Nợ đọng bảo hiểm xã hội ảnh hưởng lợi ích của người lao động

Dù đã có nhiều cố gắng trong công tác đôn đốc, thu hồi, nhưng đến hết tháng 8/2022, tổng số nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội là hơn 5.000 tỷ đồng, chiếm 8,97% tổng số tiền cần thu. Trong đó, số tiền nợ từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là gần 293 tỷ đồng; nợ từ 12 tháng trở lên chiếm hơn 1.800 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00

Các doanh nghiệp, đơn vị nợ bảo hiểm xã hội kéo dài không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đã có nhiều lao động khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán chế độ, một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được chốt sổ bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ hưu trí vì chủ doanh nghiệp chưa nộp bảo hiểm xã hội.

Nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động, từ đầu năm 2022 đến nay, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện gần 5.000 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, đột xuất tại các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về đóng bảo hiểm xã hội. Qua thanh tra, kiểm tra, các đơn vị đã nộp hơn 390 tỷ đồng vào tài khoản thu của cơ quan bảo hiểm xã hội để khắc phục nợ. Các cơ quan chức năng đã yêu cầu doanh nghiệp đóng và truy đóng bảo hiểm xã hội cho 208 lao động với số tiền 3,5 tỷ đồng; kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 38 đơn vị chây ỳ nợ tiền bảo hiểm... Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã rà soát dữ liệu quản lý và đôn đốc 8.306 đơn vị nợ tiền đóng tiền bảo hiểm xã hội, thu hồi hơn 453 tỷ đồng tiền nợ đóng.

Trên thực tế, số nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn Hà Nội dù có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021, nhưng tỷ lệ nợ kéo dài, phải tính lãi vẫn cao. Nguyên nhân của tình trạng này, theo các cơ quan chức năng, là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp giảm doanh thu, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dẫn đến quá trình đóng bảo hiểm xã hội chậm, muộn. Mặt khác, một số doanh nghiệp cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng thiếu cho người lao động.

Để khắc phục tình trạng này, những tháng cuối năm 2022, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài, nhiều ý kiến đề nghị cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật liên quan đến bảo hiểm xã hội. Hiện các quy định của pháp luật chưa quy định rõ về biện pháp quản lý các đơn vị có số tiền chậm đóng, nhất là doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, có chủ sở hữu bỏ trốn, khiến các bên liên quan lúng túng trong quá trình thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó cần bổ sung cơ chế, chính sách giải quyết quyền lợi cho người lao động trong các doanh nghiệp có chủ sở hữu bỏ trốn, hay các quy định liên quan đến chức năng khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.