Nghề dệt đũi ở Nam Cao

Hiếm có vùng đất nào trên đất nước ta có nghề dệt đũi được bảo tồn, phát triển đến ngày nay như tại xã Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Trải qua hơn 400 năm từ khi hình thành, dù có lúc thăng, lúc trầm nhưng người dân làng nghề truyền thống này vẫn trân quý, gìn giữ tinh hoa đất nghề của cha ông để lại.
0:00 / 0:00
0:00
Dệt đũi ở làng nghề Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Dệt đũi ở làng nghề Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Ông Nguyễn Thành Khoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Cao cho biết: Theo tư liệu ghi lại, nghề kéo đũi, dệt cửi tại đây có từ năm 1584. Khi đó, hai bà Từ Tiên và Từ An về quê cũ là làng Vân Xa, Bất Bạt (Hà Tây cũ) học nghề trồng dâu nuôi tằm, kéo đũi, dệt cửi để về dạy cho con cháu; vừa làm nghề nông, vừa làm nghề thủ công để sinh sống. Công cụ sản xuất là khung cửi con cú, dùng chân đạp, tay đưa thoi.

Tuy nhiên, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, từ năm 1986, nghề truyền thống này phải đối diện với nhiều thử thách khắc nghiệt của cơ chế thị trường và bắt đầu mai một. May thay, từ năm 1992, nghề thủ công tại Nam Cao đã được khôi phục, số khung dệt tăng nhanh. Thời kỳ đỉnh cao là năm 2000, toàn xã có 1.568 khung dệt hoạt động.

Về làng dệt đũi Nam Cao hôm nay, không ai không biết đến tài danh trong nghề của ông Nguyễn Đình Đại, giờ đã hơn 70 tuổi, sinh sống tại thôn Cao Bạt Đoài. Ông chia sẻ: Rút đũi là một trong những công đoạn thời các cụ xa xưa để lại, người làm nghề tận dụng những tổ kén bị đứt không thể ươm được thành tơ mang về rút bằng tay, rồi vê sợi và nối lại thành sợi đũi. Hiện trong thôn vẫn còn khoảng 100 người làm nghề rút đũi những lúc nông nhàn để cung cấp cho doanh nghiệp dệt đũi Đại Hòa, nơi ông Đại làm quản lý hơn 30 năm nay.

Theo những người có kinh nghiệm trong làng nghề Nam Cao, đũi không giống tơ, nếu như sợi tơ có độ xoăn nhỏ thì đũi rút bằng tay có độ xốp, vì vậy sử dụng sẽ ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Sản phẩm quần áo làm từ đũi ở Nam Cao đã từng xuất sang Pháp và châu Âu, rồi thị trường Thái Lan và Lào. Hiện nay, những cơ sở dệt đũi ở Nam Cao tập trung khai thác ở thị trường trong nước. Người có tay nghề giỏi như ông Đại thậm chí đã hợp tác với các nhà thiết kế mẫu trong ngành công nghiệp thời trang.

Cuối năm 2023 vừa qua, một số bộ trang phục được làm bằng sợi đũi do ông Đại cung cấp được trình diễn trên sàn thời trang nước Italia, tạo ra tiếng vang lớn để quảng bá nét đẹp tinh hoa nghề truyền thống vùng quê lúa Thái Bình. Hiện nay, riêng tại thị trường Lào, mỗi năm doanh nghiệp dệt đũi Đại Hòa đang xuất khẩu hàng chục nghìn mét, còn ở thị trường trong nước cũng tiêu thụ được hơn 10 nghìn mét.

Để tiếp tục phát triển nghề dệt đũi, xã Nam Cao đang duy trì Hợp tác xã lụa đũi với gần 200 hộ dân tham gia. Chị Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: Trong các thôn vẫn còn từ 50-60 người cao tuổi còn biết nghề, trong đó cụ cao niên nhất là Phạm Thị Hồng, 93 tuổi, vẫn khá tinh tường và kéo được đũi.

Theo chị Hà, trước đây các sản phẩm truyền thống có tên gọi mộc mạc là nái, sồi, đũi, nhưng riêng có đũi duy trì được lâu nhất. Nếu như lụa sẽ mềm, mịn, mảnh hơn và được kéo từ máy thì đũi cũng từ tơ tằm mà ra, nhưng được kéo bằng tay cho nên nhìn sần và thô ráp hơn.

Nghề kéo đũi hay rút đũi hiện nay chưa có máy móc nào thay thế được, vẫn làm hoàn toàn thủ công và cũng chỉ những người trong các thôn ở Nam Cao còn duy trì hoạt động này. Những năm gần đây, Hợp tác xã lụa đũi Nam Cao đón tiếp nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan, trực tiếp trải nghiệm và tìm hiểu về nghề dệt đũi.

Đầu tháng 1 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, bà Vandara Siphandone, Phu nhân Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã ghé thăm hoạt động sản xuất tại Làng nghề dệt đũi Nam Cao. Bà khá thích thú khi được biết có đến 60% các công đoạn sản phẩm đều được làm thủ công.

Với những giá trị trường tồn trên đất nghề Nam Cao, tháng 11/2023 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp chứng nhận “Nghề dệt đũi” và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào đối với mảnh đất này, là dấu mốc quan trọng trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.