Nhớ những mùa cá xưa

An Giang có ba con sông lớn là Vàm Nao, sông Hậu, sông Tiền, cùng nhiều kênh, rạch với hơn 200 loài cá, được xem là vùng "trên cơm dưới cá". Nhưng theo thời gian, loài cá tự nhiên mất dần, cùng với đó là không còn những mùa cá hội.
0:00 / 0:00
0:00
Ngư dân ấp Vàm Nao nhớ những mùa cá bông lau xưa.
Ngư dân ấp Vàm Nao nhớ những mùa cá bông lau xưa.

Các lão ngư ở xã Bình Thủy, huyện Châu Phú bồi hồi nhớ những mùa cá hô hội mà họ may mắn được chứng kiến. Cứ vào tháng 3 đến tháng 5 âm lịch, ngư dân Bình Thủy lại rộn ràng giăng lưới bắt cá hô khổng lồ. An Giang và các tỉnh miền Tây có nhiều sông rạch, nhưng không hiểu vì sao chúng luôn kéo về cù lao xã Bình Thủy tụ hội. Khi đó, cá lên ngớp, quăng mình nhào lộn gây tiếng động náo loạn khúc sông. Ai bắt được một con cá hô hơn 100 kg thì được xem như nuôi được mấy con heo thịt.

Dân trong nghề có lệ ước: Ngư dân nào lần đầu tiên thả lưới bắt được cá thì không được bán mà đãi cả xóm. Thời ấy, chưa có phương tiện thông tin, chưa có mạng xã hội cho nên phần lớn ngư dân bắt cá hô to chỉ xẻ thịt bán trong vùng, có người trả bằng tiền mặt, có người trả bằng thóc. Sau này, các nhà hàng hay tin tranh nhau đến mua cá. Rồi về sau, cá hô có tên trong Sách đỏ Việt Nam và bị cấm đánh bắt; nhưng từ năm 2000 đến nay, ngư dân không còn thấy cá hô kéo nhau về hội, không còn cảnh người dân nô nức đi xem cá to mắc lưới hay chia phần thịt cá. Nói chi cho xa, các ngư dân đánh bắt cá bông lau trên sông Vàm Nao còn đang canh cánh nỗi lo tan tác mùa cá.

Lão ngư Phạm Văn Hổ, ngụ ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân ngó ra bờ sông buồn hiu nói: "Tôi sống bằng nghề cá hơn 40 năm nhưng không ngờ mùa cá bông lau năm 2022 và 2023 quá bết bát so với các năm trước". Ông Hổ nhớ rất rõ, vào mùa cá bông lau hội, chúng nổi lúc nhúc trên mặt sông, khi đó không ai dám nhảy sông tắm, sợ ngạnh bén nhọn của cá đâm phải. Và cũng thú vị, dưới là cá hội, còn trên bờ cỏ lau cũng trổ bông cho nên ngư dân theo đó gọi tên loài cá. Cá bông lau được ví là "đệ nhất cá da trơn", lúc cao điểm lái cá mua với giá 500.000 đồng/kg.

Trên đoạn sông Vàm Nao về đêm luôn đỏ rực đèn của ngư dân. Một mùa cá may mắn, ngư dân dư giả vài chục triệu đồng. Nhưng giờ đây mùa cá bông lau kém hẳn nhộn nhịp khi nhiều người bỏ nghề, những ngư dân còn sống bằng nghề cũng mang tâm sự ngổn ngang. Ông Hổ nhớ lại, sông Vàm Nao là rốn cá cho nên ngày xưa vùng này cá leo, cá ngựa sông nhiều lắm. Khi nước nổi vừa vào đồng, về đêm, cá leo từng cặp kéo sâu vào các cánh đồng xâm xấp nước để giao phối. Ðêm nào có trăng, người dân rủ nhau đi bắt. Họ dùng nơm chụp, cá phóng chạy, người rượt đuổi hò hét, rộn rã đêm khuya.

Ði bắt cá vì niềm vui, được ít hay nhiều không quan trọng. Còn cá ngựa, như tên gọi, hay phóng nhảy cao từ sông vào đồng cho nên chỉ cần giăng lưới khỏi mặt nước là bắt được chúng. Cá ngựa xương nhiều nên ngày xưa người dân chê, nay thì mùa cá ngựa, cá leo chỉ còn trong câu chuyện "trà dư tửu hậu". Ông Hổ trầm ngâm: "Mùa cá linh vẫn còn nhưng lượng cá giảm, không còn cảnh thấy chúng lội xanh cả mặt nước. Tôi nhớ, lúc cá linh ra sông thì cũng là mùa của cá nhái, chúng rượt theo bắt cá linh ăn, nhưng nay cá nhái không còn. Ngay cả cá rằm hay đi thành bầy theo cá linh, bây giờ chài hay kéo lưới dính cá linh nhiều nhưng không dính cá rằm".

Số liệu thống kê của ngành thủy sản cho thấy: 20 năm qua, nguồn cá tự nhiên giảm sút nghiêm trọng; cụ thể năm 2000, lượng thủy sản tự nhiên đánh bắt hơn 90 nghìn tấn, năm 2010 còn hơn 37 nghìn tấn, năm 2020 đến nay mỗi năm chỉ hơn 14 nghìn tấn. Những loài cá từng xuất hiện phổ biến như cá lòng tòng bay, lòng tong mương, duồng bay, cá học trò, hồng vện, lành canh, bãi trầu, cá nanh heo, chốt chuột, chốt bông, cá sát ốc, cá khoai, cá ngư ông… nay chỉ còn thưa thớt. Kể lại chuyện cá mắm xưa, các ngư dân buồn lắm, bởi những mùa cá mất dần là mất đi cái hồn sông nước, tác động đến sinh kế ngư dân. Bây giờ cá hô, cá bông lau, cá leo, cá nanh heo, cá leo... đã nuôi nhân tạo được, nhưng hồn cốt sao được như xưa. Cho nên mỗi lần mùa nước nổi về, các ngư dân lại khắc khoải nhớ từng mùa cá đã trôi dần vào quên lãng.