Sáng nào cũng vậy, cứ 7giờ 30 phút chị Hương đã có mặt ở cơ quan, sẵn sàng bắt tay vào xử lý hàng loạt các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến công tác kiểm sát xét xử dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động... Do quận Long Biên mới được thành lập, tốc độ đô thị hóa nhanh, trên địa bàn thường xảy ra nhiều vụ tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, kéo dài, nhất là trong lĩnh vực dân sự, hành chính, đất đai... Chị Hương cho biết, khối lượng công việc của Viện Kiểm sát quận rất lớn. Mỗi năm, bản thân chị phải kiểm sát khoảng 500 bản án, quyết định của Tòa án và tham gia hơn 100 phiên tòa, phiên họp. Trong đó, nhiều vụ án dân sự phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, thời gian xử kéo dài vì nhiều lý do như hồ sơ chưa hoàn thiện, phát sinh tình tiết mới hoặc đương sự cố tình "chây ỳ"... Có những tập hồ sơ hơn một nghìn trang, chị phải nghiên cứu, phát hiện những chi tiết chưa hợp lý, những điểm thiếu căn cứ chỉ trong vài ngày trước khi diễn ra phiên tòa. Khối lượng công việc vừa nhiều, vừa phức tạp, lại khô khan, cứng nhắc, nhưng với lòng yêu nghề, chị luôn cố gắng hoàn thành tốt, hơn 20 năm công tác trong ngành, chị chưa để xảy ra một vụ án nào phải hủy do lỗi của kiểm sát viên. Từ năm 2010 đến 2012, chị đã đề xuất lãnh đạo ban hành năm văn bản kiến nghị vi phạm và 21 quyết định kháng nghị phúc thẩm, báo cáo cấp trên kháng nghị theo thẩm quyền. Tỷ lệ kháng nghị đạt đến 90%. Liên tục nhiều năm liền chị được khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ pháp chế, là kiểm sát viên giỏi thành phố Hà Nội, kiểm sát viên tiêu biểu của ngành kiểm sát...
Chị Hương vốn rất nhút nhát và sợ máu. Những ngày đầu vào làm, phải đi khám nghiệm hiện trường lúc đêm hôm, chị không dám đi một mình mà thường nhờ đồng nghiệp hoặc chồng đi cùng. Rồi những hôm phải khám nghiệm tai nạn, pháp y, chị rất run khi thấy máu, vết thương. Lúc đó, chị phải tự trấn áp chính mình, cẩn thận xem xét kỹ hiện trường, dấu vết để bảo đảm tính chính xác của hồ sơ. Sau một vài lần, chị vượt qua được sợ hãi, thấy tự tin hơn ở bản thân và tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt công việc. Ðể có thể kiểm sát được các vụ án, chị phải nắm vững các văn bản luật, am hiểu nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Chị luôn ý thức được tầm quan trọng trong mỗi quyết định của người kiểm sát viên. Chị chia sẻ: "Khi tiếp xúc với người dân, mình luôn giữ thái độ cảm thông với họ. Không ít trường hợp người dân bức xúc, thiếu bình tĩnh hoặc bảo thủ, một phần cũng do họ chưa nắm vững các văn bản pháp luật. Khi đó, mình phải linh hoạt ứng xử, bình tĩnh lắng nghe, giải thích và chia sẻ để người dân hiểu". Có vụ tranh chấp đất đai kéo dài hàng chục năm giữa người bác ruột và cháu trai, hai bên đều kiên quyết không nhượng bộ, nhưng khi chị tích cực vận động hòa giải, lựa lời khuyên nhủ thì sự việc được giải quyết hợp lý. Không chỉ vậy, mối quan hệ giữa hai bác cháu cũng cải thiện, thân tình hơn trước.
Bận rộn công việc, chồng thường công tác xa nhà, cho nên chị dạy hai con nhỏ phải tự giác từ bé, từ sinh hoạt cá nhân đến học tập. Có những hôm phải mang việc về nhà làm hoặc đi trực, đi khám nghiệm đêm, chị thường phân tích, giải thích cho hai con hiểu. Thương bố mẹ, hai con chị đều chăm ngoan, tự giác và cố gắng học tốt. Bộn bề với những bản án, tất bật chăm lo cho hai đứa con nhỏ và tổ ấm gia đình, lại tiếp tục học tập để trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, nhưng lúc nào chị Hương cũng nhẹ nhàng, vui tươi.