Ô nhiễm tiếng ồn và trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Tiếng ồn trong khu dân cư là nỗi phiền toái, ám ảnh nhiều người dân thành phố Hồ Chí Minh. Lâu nay, chính quyền thành phố thể hiện quyết tâm dẹp vấn nạn này nhưng vẫn chưa chấm dứt được. Người dân mong chờ sự vào cuộc quyết liệt và mạnh tay hơn trong xử lý vi phạm, trong đó có xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 20/3/2021 đến nay, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Ðức đã tập trung triển khai đồng bộ đợt cao điểm truyền thông "Vấn nạn tiếng ồn và hành động của chúng ta" trên toàn địa bàn thành phố nhằm tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, người lao động, học sinh các cấp và cộng đồng dân cư tuân thủ các quy định về tiếng ồn, hạn chế tiếng ồn trong khu dân cư. Qua đó, một số cơ sở kinh doanh, hộ gia đình đã tuân thủ các quy định, hạn chế phát sinh tiếng ồn trong khu dân cư; thực hiện ký cam kết chấp hành các quy định về tiếng ồn.

Cùng với đó, các địa phương đã tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm theo quy định. Theo thống kê, trong tổng số 4.645 tin phản ánh, Công an thành phố và các địa phương đã kiểm tra và phát hiện 3.697 trường hợp có vi phạm; trong đó, nhắc nhở 3.537 trường hợp và xử phạt 102 trường hợp với tổng số tiền xử phạt hơn 172 triệu đồng.

Tuy vậy, nạn tiếng ồn vẫn diễn ra tràn làn, phổ biến ở nhiều nơi gây mất lòng tin trong nhân dân do đã phản ánh đến chính quyền qua đường dây nóng các địa phương, cổng thông tin 1022… nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để, nhất là tiếng ồn từ sinh hoạt của nguời dân và từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Nhiều người dân vẫn phải chịu cảnh tra tấn "đinh tai, nhức óc" từ tiếng ồn karaoke hàng xóm, hay tiếng nhạc lớn từ nhà hàng, quán cà-phê, vũ trường, tiệc cưới, liên hoan, âm thanh loa quảng cáo bán hàng… vượt tiêu chuẩn kỹ thuật.

Mối hoài nghi của người dân về hiệu quả công tác quản lý ngày một tăng thêm vì cứ sau mỗi lần chính quyền mở các đợt thanh tra, kiểm tra cao điểm về tiếng ồn trong khu dân cư thì tình hình tạm lắng xuống, nhưng sau đó không lâu lại tiếp tục tái diễn gây ảnh hưởng đến môi trường đô thị, chất lượng sống của người dân. Ðã thế, khi người dân phản ánh tiếng ồn đến cơ quan chức năng yêu cầu phải xử lý thì có khi không được phản hồi hoặc trả lời chỉ có thể xử phạt sau 22 giờ.

Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành công văn khẩn gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể, sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Ðức về việc tiếp tục tăng cường công tác xử lý vi phạm về tiếng ồn. Theo đó, thành phố yêu cầu tiếp tục xử lý nghiêm nhóm hành vi vi phạm liên quan tiếng ồn-phòng, chống dịch-an ninh trật tự. Ðịa phương để xảy ra vi phạm tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến phòng, chống dịch hoặc an ninh trật tự thì thành phố sẽ xử lý người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức…

Người dân mong muốn chỉ đạo mới của thành phố về xử lý tiếng ồn sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự đô thị. Ðể nâng cao hiệu quả công tác xử lý tiếng ồn, các cơ quan chức năng và địa phương cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm và quyết liệt các hành vi vi phạm về tiếng ồn trong điều kiện "bình thường mới". Các địa phương chỉ đạo khu phố, Cảnh sát khu vực thường xuyên tuần tra trên địa bàn để kịp thời nhắc nhở các đối tượng vi phạm, yêu cầu ngưng hoạt động, lập biên bản xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các cấp rà soát, kiện toàn các đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa-xã hội của địa phương; tiếp tục khoanh vùng và lập danh sách các khu vực thường xuyên bị phản ánh về tiếng ồn để có kế hoạch kiểm tra, xử lý theo quy định…■

Anh Tuấn