Độc đáo làng nghề vàng, bạc Châu Khê

Hằng năm, vào hai ngày 18 và 19 tháng Giêng, tại xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương lại diễn ra Lễ hội Xuân độc đáo gắn liền với giỗ tổ nghề vàng, bạc Châu Khê.
Thợ chế tác vàng, bạc mỹ nghệ ở cơ sở Phước Ngoãn có thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.
Thợ chế tác vàng, bạc mỹ nghệ ở cơ sở Phước Ngoãn có thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.

Ðây là dịp để mỗi người con làng Châu Khê ở mọi miền đất nước hướng về cội nguồn và cũng là dịp để quảng bá chất lượng, hình ảnh sản phẩm của làng nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng đã được lưu truyền qua rất nhiều thế hệ.

Ngày chính hội (19 tháng Giêng), người Châu Khê xa quê nô nức trở về dự lễ dâng hương, dâng hoa cùng lễ vật, kính cáo đức Thành hoàng, bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên và các bậc hiền tài có công với quê hương, đất nước. Phần hội được thể hiện bằng những màn múa lân, múa rồng, rước kiệu, bơi thuyền hát quan họ cùng các trò chơi dân gian và biểu diễn nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Về với hội xuân truyền thống Châu Khê, du khách sẽ được tham quan các công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử đậm chất nghệ thuật vẫn được bảo tồn nguyên trạng; chiêm ngưỡng và nghe âm hưởng tiếng chuông chùa bằng đồng nặng 800 kg nổi danh với câu "chuông Châu, trống Ủng, mõ Ðầu". Du khách được tới tham quan những cơ sở chế tác, chứng kiến tận mắt những bàn tay tài hoa của đội ngũ thợ lành nghề thuộc nhiều lứa tuổi trực tiếp chế tác những sản phẩm mỹ nghệ vàng, bạc tinh xảo, trong đó có nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Về với hội làng, các chủ xưởng, cơ sở kinh doanh, chế tác còn hội tụ cùng nhau, tự nguyện đóng góp tiền bạc ủng hộ địa phương để tôn tạo đình, chùa, lớp học; mua sắm đồ tế tự; xây dựng và nâng cấp đường làng, ngõ xóm; giữ gìn những di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng quốc gia. Ðây cũng là dịp để người Châu Khê trao đổi kinh nghiệm làm nghề, gặp gỡ bạn hàng gần-xa, tính chuyện làm ăn, cùng nhau đưa nghề truyền thống của làng tiến kịp với bước phát triển, hội nhập của đất nước.

Nhiều đoàn du khách nước ngoài đã tìm đến làng nghề Châu Khê, họ đến không chỉ để mua vàng, bạc mỹ nghệ, mà còn muốn tận hưởng không khí, cảnh quan thanh bình của làng quê, đắm mình vào không gian giàu chất văn hóa truyền thống Bắc Bộ.

Theo ông Phạm Ðình Binh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý tỉnh Hải Dương, chủ một cơ sở chế tác vàng, bạc: Nghề thủ công vàng bạc Châu Khê hình thành khoảng 550 năm trước, xuất phát từ nghề đúc bạc nén dưới triều Lê sơ. Thời đó, Thượng thư bộ lại Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê được Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) giao trọng trách đúc bạc nén làm tiền tệ tại Kinh thành Thăng Long. Ông đã tập hợp những người thợ tài hoa của làng lên kinh đô lập xưởng đúc vàng, bạc nén ở phường Ðông Các, Ðông Thọ, tổng Hữu Trác, huyện Thọ Xương (nay là phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Từ thế kỷ 15, nhiều sản phẩm của nghệ nhân làng Châu Khê đã nổi tiếng như cành vàng, trâm ngọc, đá ngọc, chén ngọc - biểu tượng của cung đình. Ðồ trang sức bằng vàng, bạc cho vua chúa và các tiểu thương ở Kinh thành Thăng Long cũng đòi hỏi kiểu dáng và vẻ đẹp ngày càng khắt khe hơn. Từ đó, nghề vàng, bạc thủ công Châu Khê ở xã Thúc Kháng và phố Hàng Bạc ở Hà Nội đã song hành phát triển.

Trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, có giai đoạn nghề chế tác vàng bạc ở Châu Khê trầm lắng và tưởng chừng mai một. Nhưng khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, lòng đam mê và sự quyết tâm giữ nghề của người dân Châu Khê và các nghệ nhân đã giúp làng nghề nhanh chóng hồi phục, khẳng định thương hiệu và ngày càng phát triển.

Chị Phạm Thị Ngoãn, chủ cơ sở chế tác Phước Ngoãn cho biết: Ngày nay, trong số hơn 200 hộ dân làng Châu Khê thì có tới hơn 95% số hộ (khoảng 700 lao động) làm nghề chế tác vàng, bạc. Người Châu Khê cũng không ngừng học hỏi, đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm máy móc, thiết bị để chế tác đồ trang sức vàng, bạc, mỹ nghệ theo công nghệ hiện đại. Sản phẩm vàng, bạc của Châu Khê đã khẳng định giá trị thương hiệu được bán cả ở trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới.