- Cây giảm nghèo, làm giàu
Chúng tôi cùng Bí thư Đảng ủy thị trấn Mường Khương Phạm Đăng Năm, người cán bộ tâm huyết luôn trăn trở tìm cách cải thiện đời sống cho bà con vùng cao leo ngược dốc tới thăm những vườn quýt ở thôn biên giới Lao Chải, thị trấn Mường Khương. Cả vùng đồi rộng lớn trước đây chủ yếu trồng lúa nương và ngô giờ được phủ màu xanh ngắt của cây quýt.
Quýt Mường Khương có hương vị thơm ngon khác biệt với các vùng khác, trở thành một đặc sản mà chỉ ở Mường Khương mới có. Chúng tôi tới thăm vườn của gia đình anh Lù Tỉn Phà, dân tộc Bố Y, những cành quýt trĩu quả, xòe tán che kín cả đường đi. Gia đình anh Phà trồng quýt từ năm 2009. Đến năm 2014, anh trồng thêm giống quýt đường.
“Chăm sóc cây quýt đòi hỏi nhiều công sức từ lúc trồng cho tới lúc hái quả. Quan trọng nhất là phải giữ có cây có đủ nước và phòng ngừa được sâu bệnh. Thời điểm hiện tại, hoa đã đậu quả, chúng tôi tập trung bón phân, tỉa cành, loại bỏ những quả bé, quả dị dạng, quả có màu sắc kém để cây tập trung dinh dưỡng cho những quả đẹp phát triển tốt”, chị Sủi-vợ anh Phà vui vẻ chia sẻ một vài kỹ thuật chăm sóc quýt.
3 năm sau, cây quýt mang lại những quả ngọt đầu tiên trong niềm phấn khởi tràn trề hy vọng của vợ chồng anh Phà. Nhờ cây quýt, cuộc sống của gia đình anh dần dần vượt qua cảnh đói nghèo. Anh Phà nhớ lại: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng ngô và lúa. Làm lụng vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Năm 2009, nhận thấy đất đai ở đây phù hợp với cây quýt, vợ chồng tôi đầu tư trồng thử nghiệm 500 cây quýt. 3 năm sau thì cây bói quả. Cầm những đồng tiền đầu tiên từ bán quýt, vợ chồng tôi sung sướng vô cùng. Từ ngày trồng quýt, vợ chồng tôi mới có kinh tế, cuộc sống dễ chịu hơn rất nhiều”.
Nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần trồng ngô, lúa đã tạo động lực mạnh mẽ thôi thúc anh Phà chuyển đổi phần lớn diện tích đất canh tác của gia đình sang trồng quýt. Đến nay, diện tích trồng quýt của gia đình anh đã mở rộng hơn rất nhiều với khoảng 4.000 cây, trong đó 3.000 cây đã cho quả.
Dù trải qua nhiều thăng trầm, có năm được mùa nhưng mất giá, có năm lại mất mùa vì mưa đá gây thiệt hại nặng như năm 2021 nhưng cây quýt đã đem lại nguồn thu nhập giúp gia đình anh Phà và nhiều hộ dân khác ở Mường Khương đổi đời. Với mức giá dao động từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg, đầu vụ lên tới 40.000 đồng/kg, gia đình anh Phà rất phấn khởi vì trừ các loại chi phí còn thu về được 200 triệu đồng.
Gia tăng giá trị cho cây quýt Mường Khương
Trong những năm qua, cây quýt được coi là cây giảm nghèo, làm giàu của đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây. Đến nay, thị trấn Mường Khương đã phát triển diện tích trồng quýt lên tới hơn 260ha. Trung bình mỗi năm, cây quýt mang lại nguồn thu khoảng 30 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào chỉ số thu nhập bình quân đầu người 42 triệu đồng/người/năm của thị trấn Mường Khương. Nhiều hộ dân có diện tích trồng quýt lớn, có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên như gia đình ông Làn Mậu Thành, Lùng Dỉ Mìn (thôn Sa Pả), Lù Dìn Sần, Lồ Dìn Sủi (thôn Lao Chải)…
Hiện, một số hộ trồng quýt ở thôn biên giới Lao Chải kết hợp trồng quýt với cung cấp các dịch vụ thăm quả, chụp ảnh check-in tại vườn quýt. Nếu thích du khách còn có thể trải nghiệm các công đoạn chăm sóc quýt như: tỉa cành, dọn cỏ, thu hái quýt… kết hợp với tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động này đã mang lại hiệu quả nhất định, vừa tăng thêm nguồn thu cho người dân, vừa xây dựng được thương hiệu quýt sạch trong lòng du khách, giúp du khách tin tưởng hơn vào chất lượng của quýt Mường Khương.
Cây quýt đã giúp gia đình anh Lù Tỉn Phà thoát nghèo, từng bước ổn định kinh tế gia đình. |
Vùng trồng quýt Mường Khương có thuận lợi là khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây vẫn giữ được nền văn hóa truyền thống đặc sắc. Đây chính là cơ sở nền tảng để Mường Khương phát triển vùng trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGap gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nhằm gia tăng giá trị cho cây quýt.
Thôn Lao Chải có 82 hộ dân, 100% là người dân tộc Bố Y, hầu hết đều trồng quýt. Hiện người dân ở đây vẫn giữ được văn hóa truyền thống như trang phục, các điệu múa, bài hát. Thôn cũng đã thành lập được đội văn nghệ, thường biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, hoạt động chung của cộng đồng. Đây là tiềm năng để các hộ dân ở đây khai phá và phát triển du lịch”, Bí thư Đảng ủy thị trấn Mường Khương Phạm Đăng Năm cho biết.
Theo Bí thư Đảng ủy thị trấn Mường Khương Phạm Đăng Năm, trong cơ cấu cây trồng của Mường Khương, cây quýt hiện là cây hàng hóa chủ lực. Nhằm phát triển bền vững vùng trồng quýt, trong những năm qua, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng vùng trồng quýt sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ. Cùng với đó, chính quyền cũng hỗ trợ bà con trong quảng bá sản phẩm xây dựng thương hiệu quýt Mường Khương, đồng thời vận động bà con tận dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm và bán hàng online.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế, việc gia tăng giá trị cho vùng trồng quýt thông qua kết hợp làm du lịch cộng đồng với tiêu thụ sản phẩm là công việc không hề dễ và không thể làm trong một sớm, một chiều. Việc này đòi hỏi tiềm lực lớn mà địa phương không có đủ nguồn lực để thực hiện vì thế rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh. Trước mắt, địa phương đang tập trung vận động bà con giữ gìn văn hóa dân tộc, phát triển vùng trồng quýt theo bền vững theo tiêu chuẩn VietGap gắn với xây dựng các homestay, cung cấp dịch vụ lưu trú tiến tới cung cấp thêm dịch vụ ẩm thực, biểu diễn văn nghệ truyền thống phục vụ du khách…
Một tin vui là vào đầu tháng 8 vừa qua, đoàn cán bộ văn hóa của huyện Mường Khương đã tới khảo sát tiềm năng phát triển du lịch cũng như kết quả công tác bảo tồn văn hóa ở thôn Lao Chải. Hy vọng sắp tới, các cấp chính quyền ở tỉnh Lào Cai sẽ quan tâm đầu tư nguồn lực xây dựng dự án khai thác và phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với vùng trồng quýt Mường Khương để tạo sức hút, nhằm gia tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.