Bản hòa âm đất nước-Sắc xuân vườn Bùi"

Nhà thơ Nguyễn Khuyến sinh ngày 15/2/1835, mất ngày 5/2/1909 (tức ngày rằm tháng Giêng năm Kỷ Dậu) thọ 75 tuổi, tại làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Đường vào Từ đường Nguyễn Khuyến, nơi thờ tự và lưu giữ nhiều kỷ vật gắn bó mật thiết với cuộc đời nhà thơ tại làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục.
Đường vào Từ đường Nguyễn Khuyến, nơi thờ tự và lưu giữ nhiều kỷ vật gắn bó mật thiết với cuộc đời nhà thơ tại làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục.

Ông xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo, 17 tuổi đã cùng cha lều chõng đi thi. Tuy hay chữ nhưng đường khoa danh lại có phần lận đận. Không nản chí, ông vẫn kiên trì bền bỉ tiếp tục con đường học hành, đến năm 37 tuổi ông đỗ đạt và được bổ nhiệm làm quan dưới triều Nhà Nguyễn với các chức vụ quan trọng. Ông làm quan lúc triều đình Nhà Nguyễn đang suy tàn, chấp nhận sự thống trị của thực dân Pháp. Trăn trở, day dứt trước cảnh nước mất nhà tan, bất hợp tác với triều đình, mùa thu năm 1884, ông quyết định từ quan trở về với quê cũ vườn Bùi (làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) dành thời gian cho điền viên và sáng tác thơ ca.

Quê hương Hà Nam luôn tự hào đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều thế hệ văn nghệ sĩ danh tiếng, trong đó tiêu biểu là nhà thơ Nguyễn Khuyến với chùm thơ thu bất hủ: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh. Sinh thời, ông luôn đau đáu nỗi lòng về vận nước, về những lầm than, vất vả của nhân dân. Ông để lại một kho tàng đồ sộ với hơn 800 tác phẩm thơ và câu đối góp vào làng thơ văn yêu nước của dân tộc. Những tác phẩm kiệt xuất, để đời của Nguyễn Khuyến đã góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn, giá trị nhân văn, hun đúc ý chí của dân tộc Việt Nam qua biết bao khó khăn và thử thách, làm nên những chiến công hiển hách, để lại di sản quý báu cho đời sau.

Phát biểu tại lễ tưởng niệm 115 năm ngày mất nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng khẳng định: 115 năm đã trôi qua, nhưng những áng thơ văn và tư tưởng yêu nước thương dân của ông vẫn được lưu truyền ngày càng rộng rãi, làm rung động mọi tâm hồn Việt Nam. Những di sản văn hóa ông để lại đang được các cấp, các ngành, cùng các thế hệ người dân địa phương quan tâm, bảo vệ, giữ gìn, phát huy, tôn tạo. Ngay tại chốn cũ vườn Bùi, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức với chủ đề "Bản hòa âm đất nước-Sắc xuân vườn Bùi" như một lời tri ân và tiếp nối các bậc thi nhân, để các áng thơ văn bất hủ được lan tỏa mãi, tạo động lực và khí thế, khởi đầu một năm mới tràn ngập yêu thương ấm áp, hạnh phúc đủ đầy. Đây cũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ cốt cách tiêu biểu của một nhà nho yêu nước, một nhà thơ lớn của dân tộc với những tác phẩm mà mỗi lần đọc lại, chúng ta càng thêm yêu quý, tự hào và ngưỡng mộ sự gần gũi của ông với làng quê, với nhân dân lao động.

Đồng chí Trần Xuân Dưỡng đề nghị, thời gian tới, huyện Bình Lục tiếp tục phối hợp cùng với các ngành liên quan làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa từ đường Nguyễn Khuyến - nơi thờ tự và lưu giữ nhiều kỷ vật gắn bó mật thiết với cuộc đời nhà thơ; phát huy truyền thống hiếu học của các bậc tiền bối, đồng thời khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch của địa phương.