Mường Khương tạo thế phát triển bền vững

Huyện vùng cao, biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai có 23 dân tộc anh em chung sống. Với xuất phát điểm thấp, Mường Khương từng là huyện nghèo nhất của tỉnh Lào Cai. Mục tiêu quy hoạch, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, lộ trình giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân trên địa bàn đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, khi mà hạ tầng còn nhiều bất cập, đội ngũ cán bộ không đồng đều.
0:00 / 0:00
0:00
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện, những ngôi trường mới không ngừng được xây dựng trên địa bàn huyện Mường Khương. (Ảnh QUỐC HỒNG)
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện, những ngôi trường mới không ngừng được xây dựng trên địa bàn huyện Mường Khương. (Ảnh QUỐC HỒNG)

Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện xác định các vấn đề cần tập trung, đó là: Cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn công tác của địa phương; việc ban hành nghị quyết ở một số cấp ủy cơ sở chưa sát thực tế, tổ chức thực hiện nghị quyết hiệu quả chưa cao; duy trì nền nếp sinh hoạt bảo đảm quy định của Ðảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ cần nâng cao, nhất là sinh hoạt chuyên đề; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong sinh hoạt…

Các cấp ủy cũng thống nhất các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng huyện Mường Khương, đó là: Rà soát, sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng bảo đảm tinh gọn, gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư chi bộ đủ khả năng lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy từ Ðảng ủy xã đến chi bộ. Trong nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, thông qua đổi mới, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đảng viên; việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; coi trọng rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Ðảng những đảng viên không đủ tư cách...

Với các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy tính chủ động, sáng tạo nội lực từ cơ sở hiện nay toàn bộ thôn, tổ dân phố toàn huyện có chi bộ độc lập, tỷ lệ chi bộ thôn, tổ dân phố có chi ủy đạt 65%; tỷ lệ đảng viên/dân số đạt hơn 5,3%... là những nhân tố then chốt bảo đảm cho Mường Khương triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống một cách đồng bộ, hiệu quả. Ðảng bộ huyện nhiều năm liên tục được Ban Thường vụ Tỉnh ủy công nhận hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong nhiều năm, thách thức lớn nhất đối với Mường Khương trong nông nghiệp là diện tích đất trống, đồi núi trọc luôn chiếm hơn 30% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Ðất đai bị xói mòn, rửa trôi, làm giảm độ phì nhiêu, năng suất cây trồng không cao. Sản xuất chịu nhiều ảnh hưởng từ mưa đá, giông lốc, sạt lở, ngập lụt… Mặt khác, tập quán canh tác lâu đời của người nông dân còn manh mún, lạc hậu. Nhằm xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao đời sống người dân, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định để nông nghiệp phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế thì cần phải phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững.

Toàn Ðảng bộ huyện tập trung đổi mới tác phong lãnh đạo. Các đảng bộ cơ sở đi vào xây dựng, ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch thiết thực với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương có tính khả thi cao. Quá trình triển khai các chủ trương nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nhất là Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tiến hành đồng bộ.

Quá trình này, các cấp ủy khu vực nông thôn tập trung lãnh đạo vào các nhiệm vụ: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, phát triển sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; thực hiện giao đất, giao rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới. Bí thư Ðảng ủy xã Tả Thàng nói: Với sự lãnh đạo tập trung của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ðảng ủy xã luôn coi trọng phương châm và nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Huy động được sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nội lực cơ sở được phát huy, các chủ trương nghị quyết của tỉnh, của huyện về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống đã tạo sức bật, tạo đà cho vùng nông thôn Mường Khương. Ông Ðỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Huyện đã thực hiện tập trung vào 5 cây, con chủ lực: Chuối, dứa, chè, kinh tế đồi rừng và phát triển đàn lợn đen bản địa. Mường Khương hiện có hơn 4.900 ha chè, 1.580 ha chuối, 1.560 ha dứa và 1.170 ha quế; tổng đàn lợn hơn 30 nghìn con, sản lượng 712 tấn lợn thịt thương phẩm mỗi năm, riêng lợn đen chiếm 62% sản lượng. Huyện cũng đã chuyển đổi gần 2.000 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang phát triển các cây chủ lực (chè, dứa, chuối, quế).

Cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng tăng diện tích cây trồng chủ lực, tiềm năng, có đầu ra ổn định theo chuỗi liên kết, đồng thời phát huy thế mạnh các vùng cây trồng đặc sản; chú trọng quy hoạch, cơ cấu lại vùng sản xuất hàng hóa; tích cực áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Toàn huyện thu hút thêm hàng chục dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà máy, cơ sở chế biến. Bí thư Ðảng ủy xã Nậm Chảy Ma Tiến Phúc cho biết: Chủ trương của huyện với công tác xúc tiến thương mại góp phần kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người nông dân thuận lợi.

Ðồng thời, Mường Khương cũng quan tâm xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội huyện, tiếp tục trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Quá trình lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, nông nghiệp đã trở thành trụ cột giữ vai trò là trụ đỡ duy trì đà tăng trưởng kinh tế của huyện. Hiện Mường Khương đang nằm trong tốp đầu của Lào Cai về tốc độ giảm nghèo bền vững.