Độc đáo làng ươm tơ Cổ Chất

“Nam Định có bến đò Chè/Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”, theo các bậc cao niên, nghề ươm tơ trong câu thơ trên nói về làng nghề ươm tơ Cổ Chất, xã Phương Định (huyện Trực Ninh). Làng nghề có từ lâu đời, đến nay vẫn giữ được danh tiếng nhờ những kỹ thuật độc đáo riêng có của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Xưởng xe tơ của gia đình bà Đoàn Thị Huê, thôn Cổ Chất 1, xã Phương Định, huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định).
Xưởng xe tơ của gia đình bà Đoàn Thị Huê, thôn Cổ Chất 1, xã Phương Định, huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định).

Trò chuyện với tôi, ông Dương Duy Lâm, Trưởng thôn Cổ Chất 1 tự hào: Quê tôi đã đi vào câu ca, bởi người nông dân Cổ Chất đã nhiều đời dành tâm huyết, sức lực, sáng tạo, cần mẫn bên nương dâu, nong tằm, ươm tơ, guồng sợi, cho ra đời những cuộn tơ tằm óng ả, loại tơ tằm đẹp nổi tiếng đất thành Nam.

Theo ông Dương Duy Lâm, nghề ươm, xe tơ của Cổ Chất phát triển mạnh nhất vào đầu thế kỷ 20. Tơ tằm Cổ Chất khi đó nổi tiếng đến mức Pháp đã cho xây dựng một nhà máy ươm tơ ngay ở làng Cổ Chất để khai thác kỹ năng lao động của những người dân bản địa cũng như tiềm năng của vùng dâu tằm này. Tơ tằm Cổ Chất còn được Phủ thủ hiến Bắc Kỳ trao giải thưởng “Cửu phẩm công nghệ” năm 1942 tại một phiên đấu xảo (hội chợ) ở Kinh thành Thăng Long, nơi hội tụ các tinh hoa các làng nghề. Hiện nay, sản phẩm tơ tằm Cổ Chất đã vươn xa, đến thị trường Đông Nam Á và châu Âu, châu Phi.

“Nghề ươm tơ dệt lụa được duy trì, phát triển không chỉ góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho người dân làng Cổ Chất (như thôn Cổ Chất 1 hiện nay, chỉ còn 2 hộ già cả, neo đơn, bệnh trọng thuộc diện hộ nghèo); đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ một nghề truyền thống quý báu của địa phương”, ông Dương Duy Lâm cho biết.

Bà Đoàn Thị Huê, chủ một cơ sở xe tơ hiện có hơn 10 lao động thường xuyên chia sẻ: Dù nghề “tằm tang” vất vả, đúng như người xưa từng so sánh “Làm ruộng ăn cơm nằm/Nuôi tằm ăn cơm đứng”, từ đời ông cha chúng tôi vẫn thủy chung, gắn bó với nghề. Trước đây, trẻ em 6 đến 7 tuổi đã biết việc hái dâu, chọn kén; khi trưởng thành được dạy nghề ươm tơ. Cứ thế, nhà nhà, người người qua bao đời vẫn bền bỉ trồng dâu nuôi tằm, lưu truyền nghề ươm tơ kéo kén. Tơ Cổ Chất nổi tiếng do người làng Cổ Chất có những kỹ thuật riêng, độc đáo. Đơn cử, trong quy trình ươm tơ thủ công, người thợ Cổ Chất phải cực kỳ khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn; phân loại kén tằm theo chất lượng, sau đó cho kén vào nồi nước sôi và luôn tay đảo đều cho đến khi lớp áo kén bong ra bên ngoài. Người thợ sẽ lần tìm những mối gốc của kén tơ, rút sợi kén ra, kéo lên quấn vào bát tơ cho đến khi đủ dày thì được chuyển sang guồng tơ, ghim mặt và tháo tơ ra. Tơ này gọi là tơ sống, mang phơi nắng trước khi được xe thành tơ thành phẩm để dệt lụa; trời càng nắng tơ sẽ càng óng đẹp. Chính vì vậy mà hằng năm, người Cổ Chất sẽ bắt đầu vụ ươm tơ từ tháng Hai, tháng Ba và kéo dài đến hết tháng Chín âm lịch.

Có một thực tế là, dù nổi tiếng, nhưng nghề ươm, xe tơ ở làng Cổ Chất hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn. Vào thời điểm đỉnh cao, làng có tới 95% hộ dân làm nghề ươm tơ, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 30 hộ giữ được nghề của cha ông. Nguyên nhân do nguồn nguyên liệu, đất trồng dâu nuôi tằm bị thu hẹp đáng kể; người thợ Cổ Chất phải thu mua kén tằm ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước về ươm tơ, kéo sợi; trong khi giá nguyên liệu không ổn định. Cái khó lớn nhất là nguồn nhân lực; hầu hết giới trẻ trong làng không muốn theo nghề của cha ông bởi công việc sản xuất thủ công vất vả mà thu nhập không cao.

Với mong muốn khôi phục lại thời hưng thịnh của làng nghề, một số nghệ nhân lành nghề từ những gia đình còn gìn giữ được kỹ thuật ươm tơ cổ truyền đã quy tụ, thành lập nên Hợp tác xã Lụa Cổ Chất (năm 2021); nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại kết hợp với kỹ thuật truyền thống, tạo ra sản phẩm vải tơ tằm thủ công truyền thống chất Silk, được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 4 sao, góp phần chắp cánh cho thương hiệu tơ lụa Cổ Chất.

Nghề ươm tơ Cổ Chất hiện vẫn được gìn giữ, nhưng nếu muốn bảo tồn, phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh của làng nghề ươm tơ truyền thống (như hình thành điểm tham quan phát triển du lịch, quảng bá thương hiệu...), cần có sự vào cuộc của chính quyền, từ xây dựng chiến lược lâu dài, đến các giải pháp hỗ trợ thiết thực, cụ thể như tạo điều kiện cho người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh, đầu tư cải tiến công nghệ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm làng nghề; qua đó giúp người dân Cổ Chất có thêm động lực để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề truyền thống đáng tự hào này ■