Tìm lời giải cho bài toán bảo vệ động vật hoang dã (Bài 1)

Những bữa tiệc rừng

30 năm qua, từ khi Việt Nam tham gia Công ước về thương mại quốc tế bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), chúng ta đã có nhiều hành động thiết thực nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và quản lý việc buôn bán các loài động, thực vật có tên trong Sách đỏ. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt và sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã ở nước ta vẫn diễn biến vô cùng phức tạp. Điều đó cho thấy khung pháp lý và công tác quản lý, bảo vệ đối với các loài động vật hoang dã còn nhiều bất cập.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum thả động vật hoang dã về lại môi trường tự nhiên. (Ảnh ĐỨC THÀNH)
Lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum thả động vật hoang dã về lại môi trường tự nhiên. (Ảnh ĐỨC THÀNH)

Không biết từ bao giờ thịt thú rừng lại trở thành một thứ “đồ ăn hợp gu” đối với nhiều người. Sức hút của đồ rừng đã khiến nhiều người tìm kiếm để thưởng thức bất chấp mọi thứ. Và những cánh rừng, trong suốt nhiều năm qua, chưa khi nào được bình yên bởi sự sục sạo, tìm kiếm của nhiều người.

Thịt thú rừng kín đáo lên bàn nhậu

Cây Xanh tên một quán ăn ở Hà Nội gợi mở cho chúng ta những mảng không gian xanh giữa phố thị, để thư thái thưởng thức đồ ăn, thế nhưng đây lại là nơi phục vụ những món ăn từ rừng xanh. “Cầy bạc má hiếm khi bắt được. Loại này không nuôi được, chỉ có đồ rừng xịn. Một mâm 6 người ăn, 1 hấp xôi, 1 rựa mận, 1 xáo xương khoai sọ, lòng xào là đẹp nhất”; “Lửng siêu hiếm, vận chuyển từ trên rừng về, đặt ngay, kẻo hết sạch, 685 k/kg. Con này 20 kg, móc hàm, thui rơm được 14 kg”, “Thợ săn bắn chết con lửng, thịt ngay trong rừng. Cúng thần rừng bộ lòng. Còn nguyên tươi máu, về đến nhà hàng 17h. Quá rẻ cho 1 mâm 6 người, trọn gói 3,5 triệu, đủ 7 món”…

Những lời mời gọi, tư vấn liên tục được quản lý quán giới thiệu qua các trang mạng xã hội cho khách hàng. Để chứng minh là đồ thật, tin nhắn luôn có hình ảnh kèm theo từ lúc bắt được thú rừng, quá trình vận chuyển tới lúc về quán vẫn còn sống để cho thực khách yên tâm.

Chủ quán nói thẳng: “Chỗ anh, hàng rừng cái gì cũng có. Hàng hiếm, nên ai đặt trước sẽ ưu tiên. Cứ để lại số điện thoại, có hàng sẽ thông báo. Độc hay lạ cũng chỉ cần ít ngày là có hàng”. Nói xong, chủ quán mở điện thoại, cho chúng tôi xem video các loài động vật quý hiếm đang trên đường được đưa về quán.

Quán mới mở được hơn một năm, nhưng theo lời chủ quán, để tạo thương hiệu với vô vàn hàng quán hiện nay thì phải tìm ra sự khác biệt, đó chính là đồ ăn luôn độc lạ, hoang dã và do đánh bắt chứ không dùng hàng nuôi. Nguồn hàng khá phong phú, nhưng chủ yếu có nguồn gốc từ núi rừng Tây Bắc. Hàng do các tay săn thú giới thiệu, không được chết có thể bị thương nhẹ nhưng phải sống, như thế mới được giá và uy tín.

Nằm dưới chân núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc), từ nhiều năm trở lại đây, các nhà hàng luôn nổi tiếng với thịt thú rừng. Trong vai khách du lịch, chúng tôi lang thang tại đây, hỏi thăm những người chạy xe ôm, lái xe taxi về những quán ăn có bán thịt rừng thì được giới thiệu hàng loạt địa chỉ. Một số nhà hàng đặc sản thịt thú rừng được thiết kế theo kiến trúc dân dã, tạo cảm giác cho thực khách được sống “đúng” với không gian của núi rừng.

Tại một quán “lâu đời”, chủ quán giới thiệu các loại thịt có sẵn như cầy hương, heo rừng và nai. Thực đơn bằng miệng, không in ra thành quyển. Song nổi tiếng nhất ở nơi đây là thịt dúi. Ngoài việc “thưởng thức” thịt dúi xào sả ớt, giả cầy, xào lăn, nướng riềng mẻ, nướng hoa hồi, hấp bia, điều không thể thiếu đối với món này đó chính là tiết canh dúi.

Có nhóm khách đến, dúi được nhân viên đưa ra để chứng tỏ dúi sống. Một nhân viên túm lấy, người còn lại miệng giới thiệu, tay dùng dao lia một cái rồi dùng bát hứng những tia tiết phun ra. Bát tiết được chuẩn bị, các thực khách “trang trí” rau thơm, hạt dổi, ớt tươi, có người cẩn thận còn “kết hợp” thêm ít rượu. Họ xúc vào mồm và nuốt ừng ực, khề khà chén rượu cùng nhau.

Dúi hay còn gọi chuột nứa là loài gặm nhấm trong rừng, chuyên ăn rễ tre, măng tre hay các loại cây thuộc họ tre, nứa và một số loại hạt, củ, quả. Vì thế người ta cho rằng thịt dúi sạch, an toàn, bổ hơn những loại gia cầm, vật nuôi. Thậm chí, có người còn cho rằng thịt dúi tốt cho sức khỏe bởi dúi ăn rễ các cây thuốc trong rừng.

Do sự đồn đại về mức độ bổ dưỡng của tiết dúi nên rất nhiều người săn lùng. Theo một chủ quán nơi đây, hàng quán mở ra để phục vụ chủ yếu cho khách du lịch thích khám phá và khách chơi golf tại sân Tam Đảo vào dịp cuối tuần. Nhiều năm trở về trước, khắp các vùng núi rừng Tam Đảo còn nhiều động vật quý hiếm.

Ngày ấy, đời sống người dân khó khăn nên họ lấy việc săn bắn để cải thiện bữa ăn và mang ra chợ bán. Người dân buộc cổ chúng kéo theo, hoặc đeo vắt vẻo ở đòn gánh. Với núi đá, rừng rậm, khí hậu mát mẻ, Tam Đảo là môi trường thích hợp cho sự sống của loài dúi. Nhưng đến thời điểm này, động vật quý hiếm gần như đã hết. Để có “nguồn cung” cho thực khách, các nhà hàng phải đặt mua gom từ các nguồn hàng khắp nơi. Và như vậy, hàng loạt đường dây cung cấp thịt thú rừng nở rộ, cùng nhau đặt bẫy, săn bắt khiến tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt…

Công khai mua bán trên mạng

Cũng giống như các mặt hàng khác, tận dụng mạng xã hội, các tay săn thú, buôn bán thi nhau lập nhóm trên các mạng xã hội để giới thiệu những hình ảnh trực quan sinh động nhằm thu lợi bất chính. Trong vai khách hàng, chúng tôi viết yêu cầu của mình vào trong các nhóm kín như: “Hội bẫy thú rừng xuyên quốc gia”, “Hội săn bắt thú rừng Cao Bằng”, “Hội săn bẫy rừng miền Bắc”,… nhiều lời mời chào chủ động nhắn tin riêng cho chúng tôi.

Kết nối với chủ tài khoản Thế - tên của người nhắn nhưng không có hình ảnh đại diện - sau khi lướt trang cá nhân có giới thiệu loại thú, từ thui sẵn cấp đông tới mới bị săn bắn hay còn sống, chúng tôi hỏi: “Có đủ đồ rừng hằng tuần không?”. Thế tự tin trả lời: “Cái gì cũng có cả. Tùy quy mô quán, nhưng quan trọng khách hàng phải có tiền. Tiền vừa thì hàng có tên, còn nhiều tiền thì hàng quý hiếm”.

Biết tôi là người mới tìm hiểu, lo sợ việc vận chuyển, Thế chia sẻ ngay, thú chỉ cần trói chân cho vào bao tải rồi chất lên xe khách quen chở: “Bắt được thú rừng mang ra khỏi rừng là an toàn rồi, có khó khăn gì đâu việc vận chuyển”. Hàng mà Thế có được giữ ở nhiều nơi khác nhau để tránh bị phát hiện do đó, nếu lấy hàng sẽ phải mất công lấy làm nhiều lần.

Có thể thấy, nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng đang gia tăng ở các đô thị, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Để sử dụng những “mặt hàng” này chắc chắn phải là người có thu nhập cao bởi họ tin đây là món ăn tươi, giúp bồi bổ sức khỏe và cũng là để chứng tỏ đẳng cấp xã hội.

Tham gia vào các hội nhóm kín đó mới thấy mức độ “tàn sát” thiên nhiên thật khủng khiếp. Không chỉ buôn bán thịt thú rừng, nhiều tay săn thú còn cung cấp các loại bẫy để nhằm phục vụ cho những “thú vui” hay “kinh doanh” của nhiều người.

Mức độ tàn độc trong từng chiếc bẫy phụ thuộc vào “nhu cầu” của mỗi người. “Bẫy cạm kiềng sắt xoắn, cạm chắc khỏe, bẫy thú đến 50 kg, các bác dùng hàng phục vụ loại nào cũng có, uy tín, bảo đảm chất lượng, kèm van mở, ship tận nhà, nhận hàng được kiểm tra”, “Lưới bẫy rắn siêu bền, chỉ 3 k/m, mắt 5 phân bắt rắn 1 kg đến 5 kg, mắt 3 phân bắt rắn 2 lạng-2 kg”, “Lồng bắt thú thủ công mèo, chồn hiệu quả, lò xo chắc, thép chống gỉ, giá 2xx” - lời quảng cáo xuất hiện nhan nhản trong các hội nhóm luôn đi kèm theo video hướng dẫn sử dụng. Song, theo một số người, việc sử dụng bẫy sắt thường làm con thú bị thương nên nhiều người lại ưu tiên cho việc sử dụng công cụ thô sơ.

Châu - một chàng trai núi rừng Tây Bắc, thường xuyên xuất hiện trong một số video hướng dẫn bẫy thú rừng trong các hội nhóm kín. Chỉ cần ít tre gai, Châu có thể tự chế ra một cái bẫy để “đưa” những con thú vào “tròng”. Mang một ít bẫy vào rừng đặt ở đó mấy ngày, có thú sập bẫy, nếu còn sống sẽ quay video giới thiệu, nếu chết sẽ mổ thịt, mang về dưới xuôi bán.

Sành sỏi và đầy kinh nghiệm nên Châu thường xuyên bẫy được thú. Ăn của rừng dễ như thế, nên suốt mấy năm nay, Châu coi công việc này là nghề kiếm sống. Và đáng tiếc, số người như Châu, Thế và các hội nhóm lại đang nhiều dần lên bởi “nhu cầu ăn uống khác lạ” của một số người…

(Còn nữa)

Kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật, nhất là động vật hoang dã thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên. Mọi công dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức và người thân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật.

(Nguồn: Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã)