Dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, tuy không “bùng nổ” như dịp 30/4 và 1/5, nhưng lượng khách tìm kiếm, đặt các tua du lịch cũng khá cao. Đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp kinh doanh lữ hành uy tín đã “khóa sổ”, chỉ tập trung vào việc chuẩn bị cho khách lên đường.
Do năm học mới sắp bắt đầu, cộng với việc giá vé máy bay vẫn cao, các tua từ Hà Nội đi miền trung, miền nam đều khá đắt đỏ cho nên nhiều khách hàng có xu hướng đi du lịch ngắn ngày. Điểm đến ưa thích là khu vực vùng núi phía bắc để tận hưởng tiết thu mát mẻ. Nhiều người cũng chọn khu vực Bắc Trung Bộ để không phải di chuyển quá xa. “Đón sóng” xu hướng này, các doanh nghiệp đã tung ra nhiều gói sản phẩm phù hợp nhu cầu và khả năng chi tiêu của khách.
Tháng 9 là thời điểm mùa lúa chín. Hàng loạt công ty “bung hàng” là các tour du lịch ngắm lúa vàng, ngắm ruộng bậc thang ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái... Hầu hết các tua kéo dài từ hai đến ba ngày, với chi phí tối đa chỉ vào khoảng từ 2,6 triệu đến 2,7 triệu đồng/ khách. Cụ thể như Công ty Du lịch Flamingo Redtours chào bán các tua Đông-Tây Bắc mùa lúa chín, săn mây, tua Ba Bể-Cao Bằng, tua Hoàng Su Phì-Xín Mần…
Tương tự, Viettravel đã tung ra các sản phẩm đẩy mạnh chùm tua ngắn ngày ngắm “mùa vàng” như: Khám phá vòng cung Đông Bắc: Hà Giang-Cao Bằng-Bắc Kạn; Ngắm mùa lúa chín Mù Cang Chải, Tú Lệ; Tua leo núi săn mây tây bắc... Thời điểm lúa chín rộ không dài, cho nên các tua này đều thu hút lượng khách khá lớn. Sau ba tháng hè, nhu cầu lên núi du lịch vào mùa thu khiến ngay cả những tỉnh có lợi thế về du lịch biển cũng tích cực chào bán các tua du lịch núi rừng: Tại Quảng Ninh có các tua săn mây, leo núi tại huyện Bình Liêu; tại bắc miền trung là các tua leo núi khu vực rừng quốc gia Pù Luông (Thanh Hóa), Pù Mát (Nghệ An)…
Theo Giám đốc Công ty Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa, hiện tại, doanh nghiệp của ông đã kín lịch dẫn đoàn đi du lịch dịp nghỉ lễ Quốc khánh. Nhìn chung các doanh nghiệp đều “cháy hàng”, nỗ lực đáp ứng yêu cầu khi lượng khách tăng cao.
Trong dịp này, lượng khách đặt hàng các tua du lịch nước ngoài cũng tăng đáng kể sau một thời gian dài người dân không được “xuất ngoại” vì dịch Covid-19. Ngoài các thị trường du lịch cũ tại các nước châu Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản… hay Pháp, Đức, Italia... ở châu Âu, nhiều khách hàng còn khám phá tua đến những vùng đất mới mẻ như: Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ…
Các doanh nghiệp, cơ sở du lịch tại Hà Nội cũng sẵn sàng đón lượng khách đến Thủ đô dự đoán sẽ tăng đột biến trong dịp này. Mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm để thưởng ngoạn vẻ đẹp Hà Nội, từ sự trầm lắng của những di tích, di sản có tuổi đời hàng thế kỷ như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội… cho đến những vẻ đẹp của vùng ngoại thành với các làng nghề, làng cổ như Bát Tràng, Đường Lâm… cho nên dự kiến những địa chỉ du lịch này đều thu hút lượng khách lớn, gồm cả khách đi theo tua lẫn khách du lịch tự túc. Nhiều người dân Thủ đô lại chọn du lịch “tại chỗ”, trong đó các tua “lên núi” vẫn chiếm ưu thế, như đi cắm trại ở vùng núi Ba Vì, Sóc Sơn… hoặc đến các khu nghỉ dưỡng ở ngoại thành Hà Nội để hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ.
Để bảo đảm chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi khách hàng khi lượng khách tăng lên, Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch, gồm các cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành, các doanh nghiệp vận chuyển cũng như đơn vị sở hữu điểm đến phải tập trung nâng cao chất lượng, niêm yết rõ giá dịch vụ, nghiêm cấm hành vi chèo kéo, lừa đảo, trục lợi… từ khách du lịch. Dịp này, Sở Du lịch Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất để ngăn chặn các hành vi ảnh hưởng xấu đến chất lượng du lịch Thủ đô.