Tách trà mà chúng tôi được thưởng thức tại Trại nuôi cá hồi-cá tầm Bắc Âu (tỉnh Lai Châu) có màu đỏ, sóng sánh và ấm nồng, rất giống một ly vang nhưng khi uống lại thanh mát như nước giải khát và không có vị chát đặc trưng của chè thông thường.
Càng uống càng thấy dễ chịu, nhẹ nhõm khiến người thưởng trà lại muốn uống tiếp. Hỏi Thiếu tá Phan Mạnh Thiết và các chiến sĩ biên phòng của Trại nuôi cá hồi-cá tầm Bắc Âu, chúng tôi được biết, đây là trà cổ thụ của Hợp tác xã Biên Cương nằm ở bản Tân Séo Phìn, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ.
Rồi khi tới thăm nơi sản xuất ra những gói trà Shan tuyết đặc biệt của Lai Châu ấy, chúng tôi hiểu hơn những vất vả của đồng bào và bộ đội biên phòng để có được những tách trà mang theo những tinh khôi của đất trời Tây Bắc.
Báu vật của núi rừng
Chúng tôi ngồi uống trà ở Trại nuôi cá hồi-cá tầm Bắc Âu, xã Pa Vây Sử nằm ngay trên đường ĐT132 đi Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, xã Vàng Ma Chải.
Bên những chén hồng trà nóng hổi, Thiếu tá Tạ Khoa Bản, Thiếu tá Nghiêm Anh Tuấn và Thiếu tá Phan Mạnh Thiết kể cho đoàn công tác về cuộc sống, công việc của các anh, và cả về những gói trà Shan tuyết cổ thụ của Lai Châu mà bộ đội biên phòng đang phối hợp Hợp tác xã Biên Cương thu hái và sản xuất.
Mồ Sì San là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ. Xã có 560 hộ với hơn 2.600 nhân khẩu của bốn bản là Séo Hồ Thầu, Mồ Sì San, Tân Séo Phìn và Tô Y Phìn, trong đó dân tộc Dao chiếm hơn 97%, với số hộ nghèo vẫn còn 398 hộ, tương đương 72,36%.
Bù lại, điểm nổi bật ở Mồ Sì San là xã được thiên nhiên ban tặng giống trà Shan tuyết lâu đời mà ít nơi có được. Đây chính là một trong những cây trồng có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Nhờ địa hình cao hơn 2.000m so với mực nước biển, Mồ Sì San có đủ điều kiện về thiên nhiên và thổ nhưỡng để giống trà Shan tuyết có tuổi đời hàng trăm năm sinh trưởng, phát triển tốt.
Trò chuyện với các đồng chí bộ đội biên phòng, chúng tôi đã được biết thế nào là báu vật của núi rừng Phong Thổ. Thưởng một loại trà tinh túy như vậy dưới chân nhà sàn, giữa tiếng suối róc rách, mùa xuân vẫn còn rực rỡ khoe sắc trên những bông hoa mận, hoa đào rừng trở nên ấm áp khó diễn tả bằng câu chữ. Các anh kể về cách lấy trà, chế biến trà, cách pha trà, nhất là nước để pha trà… làm chén trà mà chúng tôi có cơ hội cảm nhận trở nên đặc biệt hơn.
Mồ Sì San là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ. Xã có 560 hộ với hơn 2.600 nhân khẩu của bốn bản là Séo Hồ Thầu, Mồ Sì San, Tân Séo Phìn và Tô Y Phìn, trong đó dân tộc Dao chiếm hơn 97%, với số hộ nghèo vẫn còn 398 hộ, tương đương 72,36%.
Mồ Sì San là xã được thiên nhiên ban tặng giống trà Shan tuyết lâu đời mà ít nơi có được. Đây chính là một trong những cây trồng có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Thiếu tá Nghiêm Anh Tuấn, sinh năm 1980, người đã có 20 năm gắn bó với mảnh đất Lai Châu dù gia đình, vợ con anh vẫn ở Nam Định, cho biết, nước các anh dùng pha trà là nước suối sạch đầu nguồn. Phía trên trại không có bất cứ ruộng nương nào của đồng bào nơi đây, vì nếu có ruộng nương đồng nghĩa sẽ có phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ được sử dụng trong quá trình canh tác.
Và nước qua ruộng ngấm các chất hóa học, khi chảy xuống phía dưới sẽ ảnh hưởng tới nguồn. Thậm chí, Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa (Lào Cai) đã khẳng định, không đâu có nguồn nước tốt như ở đây, cả về độ lạnh và độ sạch. Điều này đã giải thích tại sao chúng tôi có thể thấy rõ màu nước sánh đỏ tinh khiết, vị thanh ngọt tràn đầy khi đưa chén trà Shan tuyết lên thưởng thức.
“Sơn thủy thượng, giang thủy trung, tĩnh thủy hạ…”
Chế biến chè tại Hợp tác xã Biên Cương. |
Trong cuốn Trà Kinh của Lục Vũ, người được xem là thánh trà Trung Hoa, có nói đến “Sơn thủy thượng, giang thủy trung, tĩnh thủy hạ…”, nghĩa là nước để pha trà thì ở núi tốt nhất, nước sông thứ nhì, nước giếng thứ ba.
Nước lấy từ các khúc suối chảy chậm, ở các thạch hồ hoặc các nhũ thạch là thượng hạng trong các loại sơn thủy. Không bao giờ lấy nước ngay ở chỗ nước vừa từ thác cao đổ xuống, chỗ suối đầy ghềnh thác, chỗ nước chảy xiết… Dùng nhiều loại nước như vậy để pha trà sẽ khiến đau cổ họng khi thưởng thức. Còn nếu dùng nước sông, chỉ lấy nước ở chỗ không có người sinh sống gần đó. Nếu dùng nước giếng thì nhớ đổ thật nhiều trước khi lấy nước.
Tuy vậy, trong truyện ngắn Những chiếc ấm đất trong tập truyện ngắn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, nhân vật cụ Sáu lại nói về nước giếng chùa Đồi Mai với nhà sư già như sau: “Chùa nhà ta có cái giếng này quý lắm. Nước rất ngọt. Có lẽ tôi nghiện trà tàu vì nước giếng chùa nhà đây. Tôi sở dĩ không nghĩ đến việc đi đâu xa được, cũng là vì không đem theo được nước giếng này để đi pha trà… Chỉ có nước giếng đây là pha trà không bao giờ lạc mất hương vị”.
Hay trong truyện ngắn Chén trà trong sương sớm cũng trong tập truyện ngắn Vang bóng một thời, nhân vật cụ Ấm khi nói với con trai về một loại nước khác (sương sớm) dùng để pha trà như sau: “Cả ạ, thày cho nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thứ nước đọng trong lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ uống một ấm. Hồi thày còn ít tuổi, mỗi lúc được quan Đốc truyền cho đi thuyền thúng vớt những giọt thủy ngân ấy ở lá sen mặt đầm, thày cho là kỳ thú nhất trong đời một người học trò được thầy học yêu như con”.
Mỗi người một cảm nhận, một cách chọn nước để pha trà, vậy nên để kiểm chứng rõ hơn hương vị được cho là báu vật của người Dao Đỏ, chúng tôi đã ghé thăm Hợp tác xã Biên Cương, bản Tân Séo Phìn, xã Mồ Sì San, nơi sản xuất loại trà cổ thụ nổi tiếng của Lai Châu.
Bên ấm trà cổ thụ
Những cây trà cổ thụ của vùng đất Mồ Sì San mọc trên núi cao. |
Ngày chúng tôi tới Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, cán bộ, chiến sĩ ở đây đang chuẩn bị cho chương trình “Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản” tại bản Séo Hồ Thầu của xã Mồ Sì San. Tình cờ gặp được đồng chí Tẩn Chin Lùng, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mồ Sì San ngay tại Nhà văn hóa xã Mồ Sì San và được anh dẫn về nơi sản xuất trà cổ thụ ở ngay gần đó.
Theo chân anh qua khoảng sân bầy đầy những thùng, hộp, rồi qua xưởng chế biến trà của Hợp tác xã Biên Cương, chúng tôi leo lên một căn phòng rộng trên tầng hai. Đây có lẽ là phòng làm việc của Tẩn Chin Lùng.
Vẫn biết đây là thời đại công nghiệp 4.0 nhưng chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy bàn pha trà điện thông minh, một cảm giác rất “sống gấp”, bởi lâu nay, chẳng phải uống trà, nhất là thứ trà Shan tuyết cổ thụ, là một thú phong lưu và cần phải bỏ vào đó nhiều công sức đó sao...
Lại nói về truyện ngắn Chén trà trong sương sớm, Nguyễn Tuân có viết: “Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy nhiều công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lý”.
Khí hậu tại đây quanh năm lạnh giá, mây mù ẩm ướt, cây trà mọc tự nhiên trên rừng, phủ đầy rêu phong, địa y nhưng vẫn cho lá to, dày, búp mập. Họ sẽ phải leo lên những thân cây to bằng cả hai người ôm, cao hơn 20m, thậm chí 30m, để hái búp trà và số trà này sau đó sẽ được Hợp tác xã Biên Cương thu mua; nếu như hoàng trà chỉ cần phơi khô tự nhiên thì trà xanh và hồng trà cần chế biến, sản xuất qua rất nhiều công đoạn, được bán hàng triệu đồng một ki-lô-gram và được tỉnh Lai Châu chứng nhận sản phẩm OCOP ba sao.
Thế nhưng, thay vì thấy Tẩn Chin Lùng nâng niu lấy ra khay trà bằng gỗ có chân quỳ, ấm tử sa, chén tống chén quân, tráng rửa rồi thử nước sôi một cách cẩn thận mà cái quy trình đó được gói gọn trong câu “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh” (nước, trà, chén trà, ấm, bạn trà), lãnh đạo xã sinh năm 1983 vừa nói chuyện vừa thực hiện hàng loạt thao tác rất nhanh trên bộ bàn trà điện thông minh.
Anh cầm một cái kẹp gỗ để tráng chén, dội nước sôi từ cái bình nước to có báo nhiệt độ bằng điện tử để tráng ấm rồi lấy trong hộp nhựa một lượng trà vừa đủ cho bốn người uống, tưới nước sôi lên ấm trà, rửa trà và lại đổ nước vào ấm. Sau một đến hai phút, Tẩn Chin Lùng rót trà vào chén tống trước khi anh san ra các chén quân của chúng tôi.
“Rượu ngâm nga, trà liền tay”, Tẩn Chin Lùng vừa nói vừa mời chúng tôi cùng thưởng thức thứ nước sóng sánh rất sơn cước ấy, tay nâng chén, nhấp từng chút để cảm nhận hương vị của trà khi chạm vào đầu lưỡi trước lúc bắt đầu câu chuyện về trà cổ thụ Mồ Sì San.
Thật khó để so sánh những chén trà mà chúng tôi đã từng được uống trước đó nhưng có một điều chắc chắn, ngoài thứ màu nước sánh đỏ trong tinh khiết, vị thanh thanh, hương thơm của mật, mùi hương hoa quả thảo mộc núi rừng Phàn Liên San, chúng tôi có cảm giác như nhấp trọn được cái không khí trong lành, dễ chịu của vùng cao Tây Bắc, sự gần gũi, thân tình của Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San như bao người dân nơi đây, thật thà và tình cảm.
Để tạo ra những thức trà đó là kết quả của một quá trình lao động vất vả mà người Dao Đỏ phải trải qua, kể từ việc hái những búp chè non ở khu vực cách trung tâm xã khoảng 8km, sau quãng đường di chuyển quanh co, dốc đứng, từ sáng sớm.
Khí hậu tại đây quanh năm lạnh giá, mây mù ẩm ướt, cây trà mọc tự nhiên trên rừng, phủ đầy rêu phong, địa y nhưng vẫn cho lá to, dày, búp mập. Họ sẽ phải leo lên những thân cây to bằng cả hai người ôm, cao hơn 20m, thậm chí 30m, để hái búp trà và số trà này sau đó sẽ được Hợp tác xã Biên Cương thu mua; nếu như hoàng trà chỉ cần phơi khô tự nhiên thì trà xanh và hồng trà cần chế biến, sản xuất qua rất nhiều công đoạn, được bán hàng triệu đồng một ki-lô-gram và được tỉnh Lai Châu chứng nhận sản phẩm OCOP ba sao.
Hợp tác xã Biên Cương được thành lập từ năm 2018 từ ý tưởng của những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, trong đó Thiếu tá Phan Mạnh Thiết mà chúng tôi đề cập ở trên khi gặp anh tại Trại nuôi cá hồi-cá tầm Bắc Âu, xã Pa Vây Sử là một thành viên.
Cũng nhờ đó, ngoài nhiệm vụ tham mưu cho chính quyền xã Mồ Sì San, giúp người dân xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế nhờ cây trà cổ thụ, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải còn tuyên truyền về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, để người dân mỗi khi lên rừng trồng thảo quả, trồng sâm, hái trà đều có trách nhiệm sát cánh cùng lực lượng biên phòng trong tuần tra, bảo vệ đường biên giới, phân giới cắm mốc, phát hiện kịp thời các hoạt động vi phạm pháp luật.
Trong tùy bút Hạt bọt trà, Tràng Thiên có ví trà như là nước ngọc. Cũng đúng nếu nhìn vào màu nước sánh đỏ trong tinh khiết của trà cổ thụ Mồ Sì San nhưng điều đáng nói là không cần đến bảy chén trà như Lư Đồng trong Trà ca mới thấy hết được tinh túy của trà, chúng tôi chỉ cần nhấp một, hai chén trà ở Mồ Sì San là có thể cảm nhận ngay được mùi cỏ cây, đất trời, nắng mưa, thậm chí cả cái lạnh giá của vùng cao Phong Thổ, công sức của người dân quanh đỉnh Phàn Liên San và cột mốc biên cương 79 trong thứ nước ngọc dìu dịu này.
Ở đỉnh cao chót vót của dãy Phàn Liên San thuộc địa phận xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, hàng nghìn cây chè cổ thụ hàng trăm năm mọc trên diện tích khoảng 80ha. Từ những cây trà Shan tuyết cổ thụ mọc hoang tự nhiên, từng búp chè (một tôm hai lá) được thu hái thủ công, nhẫn nại bằng những bàn tay của đồng bào dân tộc Dao, qua các công đoạn sản xuất của Hợp tác xã Biên Cương đã tạo ra một thức uống tuyệt vời mà thiên nhiên đặc cách ban tặng cho mảnh đất nơi này.
Bạn nhất định nên thưởng một chén trà, để cảm nhận từ hương đến vị, đó là hương của hoa quả thảo mộc, vị ngọt thanh khiết của sương sớm núi rừng thấm vào từng búp trà, lá trà, nơi núi rừng Phong Thổ…
Ở đỉnh cao chót vót của dãy Phàn Liên San thuộc địa phận xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, hàng nghìn cây chè cổ thụ hàng trăm năm mọc trên diện tích khoảng 80ha. Từ những cây trà Shan tuyết cổ thụ mọc hoang tự nhiên, từng búp chè (một tôm hai lá) được thu hái thủ công, nhẫn nại bằng những bàn tay của đồng bào dân tộc Dao, qua các công đoạn sản xuất của Hợp tác xã Biên Cương đã tạo ra một thức uống tuyệt vời mà thiên nhiên đặc cách ban tặng cho mảnh đất nơi này.