Bến K15 - nơi khởi đầu bản hùng ca trên biển

Bán đảo Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng) không chỉ được thiên nhiên ban tặng phong cảnh hùng vĩ với núi đồi xanh mát tỏa bóng xuống bãi biển thơ mộng, những bờ cát trải dài quanh năm rì rào sóng vỗ, mà nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của “Đoàn tàu không số” tại Bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng).
Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của “Đoàn tàu không số” tại Bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng).

Di tích lịch sử cấp quốc gia Bến K15 - nơi khởi đầu bản hùng ca trên biển của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước - là một địa điểm luôn hấp dẫn du khách.

Trong cuộc kháng chiến hào hùng ấy, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã có hơn 14 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược trên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Và Bến K15 chính là km số 0 - điểm khởi đầu của tuyến đường trên biển đã trở thành huyền thoại trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Bến K15 nằm ở vụng Sét, nép mình dưới chân đồi Vạn Hoa của bán đảo du lịch Đồ Sơn thơ mộng. Tên gọi Bến K15 là ký hiệu quân sự chỉ cảng và số hiệu lấy từ số của Nghị quyết của Trung ương Đảng lần thứ 15 về đường lối và phương pháp cách mạng miền nam. Theo đó, nơi đây được chọn là bến cảng xuất phát của những “con tàu không số” (các tàu không mang số hiệu) làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí trang bị chi viện cho chiến trường miền nam.

Đêm 11/10/1962, con tàu gỗ chở 30 tấn vũ khí lần đầu tiên xuất phát tại Bến K15 bí mật lên đường. Sau 6 ngày đêm vượt gian khó hiểm nguy, tàu đã cập vào cửa Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, mở đầu một phương thức vận chuyển hàng chi viện mới cho chiến trường miền nam.

Từ đó, tại Bến K15, những “con tàu không số” liên tục lặng lẽ rời bến mang theo lượng lớn vũ khí trang bị chi viện cho chiến trường, cả những nơi mà đường bộ chưa vươn tới được.

Mỗi chuyến tàu xuất phát từ Bến K15, cán bộ, chiến sĩ trên các tàu đều không hề nao núng trước gian khó và mối hiểm nguy cận kề. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho miền nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, các chuyến tàu vẫn lặng lẽ ra khơi.

Để ghi dấu địa điểm lịch sử này, một Đài tưởng niệm những chiến công vang dội và công lao các anh hùng liệt sĩ dâng hiến thân mình cho Tổ quốc đã được xây dựng. Những chiếc cột móng của chiếc cầu tàu năm xưa vẫn còn đó, vững chãi trên biển quanh năm rì rào sóng vỗ như hát mãi khúc tráng ca về những chiến công của người lính biển.

Năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Di tích Bến K15 là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây trở thành điểm đến thường xuyên của du khách xa gần, cũng như những người muốn tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử oai hùng của dân tộc.

Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam Đào Hồng Tuyển chia sẻ, trong cuộc chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, nhiều anh hùng, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cùng con tàu để giữ bí mật tuyến đường vận chuyển quan trọng này.

Nhiều chuyến tàu mãi mãi nằm lại trong lòng biển khơi và nơi yên nghỉ của các anh chỉ là những ngôi “mộ gió”. Nhưng tấm gương anh dũng của các anh vẫn ghi đậm trong lịch sử oai hùng của cách mạng Việt Nam, trong lòng các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trong suốt những tháng năm lịch sử, từ Bến K15 đã có 88 chuyến vận tải quân sự trên biển chuyên chở gần 5.000 tấn vũ khí đạn dược và hàng nghìn tấn hàng hóa khác chi viện cho chiến trường miền nam.

Trong số đó, có những con tàu bị địch phát hiện, cán bộ, chiến sĩ đã buộc phải phá hủy để xóa dấu vết, bảo đảm bí mật tuyệt đối cho tuyến đường và nhiệm vụ quan trọng này.

Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, bốn tàu C165, C235, C43 và C56 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Các tàu đó đều gắn với những tấm gương dũng cảm của các Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng, Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Phan Vinh… - những người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đồng chí Đào Hồng Tuyển khẳng định, các cựu chiến binh và các thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam, của Quân chủng Hải quân anh hùng và truyền thống của “Đoàn tàu không số” năm xưa, nguyện nỗ lực đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, sống vui, sống khỏe và luôn làm gương cho con cháu noi theo.