. Vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 19/12/2023 tại đoạn Quốc lộ 62 thuộc khu phố 1, thị trấn Tân Thạnh, tỉnh Long An, các lực lượng chức năng tiến hành chốt chặn, kiểm tra xe ô-tô 7 chỗ do Lê Văn Cường điều khiển, phát hiện, thu giữ 108 hộp pháo hoa nổ, có trọng lượng 172,8 kg. Qua truy xét, đã bắt giữ 3 đối tượng, 2 xe ô-tô, thu 1.343kg pháo các loại; "chặt đứt" các chân rết là các đối tượng được Lê Văn Cường thuê vận chuyển. Vì chỉ tính từ tháng 11/2023 đến nay, đường dây do Lê Văn Cường cầm đầu đã vận chuyển 1.515kg pháo qua biên giới và bị các lực lượng chức năng phối hợp bắt giữ…

Đại tá Trương Thùy Dương, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Long An cho biết: Đời sống nhân dân một số xã biên giới còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, dễ bị các đối tượng buôn lậu móc nối, thuê mướn vận chuyển hàng lậu. Để ngăn chặn hoạt động buôn lậu ngay từ biên giới, lực lượng biên phòng đang tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới; triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa và các hành vi xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, triệt xóa các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, không để hình thành các tụ điểm kho, bãi tập kết, chứa hàng hóa nhập lậu trong khu vực biên giới. Và giải pháp quan trọng hơn hết chính là đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân trên khu vực biên giới không tham gia buôn lậu và không tiếp tay cho bọn buôn lậu, kịp thời phát hiện, tố giác bọn tội phạm buôn lậu cho cơ quan chức năng.

Ở phía nam biên cương ảnh 2

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng tỉnh Long An tuần tra trên các địa điểm, khu vực biên giới "nóng" về buôn lậu. (Ảnh: Thanh Phong)

Đồng chí Võ Thiện Ngộ, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Long An, cho biết, để chủ động kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường những tháng cuối năm và thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thực phẩm. Đặc biệt là tăng cường công tác hậu kiểm; những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm, giám sát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng phân phối, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng để kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...