Từ Hà Nội lên núi hái trà
Tân rót mời tôi chén trà, màu trà thanh, vị trà đi vào đầu lưỡi mát dịu, đắng ngọt hòa quyện cứ mãi không tan. Chưa bao giờ tôi uống chén trà nước trong veo mà để lại dư vị lạ như vậy. Trong cái dư vị còn quấn quýt ấy, tôi được nghe Tân kể về cái duyên đến với trà và hành trình đưa trà từ những đỉnh núi cao mây phủ về đây.
Mấy năm trước, Tân còn làm kinh doanh, một lần in card visit cho một quán trà, tò mò Tân rủ chồng tới đó. Quán trà bày trí đơn giản, nhưng trà ngon và có sức hút khác thường. Đến mức, khi công việc kinh doanh gặp trục trặc, Tân nghĩ ngay tới việc làm trà. Cơ duyên đã đưa Tân tìm về những cây trà shan tuyết cổ thụ tận xã Tà Xùa huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Tà Xùa được mệnh danh là “thiên đường mây” được hợp lại bởi ba đỉnh núi hùng vĩ, quanh năm mây phủ giống chốn bồng lai tiên cảnh. Giới trẻ thường đổ về Tà Xùa để “săn mây” nhưng rất ít người để ý lẫn trong mây mù, có những cay chè shan tuyết cổ phụ. Lần đó, lên Tà Xùa, Tân tìm về về địa chỉ có nhiều trà shan tuyết, nhưng người dân bản địa chỉ đường nhầm thế nào mà mãi không đến được. Đúng lúc ấy, Tân thấy một cây trà cổ thụ, dưới gốc cây có cụ già đang hái rau thơm. Cụ già cho biết cây trà này của gia đình mình có từ lâu lắm, nhưng muốn bàn chuyện làm ăn thì phải chờ con trai về. Con trai cụ - anh Mùa A Khư - một người Mông có tư duy kinh tế đã sẵn lòng hợp tác với Tân để làm trà. Vùng này có nhiều trà shan tuyết cổ thụ, nhưng người dân chưa biết khai thác đúng cách nên không làm gia tăng giá trị của sản phẩm.
Thế rồi mỗi một vụ trà, Tân lại lên vùng cao cả tháng, ở trong nhà bố con người Mông Mùa A Khư để hái trà, sao trà như một người bản địa thật sự. Với những kỹ năng, hiểu biết có được, Tân hướng dẫn cho bà con cách thu hái và bảo quản để có thể trở thành hàng hóa giá cao thay vì chỉ là một thứ cây chỉ để hái uống mang tính tự cung tự cấp.
Tôi đã từng vượt qua những con dốc gần như thẳng đứng đến Tà Xùa săn mây và nhìn thấy những cây trà shan tuyết ở đỉnh núi, khuất lấp trong cỏ dại, mù sương, thảng hoặc có những người phụ nữ dân tộc Mông bắc thang hái lá. Những cây trà shan tuyết ấy như một cô gái đẹp mà cô đơn chốn non cao không ai biết đến. Những lá trà shan tuyết chế biến thô, bán trong quán tạp hóa ở Tà Xùa chỉ vài ba trăm nghìn một cân khô. Nhưng cũng lá trà ấy, qua bàn tay của Tân, đã trở nên khác hẳn, và có giá gần gấp cả chục lần. Như vậy, bà con có thêm nguồn thu nhập lớn, Tân có sản phẩm tốt đưa về Hà Nội mà cây trà shan tuyết dường như cũng hết “tủi thân”. Nhưng để được như vậy là cả một hành trình đầy công phu, tỉ mẩn. Tân trực tiếp hái lá trà theo nguyên tắc chỉ hái một nõn trà cùng một lá non. Sau đó, sao trà bằng chảo trên bếp lửa. Tân tự sao bằng tay để cảm nhận độ nóng, độ khô của cánh trà tốt hơn. Và dường như bàn tay phụ nữ đảo trà hòa quyện vào hương trà có gì đó trữ tình vấn vít khác với thứ sao trà bằng đũa tre vô tri, vô giác. Sau khi sao trà, sẽ lựa từng cánh trà không đạt chuẩn để loại ra, việc này mất thời gian và tỉ mỉ như nhặt thóc ra khỏi gạo. Những cánh trà đạt chuẩn sẽ được ủ kín trong chum cho hương dậy, vị đằm.
Tân chia sẻ: “Vụ trà xuân Tà Xùa đã kết thúc, năm nay sớm hơn năm trước một tuần, chân đã quen dốc, tay đã quen việc, trà lửa người cứ thế cùng bắt nhịp, cùng tạo tác. Nhiều thứ muốn kể nhưng sợ dông dài, những thứ thâu được là cảm xúc, trải nghiệm đều đã qua. Đọng lại duy nhất là những búp trà đã tắm gội mây gió, ngậm nắng mưa, sương mù, chuyển mình qua ngọn lửa bàn tay. Tôi ủ trà khoảng hai tuần vì muốn để trà lắng lại sau cơn chuyển mình, hương sẽ dậy, vị sẽ đằm”.
Làm kỹ như vậy, nên mỗi vụ trà, Tân chỉ thu được khoảng bảy mươi cân khô, có vẻ quá ít so với cách thông thường người ta vẫn thu mua trà bằng xe tải, tính đơn vị bằng tạ, tấn. Tân làm trà kỹ như nâng niu từng cánh trà, cách đó làm sao mà có số lượng “tạ, tấn”, làm sao mà nhiều tiền, dù cô vẫn đang ở nhà thuê. Từng ấy trà, Tân sẽ để chia sẻ với bạn thưởng trà ở Tân House - ngôi nhà tôi đang ngồi đây. Tân House là một không gian nhỏ mà cô chủ của nó không muốn quảng cáo, giới thiệu, muốn đến uống trà phải gọi điện đặt trước giờ. Trong cái không gian trà đầy vẻ thuần khiết ấy, tôi nói với Tân về vấn đề thị trường trà nhộn nhạo hiện nay, về trà bẩn, trà nhiễm hóa chất, trà phơi lẫn trong phân gà, đóng gói bán, về trà mang danh Tân Cương nhưng bán giá có 60 - 70 nghìn một kg những loại được pha làm trà đá, chè bồm vẫn bán đầy đường Hà Nội. Trà bẩn, trà kém chất lượng đang làm ảnh hưởng nhiều tới chất lượng sống. Nhưng Tân khiến tôi bất ngờ khi cho hay thật ra dùng trà sạch lại rẻ hơn trà bẩn. Một cân trà shan tuyết ngon sạch giá 1,8 triệu đồng, nhưng mỗi lạng pha được 10 ấm, mỗi ấm thay năm tuần trà vẫn còn ngon. Tính ra mỗi ấm trà chỉ có giá vài chục nghìn đồng mà thôi. Thời gian gần đây, giới trẻ tìm đến với trà ngày một đông, không chỉ xem trà như một sản phẩm nông nghiệp mà ẩn chứa trong đó cả những chiều sâu văn hóa.
Triết lý chén trà ngon
Tôi đã thấy thế giới rộng lớn của trà khi tham khảo về khóa học dẫn trà mà Tân vẫn thường mở lớp dạy cho các bạn trẻ. Chỉ về nước pha trà nói cả ngày không hết chuyện. Riêng chương về trà khí với những dáng ngồi, nét mặt, ánh mắt, những thao tác trên bàn trà cũng đã cả chiếm thời lượng ba tiếng. Trong thế giới của những người chơi trà, có những người sở hữu cả hàng nghìn chiếc ấm mà vẫn chưa thỏa mãn. Nhưng trong thế giới của trà, tận cùng của sự công phu phức tạp ấy lại chính là sự đơn giản.
Tân rót cho tôi chén trà lạnh, tâm sự: “Tân House không có menu, vì trà ngon đưa ra phục vụ thường ít, số lượng không ổn định và theo mùa. Trước khi pha trà, chúng mình hỏi những câu liên quan đến thể trạng, sở thích thói quen uống trà của bạn rồi dựa vào thời tiết không khí của buổi trà hôm ấy, để lựa ra loại trà phù hợp đem pha. Nghe thì phức tạp nhưng thật ra đó là cuộc trò chuyện vô cùng thoải mái, tâm trí bạn vô cùng thả lỏng để tự thưởng thức chén trà trên tay. Có một nhóm bạn sau khi nhận chén trà thì hỏi: “Cách cầm chén trà sao cho đúng?”. Mình trả lời, đó là cách cầm sao cho bạn cảm thấy tự nhiên nhất, chẳng đúng chẳng sai. Tất cả ồ lên cười sảng khoái”.
Một bạn uống trà ở Tân House đã chia sẻ rất sâu sắc rằng khi biết cái ngon của trà, người ta mới biết khi xưa uống trà dở mà không hay. Nhưng có lẽ phải đến khi trải qua đủ năm tháng, uống đủ loại trà, nếm đủ mọi vị, người ta mới biết yêu cái nhạt của chén nước trắng.
Đến đây, tôi ngộ ra, để có trà ngon không chỉ đơn giản “nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm”... Chén trà ngon là chén trà mà tâm mình an trú ở đó, trong hiện tại, không nuối tiếc quá khứ, không lo lắng tương lai. Cũng như người ta chỉ có thể thưởng thức cuộc sống sâu nhất, chất lượng nhất khi biết cách sống với hiện tại mà thôi. Đó chính là yếu tố “nhất kỳ nhất hội” bên bàn trà mà Tân rất coi trọng, (ý nói trong cuộc đời của mỗi người, lần gặp gỡ nhau này có thể là duy nhất, vì thế ta cần phải hết sức trân trọng từng khoảnh khắc). Giống như câu kệ của thiền sư Thích Nhất Hạnh:
“Chén trà trong hai tay
Chánh niệm nâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ ở đây”.