So với những chợ phiên vùng cao khác, chợ phiên tại Bình Liêu có những đặc trưng riêng, mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc các vùng, miền như Tày, Dao, Sán Chỉ... Vì thế, những phiên chợ cuối năm tại Bình Liêu không chỉ là nơi trao đổi, mua bán của người dân bản địa và du khách gần xa mà còn mở ra không gian văn hóa đầy hấp dẫn dành cho du khách trong nước và quốc tế.
Chợ phiên xã Ðồng Văn, huyện Bình Liêu, mồng 4 tháng tư âm lịch hằng năm là phiên chợ đặc biệt với các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc, các cuộc thi thêu hoa trên tà áo người phụ nữ và thi đan quang gánh mạ của người Dao. Người Dao ở đây tin rằng ngày 4 tháng tư âm lịch là ngày đại kị của năm, dù có làm bất cứ điều gì cũng không thuận lợi, cho nên họ gác lại mọi công việc, cả bản rủ nhau đi chơi chợ. Vào ngày này, áo đỏ người Dao, áo xanh người Sán Chỉ, áo chàm người Tày dập dìu, già trẻ trai gái ríu rít trong phiên chợ tạo nên một sắc màu rực rỡ riêng có của vùng cao Quảng Ninh.
Ðến Ðồng Văn, ghé chợ phiên, du khách có cơ hội lắng nghe làn điệu hát pả dung, tấu kèn của người Dao và nhất là thưởng thức đặc sản phở xào rất ngon ở những hàng ẩm thực phía sau chợ. Hấp dẫn nhất phải kể đến dãy hàng ăn cuối chợ, nơi những quán phở xào san sát nhau, mùi thơm ngào ngạt. Ðể thưởng thức món phở xào này cũng là một trải nghiệm khó quên bởi quán chỉ bán bánh phở, thực khách phải tự đi mua nguyên liệu... Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, du khách đến từ thành phố Cẩm Phả chia sẻ: Món phở xào ở chợ Ðồng Văn, Bình Liêu thật sự rất ngon và ấn tượng. Quán thì chỉ có bánh phở tráng, còn đồ kèm để xào thì mình tự đi chợ mua mang đến. Lúc nào ăn thì mới xào, phở xào nóng hổi và có hương vị của vùng cao nơi đây thật sự khó quên.
Một điều đặc biệt ở chợ phiên Bình Liêu cũng như chợ phiên Ðồng Văn, đó là những người bán hàng không chào mời hay rao bán, giá được đưa ra luôn vừa phải, giá thật, hàng thật.
Chợ phiên vùng cao Pò Hèn, xã Hải Sơn được tổ chức hai lần/tháng vào ngày thứ 7, chủ nhật đầu tháng và giữa tháng. Chợ phiên Pò Hèn có sự tham gia của đồng bào các dân tộc xã Hải Sơn, xã Bắc Sơn (thành phố Móng Cái), xã Quảng Ðức (huyện Hải Hà), xã Húc Ðộng (huyện Bình Liêu). Du khách đến đây sẽ được thưởng thức các làn điệu hát giao duyên của dân tộc Dao, hát soóng cọ, được mua sắm và check-in cùng các trang phục dân tộc; tham gia các trò chơi dân gian. Du khách không nên bỏ qua khi đến phiên chợ là phải thưởng thức những món ăn truyền thống độc đáo ở nơi đây như thắng cố, thịt trâu, bò, ngan đen, phở xào, các loại bánh, mật ong rừng, các mặt hàng về nông sản, lâm sản.
Chợ phiên vùng cao từ lâu được biết đến không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Quảng Ninh. Ðể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của chợ phiên, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa và không gian truyền thống, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm cho du khách; duy trì tổ chức các hoạt động múa hát, giao lưu văn nghệ tại các phiên chợ để tăng cường tinh thần đoàn kết gắn bó của các dân tộc, gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đến với du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế.