Vĩnh Tường trước thời cơ phát triển mới

Huyện Vĩnh Tường đang đứng trước cơ hội phát triển mới trong bối cảnh tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh đô thị hóa, hình thành cực tăng trưởng phía nam của tỉnh, liên kết với khu vực phía tây Thành phố Hà Nội và phía đông tỉnh Phú Thọ.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực trung tâm huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc).
Khu vực trung tâm huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc).

Hướng tới mục tiêu trở thành đô thị loại IV

Theo Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Tường đến năm 2040, huyện Vĩnh Tường có diện tích 144 km2, gồm 28 đơn vị hành chính cấp xã, được quy hoạch thành đô thị loại IV, là trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng phía nam tỉnh Vĩnh Phúc. Dân số hiện nay của Vĩnh Tường vào khoảng 208.000 người, đến năm 2030 là 262.000 người và năm 2040 là 295.000 người.

Vĩnh Tường định hướng phát triển đô thị về phía đông bắc (trung tâm của tỉnh) theo cấu trúc tích hợp và đa cực, phát triển đô thị trên cơ sở mạng lưới các đường chính, kết hợp các trục liên kết các khu chức năng đô thị. Địa phương này sẽ có 3 hành lang phát triển: Hành lang đô thị dịch vụ, phát triển theo mô hình dạng chuỗi các đô thị dọc theo đường tỉnh 304; hành lang phát triển du lịch, công nghiệp phía đông, phía nam đô thị; hành lang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái trải nghiệm phía tây nam đô thị.

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Viện Trưởng phụ trách Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Theo phân vùng chức năng đô thị, khu vực phía tây bắc gồm thị trấn Thổ Tang, các xã Tân Tiến, Yên Lập, Lũng Hòa sẽ tập trung phát triển nhà ở, dịch vụ thương mại cấp vùng. Khu vực phía đông bắc gồm các xã Đại Đồng, Yên Bình, Chấn Hưng, Nghĩa Hưng tập trung phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.

Khu vực trung tâm gồm thị trấn Vĩnh Tường, các xã Thượng Trưng, Vũ Di, Vĩnh Sơn, Bình Dương là khu trung tâm hành chính, sẽ phát triển nhà ở, các khu công viên, cây xanh, thể dục thể thao. Khu vực phía đông nam gồm các xã Tứ Trưng, Ngũ Kiên, Tam Phúc, Vân Xuân định hướng phát triển công nghiệp, du lịch sinh thái và nhà ở.

Khu vực còn lại là các điểm dân cư nông thôn, bố trí đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giữ vai trò bảo đảm an ninh lương thực. Các khu chức năng khác của đô thị Vĩnh Tường phát triển dọc theo các trục đường giao thông chính gồm Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, các đường tỉnh 304, 305C, 309, đường vành đai 4 đô thị Vĩnh Phúc.

Để phát triển đô thị, nhiều tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh sẽ được đầu tư nâng cấp. Quốc lộ 2 được nâng cấp, quy hoạch có mặt cắt ngang 57m. Quốc lộ 2C (đường vành đai 5 vùng Thủ đô) được nâng cấp quy hoạch toàn tuyến có mặt cắt ngang từ 16,5m đến 68m. Các đường trục chính đô thị, liên khu vực và giao thông đô thị sẽ có mặt cắt ngang từ 13,5m đến 50m.

Huyện Vĩnh Tường có 8 xã phải sáp nhập trong thời gian tới. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không ảnh hưởng tới định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch, giữ nguyên quy mô diện tích và dân số.

Phát triển kinh tế ven sông

Khu vực ven sông Hồng là dư địa phát triển của huyện Vĩnh Tường với 1.762 ha. Để phát triển kinh tế ven sông, ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng nêu định hướng: Theo quy hoạch đô thị Vĩnh Tường, phân khu chức năng dọc theo đê sông Hồng gồm một phần các xã An Tường, Vĩnh Thịnh, Phú Đa và Vĩnh Ninh, có tổng diện tích khoảng 1.059 ha, dân số hơn 8.000 người. Mật độ xây dựng đối với khu vực bãi sông Hồng tối đa là 5%, tầng cao xây dựng tối đa là 7 tầng.

Khu vực này gồm các khu dân cư hiện hữu, có chức năng chính là phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và trải nghiệm. Các khu vực bãi sông được đề xuất nghiên cứu xây dựng công trình, nhà ở và các hoạt động tôn cao bãi sông với diện tích 88,1 ha. Khu vực này sẽ phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ, đô thị, nghỉ dưỡng sinh thái, cảng cạn. Đối với khu vực này, tỉnh Vĩnh Phúc định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, duy trì khai thác luồng tuyến đường thủy Hà Nội-Việt Trì trên sông Hồng, quy mô cấp II; quy hoạch cảng cạn Cam Giá, bổ sung thêm 2 cảng Vĩnh Ninh, Vĩnh Thịnh, giữ nguyên cảng Cao Đại.

Các xã thuần nông ven sông không muốn đứng ngoài cuộc đua phát triển đô thị Vĩnh Tường. Ông Trần Xuân Khiêm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Phú mong muốn: Xã có làng nghề, các di tích lịch sử văn hóa, đã đạt nông thôn mới nâng cao. Nếu kết hợp được với các xã thuộc địa bàn Hà Nội thì có thể phát triển du lịch sinh thái. Liền đó là xã Cao Đại với nhiều bến bãi tập kết vật liệu xây dựng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn chuyển đổi 60 ha đất nông nghiệp ngoài đê bối sang đất thương mại dịch vụ để phát triển kinh tế.

Toàn bộ xã Vĩnh Thịnh nằm ngoài đê. Năm 2023, tổng giá trị ngành dịch vụ đạt 930,8 tỷ đồng. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đỗ Gia Chính thông tin: Sau khi quy hoạch chung của xã được phê duyệt, xã đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung và đang vận động nhân dân chuyển hoạt động chăn nuôi vào đó. Đối với khu vực ven sông Hồng, xã được quy hoạch phát triển nghề khai thác, dịch vụ vật liệu cát, sỏi, khai thác bến bãi vận tải đường thủy.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Tường Lê Nguyễn Thành Trung cho rằng: Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Tường đang mở ra nhiều cơ hội cho huyện tăng tốc phát triển mạnh đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Song, khu vực ngoài đê tả sông Hồng bị hạn chế xây dựng do chịu tác động bởi quy hoạch phòng chống lũ và đê điều của hệ thống sông Hồng (theo Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Bên cạnh đó, huyện được giao bảo đảm diện tích đất nông nghiệp 5.000 ha trong khi

nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp rất lớn. Chúng tôi mong được chuyển đổi thêm khoảng 2.500 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị.

Rõ ràng là tiềm năng phát triển kinh tế, đô thị của huyện Vĩnh Tường rất lớn. Quy hoạch tầm nhìn dài hạn cần phù hợp để địa phương này phát huy được thế mạnh, biến nguồn lực đất đai thành hiệu quả kinh tế.