Nơi lưu giữ truyền thống hiếu học của thành phố Cảng

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng là nơi khắc họa cuộc đời, sự nghiệp của ông, người được ví như ngôi sao sáng trên bầu trời đất Việt ở thế kỷ XVI. Đây còn là nơi lưu giữ, truyền bá và tôn vinh truyền thống hiếu học của thành phố Cảng.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Khu di tích Đền thờ Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. (Ảnh ĐỨC NGHĨA)
Toàn cảnh Khu di tích Đền thờ Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. (Ảnh ĐỨC NGHĨA)

Vùng đất Vĩnh Bảo vốn nổi tiếng về truyền thống hiếu học và khoa bảng của Hải Phòng với nhiều gương danh sĩ nổi tiếng trong lịch sử, trong đó, nổi bật là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà học giả, nhà tiên tri, nhà triết học nổi tiếng. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, những câu chuyện, lời thơ, câu hát, “sấm Trạng”… đã thấm vào trong tim, hun đúc nên nhiều thế hệ người con vùng đất văn hóa, khoa bảng nổi tiếng của thành phố và đất nước này.

Theo sử sách ghi lại, Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo (thành phố Hải Phòng). Ông liên tiếp đỗ đầu 3 kỳ: thi Hương, thi Hội, thi Đình và giành học vị Trạng Nguyên. Ông được vua Mạc bổ nhiệm nhiều chức quan, cao nhất là Tả thị lang Bộ Hình rồi Tả thị lang Bộ Lại, tước Trình Quốc Công. Làm quan được tám năm, triều Mạc bất ổn, ông dâng sớ vạch tội 18 lộng thần, nhưng không được chấp thuận. Mùa thu năm Nhâm Dần (1542), ông từ quan về quê dựng Am Bạch Vân, mở trường dạy học đến cuối đời nhằm truyền lại tri thức và đào tạo con người cho thế hệ mai sau.

Sau khi ông mất, đền thờ ông được lập tại quê nhà. Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngôi đền ngày nay được lập dựng, nâng cấp, mở rộng thành Khu di tích lịch sử-văn hóa. Nhiều hạng mục có giá trị được phục dựng. Trong đó, nhà lưu niệm được bổ sung và trưng bày, giới thiệu nhiều di cảo quý giá của ông như các tác phẩm: Bạch Vân Am thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi, Sấm ký... Am Bạch Vân - nơi được coi là trường đại học tư thục lớn nhất thời đó, nơi Trạng Trình đã trực tiếp đào tạo nhiều Trạng nguyên và để lại cho đời một đội ngũ trí thức kiệt xuất như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, Đinh Thời Trung, Trương Tuân, Nguyễn Quyện...

Tại đền, nhiều di vật quý báu vẫn được lưu giữ như các bức đại tự, các đôi câu đối với nội dung ca ngợi quê hương và tài năng, đức độ của Trạng Trình. Đặc biệt, đôi câu đối nổi tiếng của ông ở gian chính giữa: “Cổ lai quốc dĩ dân vi bản/ Đắc quốc ưng tri tại đắc dân” (Từ xưa đến nay, nước lấy dân làm gốc/ Được nước là nhờ được lòng dân). Đôi câu đối đã thể hiện rõ quan điểm “lấy dân làm gốc”, nhân dân là cội nguồn sức mạnh của đất nước và thể hiện rõ tấm lòng yêu nước, thương dân của ông. Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2015 và Lễ hội Đền thờ Trạng Trình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.

Trong dịp cuối năm, tại Khu di tích, người dân lại tưng bừng mở hội nhân kỷ niệm ngày mất của ông. Lễ hội diễn ra hết sức trang trọng, phần hội có nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn với các loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền của huyện Vĩnh Bảo được trình diễn như: đánh pháo đất, thả diều, đua thuyền, đấu vật, đu sòng, kéo co, múa rối nước, múa rối cạn, hát múa chèo…

Khu di tích không chỉ đáp ứng nhu cầu du khách về dâng hương, tưởng niệm, là điểm đến của tour du lịch “Du khảo đồng quê”…, mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc, vinh danh học sinh, sinh viên xuất sắc của đất Cảng, cũng như các hoạt động nhằm khơi dậy truyền thống hiếu học trong các tầng lớp nhân dân…

Mới đây, thành phố Hải Phòng đã thành lập Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa nhân kỷ niệm 450 năm Ngày mất của ông (1585-2035). Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết, với sự tích cực, sở đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, huy động các nguồn lực, tập trung vào công tác nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc hơn về thân thế, sự nghiệp, vai trò và những đóng góp của ông…, để sớm hoàn thành hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa của thế giới.