Cuối năm là thời điểm cung - cầu về việc làm tăng cao. Theo nhận định của đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), thời điểm cuối năm 2020, những tháng đầu năm 2021, nhu cầu tuyển dụng việc làm sẽ tăng từ 10 đến 20%, tập trung vào các lao động bán thời vụ, bán thời gian như bán hàng, thu ngân, vận chuyển hàng hóa. Một số ngành như dệt may, da giày, may mặc, nhu cầu tuyển dụng lao động có thể tăng thêm từ 6.000 đến 8.000 vị trí; lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn cần khoảng 5.000 người; marketing cần khoảng 8.000 người.
Đại diện nhân sự của Hệ thống siêu thị Big C cho biết: Dịp cuối năm, đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 200 nhân sự chuẩn bị cho các vị trí nhân viên quầy hàng, gói quà, thu ngân, chế biến… Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động có nhu cầu tuyển dụng hơn 5.000 vị trí việc làm; Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin tuyển dụng gần 200 vị trí việc làm mới. Tại các hệ thống cửa hàng nhỏ lẻ, nhu cầu tuyển người làm cũng bắt đầu gia tăng. Trên phố Thái Hà (quận Đống Đa), nhiều cửa hàng bán quần áo đã đăng biển tuyển dụng nhân viên bán hàng theo thời vụ. Ở khu vực trung tâm thành phố, một số cửa hàng bán thời trang, cà-phê, đồ ăn cũng đăng tuyển dụng người làm. Bên cạnh đó, nhu cầu tìm người giúp việc gia đình và chăm sóc người ốm tại các bệnh viện cũng đang tăng.
Anh Nguyễn Văn Cần (quê Nam Định, hiện đang trọ tại quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Những lao động tự do năm nay bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. May mà thời điểm này, các cửa hàng, doanh nghiệp đã khởi động trở lại, cho nên tôi đã tìm được một chân bán hàng tại cửa hàng điện máy. Thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán không còn nhiều, tôi mong công việc tại chỗ làm mới ổn định để có thu nhập lo Tết cho gia đình, vợ con”.
Đồng hành với người lao động và doanh nghiệp, các địa phương, đơn vị của thành phố đã, đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp kích cầu về lao động, việc làm dịp cuối năm. Cuối tháng 11, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Tây Hồ tổ chức phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp, trường dạy nghề. Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết: Qua phiên giao dịch, nhiều lao động của quận đã tìm được việc làm, lựa chọn được nghề cần học phù hợp khả năng, sở thích, yêu cầu của cá nhân. Các hộ vừa mới thoát nghèo, thân nhân gia đình chính sách, hộ gia đình trong phương án giảm chăn nuôi gia súc, gia cầm và người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… trên địa bàn quận dịp này cũng được ưu tiên, tạo điều kiện tuyển dụng, giúp họ vượt qua khó khăn.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Xuân Thành cho hay, các sàn giao dịch việc làm đang phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Ba tháng cuối năm 2020, trung tâm phối hợp các địa phương tổ chức gần 70 phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố. Trung tâm đang tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến và trực tiếp từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần để kết nối thị trường lao động. Nhờ tình hình dịch bệnh đang được khống chế, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng lên. Những lao động phổ thông theo thời vụ, chưa có kinh nghiệm, làm việc bán thời vụ có mức thu nhập dao động từ năm triệu đến bảy triệu đồng/tháng. Ở các vị trí tuyển dụng yêu cầu nhân sự chất lượng cao như quản lý, giám sát có mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, đang có một nghịch lý là trong khi nguồn cung về lao động nhiều hơn cầu, nhưng các đơn vị, doanh nghiệp vẫn khó tuyển được nhân sự phù hợp vị trí công việc. Đại diện Công ty cổ phần ETIC Việt Nam có văn phòng giao dịch tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, cho biết: Công ty đăng tuyển năm lao động có kinh nghiệm, đã qua đào tạo vào vị trí kế toán, kinh doanh, nhưng hồ sơ ứng viên chủ yếu là lao động phổ thông, khó đáp ứng được yêu cầu công việc.
Năm hết Tết đến, dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, song trên thực tế, cơ hội việc làm cho người lao động vẫn đang rộng mở. Để tạo nhiều hơn nữa việc làm cho người lao động, các cơ quan chức năng cần thu thập thông tin từ cả phía người lao động và người sử dụng lao động để có thể tư vấn cho doanh nghiệp và người lao động để hai bên cung- cầu có thể gặp nhau nhanh nhất. Về phía người lao động, cần chú trọng nâng cao trình độ để các cơ hội tìm kiếm việc làm nhiều hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng lưu ý người lao động cảnh giác, không vì tâm lý nôn nóng tìm việc cuối năm mà để đối tượng lừa đảo lợi dụng.