Với những người trẻ tuổi mới bước vào nghề vệ sinh môi trường, tâm lý tự ti. mặc cảm là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, khi chúng tôi có dịp gặp và tiếp xúc với chị Nguyễn Bích Ngọc, Tổ trưởng Tổ Môi trường 10, Chi nhánh Ðống Ða, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường Ðô thị Hà Nội (Urenco) và những đồng nghiệp của chị, những suy nghĩ đó đã dần tan biến. Ðược biết, trước khi làm công nhân môi trường, bản thân chị đã có hơn hai năm gắn bó các loại nghề nghiệp khác nhau.
Song, hơn 20 năm qua, khi gắn bó với nghề vệ sinh môi trường, chị đã tìm thấy niềm vui trong công việc. “Thú thật, những ngày mới bước vào nghề, bản thân cũng cảm thấy e ngại khi phải đối mặt với những câu hỏi về nghề nghiệp của bản thân. Nhưng cùng với thời gian, sự chia sẻ, động viên của các đồng nghiệp, anh chị công nhân đi trước, những mặc cảm đó đã dần được thay thế.
Thêm nữa, nhận thức rõ về trách nhiệm của mình, nếu một ngày thiếu vắng những công nhân vệ sinh môi trường, rác thải sẽ dồn ứ, gây ô nhiễm môi trường... Từ đó, chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với nghề tuy cực nhọc, vất vả, nhưng lại góp phần giữ gìn Thủ đô luôn luôn sạch, đẹp-Chị Ngọc chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội Hoàng Thị Bích Hạnh, hiện nay công ty có khoảng 5.000 công nhân vệ sinh môi trường, trung bình mỗi ngày thu gom 6.000 tấn rác thải, do lượng rác thải quá lớn, dẫn đến đội ngũ công nhân vệ sinh môi trường làm việc không kể ngày đêm. Không chỉ chịu đựng khó khăn, vất vả do thời tiết, và đặc thù điều kiện lao động ngoài đường phố, chủ yếu vào ban đêm..., nhiều công nhân vệ sinh môi trường còn đối diện nguy cơ bị tai nạn giao thông và thậm chí bị cướp tài sản và bị hành hung bởi các đối tượng xấu.
Ngày 13/8/2023, anh Nguyễn Viết Hào (sinh năm 1981), Tổ Môi trường số 10, Chi nhánh Ðống Ða, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường Ðô thị Hà Nội trên đường đi làm ca đêm về tại tuyến đường An Dương Vương, quận Tây Hồ thì bất ngờ gặp tai nạn giao thông. Ngay sau đó, anh Hào được đưa vào Bệnh viện E (Hà Nội) cấp cứu. Ðược biết, anh Hào đang là lao động chính trong gia đình và đã có gần 15 năm gắn bó với nghề công nhân môi trường.
Hoàn cảnh vốn khó khăn, nay lại chồng chất thêm khi xảy ra tai nạn không mong muốn. Trước đó, trên đường Láng (Hà Nội) xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa một người điều khiển xe máy và một nam công nhân vệ sinh môi trường. Vụ tai nạn khiến nam công nhân bị đa chấn thương, phải đưa đi cấp cứu.
Những vụ việc nêu trên cho thấy công nhân vệ sinh môi trường luôn phải đối diện với nguy hiểm. Mặc dù, theo quy định về an toàn lao động, trước khi bắt đầu công việc quét đường, các công nhân được chuẩn bị đầy đủ đèn hiệu, mũ bảo hộ, áo dạ quang, găng tay, khẩu trang, nhưng nguy cơ tai nạn vẫn rình rập những người công nhân làm nhiệm vụ trong đêm tối. Công việc nặng nhọc, đối mặt với nguy hiểm là vậy, nhưng theo chia sẻ của một số công nhân làm vệ sinh, mức thu nhập của họ hiện còn quá thấp.
Bởi, theo quy định mới, công nhân vệ sinh môi trường được hưởng lương theo sản phẩm trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật theo Quyết định 6060/QÐ-UBND ngày 28/11/2023 của UBND thành phố Hà Nội, nếu tính mức thu nhập một tháng chỉ được khoảng hơn 6 triệu đồng/người. Trong khi, công nhân môi trường được xếp vào cấp độ bốn trong số sáu nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ðó là chưa kể, ở một số doanh nghiệp còn có tình trạng, giờ làm việc của công nhân kéo dài, chậm trả lương...
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, công nhân vệ sinh môi trường, nhất là những người làm nghề thu gom rác, làm việc trong môi trường vất vả, độc hại. Do vậy, không chỉ lương, thưởng, các khoản thu nhập cần được cải thiện, mà các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... phải được bảo đảm. Chỉ như vậy, đời sống của hàng nghìn công nhân mới được nâng cao, giúp họ gắn bó lâu dài với nghề, điều này đồng nghĩa với việc môi trường Thủ đô sẽ được bảo đảm sạch sẽ, văn minh, hiện đại.
Ðể làm được điều này, Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn nữa để chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho công nhân làm vệ sinh bị tai nạn lao động; đồng thời cung cấp biển báo, trang bị xe rác chuyên dụng trên những tuyến đường “nóng” hay xảy ra tai nạn... Bên cạnh đó, về phía các cơ quan chức năng, Liên đoàn lao động các cấp, đặc biệt là lãnh đạo công ty vệ sinh môi trường cần tiếp tục quan tâm quyền lợi, giải quyết các chế độ, chính sách nhiều hơn nữa cho những người lao động trực tiếp thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách thường xuyên, có trách nhiệm trên nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là tuyên truyền trong môi trường giáo dục, từ đó để xã hội quan tâm hơn nữa đến ngành nghề vệ sinh môi trường.