Nhưng nghệ nhân Vũ Như Quỳnh lại là trường hợp cá biệt. Chị đã chinh phục những kỹ thuật làm gốm cổ, sáng tạo thêm những cách làm, những mẫu mã mới. Nổi bật trong đó là gốm đắp nổi 3D. Những kỹ thuật này làm cho đồ gốm, nhất là dòng gốm tâm linh của chị có chỗ đứng đặc biệt trên thị trường.
Như những đứa trẻ khác ở Bát Tràng, Vũ Như Quỳnh sinh ra đã “bện” mùi cao lanh, mùi của đất. Chị gắn bó với gốm như là chuyện đương nhiên. Song, câu chuyện lập nghiệp bằng nghề gốm lại khá “quanh co”. Khi trưởng thành, Quỳnh học thiết kế thời trang tại Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội) và gắn bó với thời trang mấy năm sau khi ra trường.
Dù hai mảng công việc khác nhau, nhưng điểm chung của chúng là nghệ thuật về hình khối, cách phối mầu, thiết kế sản phẩm. Quỳnh nhận ra vẻ đẹp của gốm theo một góc nhìn khác và chị quyết định trở về làm gốm cùng gia đình.
Ở Bát Tràng, để tìm được một nghệ nhân nữ không phải chuyện dễ. Do đặc thù công việc khá vất vả, việc sáng tác mẫu, tạo mầu men... đòi hỏi quá trình nghiên cứu và mất nhiều thời gian, cho nên phù hợp hơn với nam giới. Phụ nữ Bát Tràng phần lớn gắn bó với gốm thông qua công việc kinh doanh, điều hành sản xuất. Nhưng Vũ Như Quỳnh là trường hợp đặc biệt.
Trước đây, gia đình Quỳnh chủ yếu sản xuất các sản phẩm gia dụng như chén, bát, đĩa để phục vụ thị trường trong nước. Chị mong muốn những sản phẩm của gia đình phải có tính nghệ thuật cao hơn. Trong các dòng sản phẩm của Bát Tràng, chị thấy đồ gốm phục vụ cho nhu cầu tâm linh chưa được quan tâm đúng mức. Người dân vẫn thường nhập gốm sứ nước ngoài về sử dụng. Sản phẩm gốm của người Việt trong lĩnh vực này lại chưa thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa truyền thống.
Làm ra một sản phẩm gốm không phải là khó, nhưng để sản phẩm ấy vừa có hồn cốt của Bát Tràng, vừa có thể đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người dân, cạnh tranh với gốm sứ nhập khẩu là thách thức lớn. Vũ Như Quỳnh dành nhiều thời gian để nghiên cứu các mẫu bình, lọ gốm cổ, những hoa văn trong trang trí truyền thống của gốm Bát Tràng cũng như mỹ thuật Việt Nam. Chị cho biết: “Trước kia Bát Tràng cũng phổ biến kỹ thuật đắp nổi các hoa văn, nhưng hoa văn thường mỏng, bẹt. Tôi rất thích men rạn của Bát Tràng và kỹ thuật đắp nổi, nhưng tôi nghĩ phải cải tiến để sản phẩm trở nên ấn tượng hơn”.
Từ những họa tiết truyền thống, Quỳnh mong muốn tạo ra những họa tiết đắp nổi 3D trên sản phẩm. Những thử nghiệm đầu tiên của Vũ Như Quỳnh thất bại. Gốm có độ co ngót lớn khi nung, việc đắp nổi khiến các chi tiết nứt, vỡ hoặc bị bong ra, nhất là với những chi tiết đắp nổi nhỏ, mỏng như những cánh hoa. Nhiều năm âm thầm thử nghiệm những kỹ thuật mới, đắp nổi hoa văn cổ trên bình gốm cũng là từng ấy thời gian nữ nghệ nhân trẻ phải đập bỏ hàng nghìn sản phẩm.
Tuổi trẻ của Quỳnh được đong đếm bằng những ngày dài miệt m ài trong xưởng gốm, không ngừng thử nghiệm để tìm ra công thức thành công. Mỗi mẻ gốm hỏng lại cho Quỳnh thêm bài học để chị điều chỉnh công thức pha chế, điều chỉnh kỹ thuật để cho ra đời những mẻ gốm đắp nổi dạng 3D đầu tiên. Nhiều thợ giỏi ở Bát Tràng, Giang Cao cũng ngạc nhiên, không nghĩ rằng một nghệ nhân nữ lại có thể thành công với kỹ thuật này.
Sau khi thành công với dòng sản phẩm gốm hoa văn đắp nổi, Vũ Như Quỳnh tiếp tục cải tiến sản phẩm bằng cách phối hợp những kỹ thuật: sơn son thếp vàng, dát vàng, khảm ngọc... để tạo ra những sản phẩm có giá trị mỹ thuật, kinh tế cao, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Những sản phẩm nổi bật nhất của chị là dòng sản phẩm lọ lộc bình các loại, chóe và các đồ thờ cúng, tâm linh...
Từng cánh hoa, từng họa tiết lông chim công... được đắp nổi và “tỉa” tinh tế như thật. Thành công với gốm đắp nổi là cơ sở để nghệ nhân Vũ Như Quỳnh phát triển thương hiệu Gốm sứ Vạn An Lộc mà chị là giám đốc. Từ một cửa hàng nhỏ tại Bát Tràng, hiện nay, thương hiệu Vạn An Lộc đã có cơ sở sản xuất thu hút hàng trăm thợ giỏi, với hàng chục cửa hàng phân phối sản phẩm trên toàn quốc.
Vừa là nghệ nhân, vừa là doanh nhân, hiện Vũ Như Quỳnh được bầu là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ nghệ nhân, doanh nhân Bát Tràng. Câu lạc bộ hiện có 135 chị em phụ nữ tham gia. Chị cũng là người “truyền lửa” - lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ, cho những chị em phụ nữ Bát Tràng, qua đó góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của quê hương.
Hằng năm chị còn mở lớp dạy nghề miễn phí cho những người có niềm đam mê theo nghề gốm. Những người có khả năng được giữ lại làm việc trong doanh nghiệp của chị. Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2022. Mới đây, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tôn vinh là một trong 10 nữ nghệ nhân làng nghề tiêu biểu của Hà Nội.