Nơi lưu giữ ký ức về Biệt động Sài Gòn

Không chỉ trưng bày những hiện vật, tư liệu, hình ảnh do gia đình sưu tầm và các nhân chứng lịch sử trao tặng, tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định, anh Trần Trọng Nghĩa, cháu nội của Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai còn tích hợp nhiều công nghệ hiện đại để khách tham quan có những trải nghiệm trọn vẹn, sống động nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Trần Trọng Nghĩa giới thiệu về các nét đặc sắc tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định với khách tham quan.
Anh Trần Trọng Nghĩa giới thiệu về các nét đặc sắc tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định với khách tham quan.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định nằm tại căn nhà sở hữu kiến trúc độc đáo, được xây dựng từ năm 1963 trên đường Trần Quang Khải, Quận 1. Đây từng là điểm hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định ngày ấy dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai, người hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc tỷ phú Mai Hồng Quế, Năm USOM - chuyên thầu khoán tại Dinh Độc Lập.

Để có hơn 300 hiện vật, tư liệu, hình ảnh gắn liền với các giai đoạn hoạt động cách mạng của Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai cùng lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định trưng bày tại bảo tàng này, con trai của ông Lai là anh Trần Vũ Bình đã bỏ rất nhiều thời gian, tâm huyết tìm kiếm, sưu tầm. Anh Bình cho biết, mỗi vật trưng bày là một câu chuyện, ghép thành bức tranh để người nghe, người xem hiểu rõ hơn về quá trình hoạt động cùng sự hy sinh của lực lượng biệt động trong chặng đường gian nan nhưng anh dũng.

Khách đến tham quan bao giờ cũng ngạc nhiên vì được đưa lên khu vực trung tâm của bảo tàng bằng chiếc thang máy cổ. Ngay tại khu vực chính, nơi đặt ảnh tưởng nhớ các chiến sĩ biệt động Sài Gòn-Gia Định luôn rực rỡ sắc hoa. Đóng vai trò thuyết minh viên, anh Trần Trọng Nghĩa (Giám đốc Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định) xúc động nói: Trước kia, 65 bức ảnh các chiến sĩ biệt động Sài Gòn-Gia Định có màu trắng đen, nhiều chỗ còn mờ.

Mới đây, bảo tàng có liên hệ đặt hàng một nhóm bạn trẻ đến từ Hà Nội phục dựng lại bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo nên ảnh có màu, nhìn sống động hơn. Bên cạnh các ô có ảnh của lực lượng biệt động là một ô trống màu xám, khiến nhiều người xem không khỏi tò mò, anh Nghĩa giải thích, đây là vị trí tưởng nhớ một anh hùng trong lực lượng biệt động đã hy sinh mà không có hình ảnh để lưu giữ.

Ô màu xám ấy tượng trưng cho sự hiện diện của họ trong lòng những người ở lại. Ngoài ra, dãy cuối của khu trưng ảnh tưởng niệm còn có nhiều ô trống màu trắng, nơi bảo tàng dành sẵn để bổ sung thêm hình ảnh, tư liệu các chiến sĩ biệt động khi cập nhật đầy đủ thông tin cần thiết.

Bước vào trong, các hiện vật, tư liệu được sắp xếp theo khu vực để thông tin cho khách tham quan về quá trình hoạt động, những cách mà các chiến sĩ biệt động ngày ấy cất giấu, vận chuyển vũ khí, thư từ, tài liệu. Nhiều nhất trong bộ sưu tập đang trưng bày là các loại vũ khí, bom đạn từng được lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định sử dụng trong các trận đánh.

Ngay tại khu trưng bày vũ khí là bảng thông tin trình bày khổ lớn kèm nội dung ngắn gọn và hình ảnh minh họa kể về các trận đánh quan trọng của lực lượng biệt động. Kế bên là tấm bản đồ cỡ lớn mô tả các mũi tấn công của lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Tại đây, còn có phần giới thiệu về các cách thức cất giấu vũ khí, thư từ của lực lượng biệt động trong quá trình hoạt động cách mạng.

Cạnh phòng trưng bày các vật dụng mà Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai sử dụng suốt giai đoạn hoạt động bí mật tại ngôi nhà này, là bảng thông tin thông minh mà con cháu ông tỉ mỉ thực hiện để phục vụ khách tham quan muốn tự mình tìm hiểu về bảo tàng đặc biệt này. Chỉ cần chạm tay vào màn hình, bảng thông tin lập tức hiện lên nhiều mục nhỏ kèm hình ảnh minh họa giúp việc chọn lựa nội dung muốn nghiên cứu trở nên rõ ràng, thuận tiện hơn.

Trong bảng này có đầy đủ thông tin các trận đánh, thông tin về những chiến sĩ biệt động cùng các hình ảnh, tư liệu quan trọng được chọn lọc kỹ càng. Việc tham khảo thông tin trên bảng thông minh giúp khách tham quan có cái nhìn khái quát về lực lượng biệt động mà không phụ thuộc vào thuyết minh viên. Chính giữa bảo tàng là một phòng chiếu nhỏ theo quy cách mở. Tại đây, anh Nghĩa bố trí công nghệ màn hình chiếu trên mọi bề mặt để khi thuyết minh viên hay khách tham quan chạm nhẹ vào tường, một kho phim ảnh phong phú về lực lượng biệt động sẽ mở ra.

Khi đó, chỉ cần ngồi vào dãy ghế sắp ngay ngắn đối diện tường, ai cũng có thể xem trọn vẹn những thước phim đậm màu lịch sử. Ngoài ra, anh Nghĩa còn đi nhiều nơi học hỏi và mang về công nghệ hiện đại nhằm mục đích nâng tính tương tác với khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Trong đó, việc đưa vào sử dụng kính thực tế ảo tại bảo tàng thông minh này khiến các dữ liệu, hình ảnh được số hóa một cách linh hoạt và thú vị hơn rất nhiều.

Bên cạnh vai trò quản lý hoạt động, truyền tải những thông điệp quan trọng tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định, anh Nghĩa còn ấp ủ nhiều dự định với mong muốn ngày càng nhiều bạn trẻ đến đây tìm hiểu về một lực lượng anh hùng thời chiến. “Thời gian tới, tôi sẽ tạo ra một trò chơi nhập vai chiến sĩ biệt động để chỉ cần đeo kính thực tế ảo vào, mỗi khách tham quan sẽ trải qua một hành trình ngắn trong vai một thành viên của lực lượng biệt động.

Người chơi sẽ được trải nghiệm vị trí của một chiến sĩ biệt động trên thế giới ảo. Tôi cũng đang chuẩn bị cho dự án phục dựng lại các cuộc trò chuyện của các chiến sĩ biệt động đã hy sinh bằng công nghệ đa chiều. Ở đó, khách tham quan sẽ được nghe nhân chứng kể chuyện chiến đấu thông qua một chiếc kính tích hợp công nghệ. Ngoài ra, còn có những thước phim đặc sắc được tích hợp sẵn trong không gian này”, anh Nghĩa cho biết thêm.

Là bảo tàng tư nhân thứ sáu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định mở cửa đón khách đến tham quan từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ hằng ngày. Điều mà thế hệ tiếp nối của Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai cùng các chiến sĩ biệt động ngày ấy mong muốn là làm sao gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống đấu tranh anh hùng cách mạng của cha ông để thêm yêu quý cuộc sống hòa bình hôm nay.