Tìm lời giải cho bài toán bảo vệ động vật hoang dã (Bài 2)

Cần nhiều “ngôi nhà an toàn”

Hồi chuông cảnh báo về nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) càng lớn thì yêu cầu về những ngôi nhà an toàn cho chúng càng cấp thiết. Tại Việt Nam, bên cạnh các trung tâm cứu hộ chuyên biệt, các trung tâm cứu hộ tại Vườn quốc gia (VQG), Khu bảo tồn thiên nhiên cũng là điểm tiếp nhận và cấp cứu ban đầu khá tốt.

0:00 / 0:00
0:00
Các cá thể gấu sinh sống tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam. (Ảnh MỸ HÀ)
Các cá thể gấu sinh sống tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam. (Ảnh MỸ HÀ)

Ngoài ra, chúng ta cũng có một hành lang pháp lý đủ mạnh, sự đồng thuận của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng trong vấn đề này.

Câu chuyện ở Cúc Phương, Tam Đảo

Chúng tôi có mặt ở VQG Cúc Phương khi trận mưa đầu mùa vừa gột rửa sạch sẽ những bụi bặm, lạnh lẽo của tiết trời đông-xuân ẩm ướt. Đây là VQG lâu đời, được mệnh danh là “thiên đường” của chim, thú và các loài linh trưởng, nơi có rừng nguyên sinh, hệ sinh cảnh đẹp nhất ở Việt Nam...

Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương là nơi tiếp nhận, sơ cứu và chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho các loài ĐVHD trước khi thả chúng trở lại môi trường tự nhiên. Giám đốc Lê Phương Triều “khoe” ngay việc trung tâm vừa tiếp nhận một cá thể đại bàng đầu nâu quý hiếm do người dân bắt được mang tới.

Con đại bàng này còn non, có lẽ bị thương trong quá trình bay di trú, bị rơi xuống cánh đồng. Với một người có gần 30 năm gắn bó với những công việc cứu hộ, từng tham gia cứu hộ hàng nghìn cá thể ĐVHD như anh Triều, bất cứ khi nào tiếp nhận một cá thể mới do người dân giao nộp, anh đều vui như lần đầu. Những năm gần đây, người dân mang ĐVHD tới giao nộp cho trung tâm khá thường xuyên.

Bên cạnh những sinh vật thông thường như rùa, tê tê, khỉ, vượn, chồn, hươu, nai, gà rừng... còn có cả những loài linh trưởng, chim, thú có tên trong Sách đỏ.

“Nhiều người dân khi bắt được ĐVHD đã gọi điện thông báo hoặc tự mang tới trung tâm, cho thấy ý thức bảo vệ ĐVHD của người dân ngày càng cao. Mặt khác, cũng cho thấy sự tin tưởng đối với các trung tâm cứu hộ và các VQG trong thực hiện nhiệm vụ gìn giữ cho thế hệ sau những hệ sinh thái tròn vẹn, hoàn thiện nhất của tự nhiên”, anh Triều chia sẻ.

Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo là trung tâm cứu hộ chuyên biệt cho các loài gấu tại Việt Nam từ nguồn tài chính do Tổ chức Động vật châu Á (AAF) đầu tư. Từ khi thành lập đến nay, trung tâm này đã cứu hộ và đưa về chăm sóc hàng trăm cá thể gấu; huấn luyện phục hồi chức năng và đưa trở lại các khu tự nhiên bán hoang dã. Được thành lập từ năm 2008, trung tâm có công suất nuôi đến 250 cá thể gấu này đã hoạt động hết công suất và được đánh giá rất tốt từ các tổ chức bảo vệ ĐVHD.

Công việc của những người làm cứu hộ ĐVHD không chỉ gói trọn trong khoảnh rừng của VQG. Đó chỉ là nơi ĐVHD được sơ cứu, phục hồi chức năng và tập những thao tác khó trước khi về lại tự nhiên. Nhiều lần các anh phải chạy xe hàng trăm cây số trong đêm khi có tin báo cứu hộ. Nhiều cá thể đưa về đã sinh trưởng tốt nhưng các anh cũng không ít lần ứa nước mắt vì bất lực.

Đó là những lần được báo cứu hộ cá thể hổ do đối tượng mua bán vận chuyển trái phép; hay những lần cấp cứu linh trưởng dính bẫy quá nặng... Không đủ điều kiện về nhân lực, phương tiện và kiến thức chuyên sâu đối với từng loài động vật là vấn đề mà bất cứ trung tâm cứu hộ nào cũng gặp phải khi có những thông báo cứu hộ bất ngờ.

Khác với một số trung tâm chuyên biệt có thể nuôi giữ một số loài ĐVHD, các trung tâm cứu hộ thuộc các VQG chỉ làm nhiệm vụ tiếp nhận ban đầu trước khi thả chúng về tự nhiên. Trung tâm Cúc Phương đã tiếp nhận một số cá thể không thể thả về tự nhiên do chúng không phải động vật bản địa, hoặc đã mất khả năng tự sinh tồn trong tự nhiên, hoặc quá nhỏ chưa đủ điều kiện sinh tồn... Việc nuôi nhốt, chăm sóc chúng là vấn đề nan giải.

Có những loài không phải ĐVHD bản địa, như hổ Siberi, hổ Mã Lai, hoặc như một cá thể đại bàng đầu nâu Trung tâm Cúc Phương mới tiếp nhận, về nguyên tắc là phải trả chúng về tự nhiên. Với đại bàng còn dễ, chứ với loài hổ, các trung tâm cứu hộ không biết trả về tự nhiên như thế nào. Bởi vậy mới có chuyện hàng chục cá thể hổ bị phát hiện nuôi nhốt trái phép tại các cơ sở tư nhân, sau khi xử phạt, lại phải đề xuất giao cho các cơ sở này tiếp tục nuôi.

Những năm gần đây, Trung tâm Cúc Phương thường xuyên có đội ngũ chuyên gia và tình nguyện viên từ một số tổ chức bảo vệ thiên nhiên cả trong và ngoài nước tham gia cứu hộ, chăm sóc các cá thể tại đây. Những người này có thể làm bất cứ việc gì, thậm chí họ còn huấn luyện chúng kỹ năng sinh tồn trong tự nhiên. Ở đây, câu chuyện và hình ảnh về một nữ chuyên gia dạy linh trưởng mẹ cách chăm sóc con sơ sinh còn được lưu giữ như là một biểu tượng của tình yêu thiên nhiên. Trong những đợt thả ĐVHD về lại tự nhiên, VQG Cúc Phương thường xuyên phối hợp, kết hợp cho các đoàn khách là học sinh, sinh viên cùng trải nghiệm.

Cần nhiều “ngôi nhà an toàn”

Theo Sách đỏ Việt Nam, hiện cả nước có gần 500 loài ĐVHD trong tự nhiên thuộc diện “nguy cơ” cần được bảo vệ, trong đó khoảng 120 loài thuộc diện “đặc biệt nguy cấp”. Hầu hết các loài ĐVHD có tên trong Sách đỏ đều có mặt ở 34 VQG trên cả nước. Được thành lập từ năm 1960, Cúc Phương là một trong số ít VQG được ví như một “ngôi nhà an toàn” cho các loài ĐVHD. Với diện tích khoảng 22.200 ha, nằm trên địa giới hành chính của 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Hòa Bình, Cúc Phương là nơi sinh sống của nhiều loài linh trưởng quý hiếm; các loài ĐVHD trong danh sách bảo tồn đặc biệt... Theo Giám đốc VQG Cúc Phương Nguyễn Văn Chính, nhiều năm nay đơn vị không để xảy ra bất cứ vụ việc săn bắt ĐVHD nào trong phạm vi quản lý. Hầu hết cá thể ĐVHD sau khi cứu hộ trả về tự nhiên vẫn được phát hiện sinh trưởng bình thường...

Vậy nhưng, không phải VQG nào cũng là ngôi nhà an toàn cho các loài ĐVHD. Nhiều VQG, Khu bảo tồn thiên nhiên phải gồng mình chống chọi với nạn săn bắt trái phép ĐVHD như VQG Cát Tiên, Bù Gia Mập, Chư Yang Sin, Lò Gò-Xa Mát, Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh, Tà Đùng... Đáng chú ý, tại các VQG, Khu bảo tồn thiên nhiên như Xuân Thủy, Cát Bà, Tràm Chim, U Minh Hạ, U Minh Thượng... nạn săn bắt, bẫy chim theo kiểu “tận diệt” vẫn diễn ra khá phổ biến, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng tự nhiên và môi trường sinh thái của khu vực. Đáng buồn hơn, loài tê giác một sừng duy nhất ở Việt Nam sống ở VQG Cát Tiên cũng đã tuyệt chủng vào năm 2010. Không biết trong số 120 loài thú “đặc biệt nguy cấp” ở nước ta còn có những loài nào sẽ tiếp bước con tê giác xấu số ở Cát Tiên?

Hơn bao giờ hết, tình trạng nguy cấp đáng báo động của nhiều loài ĐVHD cũng như những hạn chế trong công tác bảo vệ, bảo tồn, cứu hộ đặt ra yêu cầu cần phải có thêm nhiều những biện pháp bảo đảm an toàn cho chúng ngay tại môi trường nơi chúng sống là các VQG, Khu bảo tồn thiên nhiên đặc hữu. Đó sẽ là những “ngôi nhà an toàn” gìn giữ cân bằng sinh thái cho tự nhiên.

Trong nỗ lực bảo vệ các loài ĐVHD, ngày 27-28/6/2023, Mạng lưới Cứu hộ ĐVHD Việt Nam (Vietnam Wildlife Rescue Network) được thành lập với ý nghĩa kết nối chặt chẽ và hiệu quả hơn các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động trong lĩnh vực cứu hộ, bảo tồn ĐVHD, nhằm bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ môi trường; hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các đơn vị cứu hộ ĐVHD; phối hợp thực hiện các hoạt động chuyên môn giữa thành viên trong mạng lưới; hỗ trợ đưa ra giải pháp nhanh nhất để chăm sóc kịp thời cho các cá thể ĐVHD và tăng hiệu quả trong công tác cứu hộ ĐVHD Việt Nam; hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh phí với các đơn vị thành viên trong việc cứu hộ-vận chuyển-tái thả ĐVHD đến nơi phù hợp nhất, bảo đảm nhất cho sự an toàn và sức khỏe của ĐVHD; thúc đẩy các chương trình, dự án quốc gia và quốc tế về bảo tồn các loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam; đề xuất hoặc tham gia góp ý kiến thay đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành...

(Còn nữa)