Giữ mãi danh tiếng nghề đúc đồng Ngũ Xã

Làng nghề đúc đồng truyền thống Ngũ Xã từng là một trong bốn làng nghề tinh hoa bậc nhất của Kinh thành Thăng Long-Hà Nội, nhưng giờ đây, người dân làng Ngũ Xã không còn mấy người theo nghề. Sinh ra và lớn lên tại làng nghề đúc đồng truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng (sinh năm 1949) luôn canh cánh trong lòng nỗi lo một ngày nghề đúc đồng sẽ bị mai một.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng bên những tác phẩm tinh xảo của mình.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng bên những tác phẩm tinh xảo của mình.

Tương truyền, làng đúc đồng Ngũ Xã được hình thành từ thế kỷ 17. Ở thời kỳ đỉnh cao, nơi đây là trường đúc lớn nhất kinh thành và là nơi lưu giữ tinh hoa của một trong bốn làng nghề truyền thống gồm: "Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã".

Làng Ngũ Xã nổi tiếng nhờ kỹ thuật đúc tượng đồng, trống đồng, đồ thờ bằng đồng, chuông đồng, tranh đồng vô cùng tinh xảo. Nhiều tác phẩm đã được coi là kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam, tiêu biểu như tượng đồng đen Trấn Vũ, còn gọi là tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đặt tại đền Quán Thánh và pho tượng Phật Di Đà được đặt tại chùa Thần Quang ngay trên đất làng.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cái tên Ngũ Xã vẫn còn đó, các tác phẩm nghệ thuật của những người thợ đúc đồng vẫn đang được lưu giữ tại các đền, chùa nhưng sự phồn vinh của một làng nghề ngày nào chỉ còn vang vọng trong quá khứ và ký ức của lớp người ở tuổi xưa nay hiếm của làng.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng bồi hồi nhớ lại: Ngày xưa, gia đình nào cũng lấy nghề đúc đồng là nghề chính, có gia đình sống hoàn toàn nhờ vào đúc đồng. Tuy nhiên, khi đất nước có chiến tranh, theo chỉ thị của Nhà nước, cả làng phải chuyển qua đúc nhôm phục vụ cho quốc phòng và dân sinh. Từ đó, người dân chuyển sang nghề đúc nhôm để sinh sống, nghề đúc đồng dần rơi vào quên lãng.

Chiến tranh nổ ra, nhiều thanh niên trai tráng trong làng xung phong ra chiến trường và trong đó có chàng thanh niên Nguyễn Văn Ứng. Hòa bình lập lại, chàng thanh niên ấy trở về quê và tiếp tục theo nghề đúc đồng: "Cha tôi luôn sợ mất nghề cho nên căn dặn tôi phải giữ lấy nghề và phát triển nghề đúc đồng để thế hệ sau biết được bề dày lịch sử hơn 400 năm đầy tự hào của Ngũ Xã" - nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng cho biết.

Hiện nay, gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng là một trong hai hộ gia đình còn lại của làng vẫn duy trì nghề đúc đồng.

Ở cái tuổi thất tuần nhưng ông vẫn luôn có niềm tin mãnh liệt vào sự trường tồn của nghề đúc đồng. Đáng quý hơn khi cả hai người con trai của ông tiếp tục giữ nghề. "Làng Ngũ Xã đã làm nghề đúc đồng được mấy trăm năm rồi, đến đời tôi là đời thứ 16, tôi rất tự hào và vui mừng khi cả hai người con trai của tôi đều nối nghiệp mà cha ông để lại"- ông Ứng tự hào cho biết thêm.

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Tuấn (con trai ông Ứng) chia sẻ: "Từ khi còn bé, tôi đã được nghe tiếng gõ của nghề và đến một ngày nếu không còn được nghe tiếng đó nữa thì rất đáng buồn. Nghề đúc đồng mang lại rất nhiều giá trị về nghệ thuật, văn hóa, tâm linh hướng mọi người tới những giá trị tốt đẹp hơn. Chính vì vậy tôi quyết định cố gắng giữ gìn nghề truyền thống do tổ tiên truyền lại".

Luật xưa quy định chỉ truyền lại những bí kíp về nghề đúc đồng cho con cháu trong làng. Nhưng ngày nay với xã hội phát triển đã không còn mấy người muốn gắn bó với nghề, để có thể tiếp thêm sức sống cũng như duy trì và phát triển làng nghề truyền thống của cha ông, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng sẵn sàng truyền dạy cho những người có nhu cầu theo học. Tuy nhiên, không phải ai ông cũng nhận làm học trò. Chỉ có những người thật sự yêu nghề, say mê với nghề thì ông mới đồng ý truyền nghề. Không chỉ vậy, khi những sinh viên nước ngoài tìm đến ông bái thầy, ông đã thẳng thắn từ chối vì chỉ muốn truyền nghề đúc đồng truyền thống cho người Việt vì đó là tài sản quý giá, là tinh hoa nghệ thuật mà ông cha đã để lại.

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, giới trẻ đã không còn hứng thú, đam mê nhiều với các nghề truyền thống nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng vẫn mong muốn, ấp ủ mở một trường đào tạo chuyên về đúc đồng. Với tình yêu, niềm đam mê, ông Ứng vẫn sẽ không ngừng miệt mài với hành trình lưu giữ tinh hoa làng nghề để từ đó tiếng đúc đồng Ngũ Xã sẽ vang vọng mãi đến mai sau.