Nhiều nghi ngại về món chè khúc bạch

NDO - Mùa hè năm nay, chè khúc bạch trở thành món ăn khoái khẩu của các bạn trẻ Hà Nội, thay thế cho trào lưu trà chanh những năm trước.

Chè khúc bạch có mặt ở khắp mọi nơi, từ quán chè, quán cà-phê, đến các nhà hàng cơm văn phòng. Tuy nhiên, đằng sau vị ngon, lạ miệng của món quà vặt này, người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm về nguồn gốc, chất lượng của những nguyên liệu làm nên món chè.

Tuy mới xuất hiện ở Hà Nội, nhưng chè khúc bạch thật sự tạo "cơn sốt" trong giới trẻ, thay thế cho trào lưu trà chanh, sữa chua mít đã từng "làm mưa làm gió" trên thị trường quà vặt của các bạn trẻ. Chè khúc bạch được làm từ kem tươi, sữa tươi kết hợp với chất tạo đông (bột gelatin) để tạo thành những viên khúc bạch có độ mềm, dai dai, thơm vị bơ, sữa. Nước chè được nấu từ đường phèn. Ngoài hai thành phần chính này, trong cốc chè còn có nhiều loại hoa quả như vải, nhãn... và các lát hạnh nhân nướng. Không chỉ có vị kem, sữa truyền thống, nhiều quán còn biến tấu thêm các vị khác như trà xanh,

cà-phê, khoai môn. Khi cắn nhẹ từng miếng khúc bạch hình vuông có gân lượn sóng, người ăn cảm nhận được vị ngọt dịu, mát lạnh tan dần trên đầu lưỡi, phảng phất mùi thơm của tinh dầu hạnh nhân và hương vị hoa quả mùa hè. Với hương vị thanh và tinh tế ấy, chè khúc bạch nhanh chóng trở thành món khoái khẩu của nhiều người trong tiết trời mùa hè oi bức.

Nắm bắt thị hiếu của khách hàng, nhiều cửa hàng chuyên mặt hàng này ra đời. Không ít các hàng chè, quán cà-phê, cơm trưa văn phòng cũng bổ sung món chè này vào thực đơn. Nhiều nhóm bạn trẻ nhanh nhạy tổ chức bán chè khúc bạch trên mạng và giao sản phẩm đến tận tay người dùng. Thu Trang, một bạn gái trẻ là chủ cơ sở làm chè khúc bạch ở phố Bùi Thị Xuân, chuyên rao bán trên mạng

cho biết, mỗi ngày cơ sở bán được khoảng 200 đến 300 cốc/ngày, giá từ 20 nghìn đồng đến 25 nghìn đồng/cốc. Trên cơ sở  những nguyên liệu chính nói trên, nhóm sáng tạo thêm nhiều hương vị để tạo sự mới lạ, thu hút khách hàng như: vị trà xanh, vị khoai môn, vị dâu tây... và trộn thêm nhiều loại trái cây khác nhau như nhãn, thanh long, mít... khiến cốc chè không chỉ còn mầu trắng như ban đầu mà đã có nhiều mầu sắc hấp dẫn.

Cửa hàng Lyncapuchino trên phố Hàng Tre có lẽ được các bạn trẻ ở Hà  Nội biết đến nhiều nhất bởi đây gần như là nơi đầu tiên bán món chè này. Với lợi thế cửa hàng rộng rãi, trang trí đẹp, có máy lạnh, giá bán vừa phải, cho nên lúc nào cửa hàng cũng thu hút khá đông các khách hàng trẻ. Chiều tối, khách tới ăn chè ngồi kín phòng, tràn ra cả hè phố. Không đủ chỗ phục vụ, cửa hàng còn phải đóng sẵn rất nhiều hộp để khách hàng mua mang về.

Tuy nhiên, đằng sau vị ngon, lạ miệng của món quà vặt này, người tiêu dùng không khỏi nghi ngại về nguồn gốc, chất lượng của những nguyên liệu, nhất là những phụ gia có trong chè. Bởi gần đây, nhiều thông tin cho biết gelatin - phụ gia quan trọng của món chè khúc bạch, giúp làm đông thực phẩm, làm bánh được làm từ collagen lấy trong da lợn, xương gia súc. Gelatin sử dụng trong chế biến thực phẩm về cơ bản không có hại nhưng đó phải là loại sạch, được sản xuất theo quy trình chuẩn, bảo đảm  vệ sinh, loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh. Tuy nhiên, những vụ bê bối trong chiết xuất gelatin bị phát hiện cũng như cảnh báo của các nhà khoa học gần đây cho thấy, gelatin làm từ da, xương gia súc hỏng, đã trong quá trình phân hủy, không bảo đảm vệ sinh hoặc không loại bỏ hết các mầm bệnh thì gelatin lại trở thành các chất trung gian lây truyền bệnh hoặc có thể chứa độc tố gây hại cho sức khỏe con người.

Sau gelatin, là những phẩm mầu, hương liệu tạo nên mầu sắc, mùi vị khác nhau trong chè khúc bạch. Chè khúc bạch nguyên bản có mầu trắng từ các loại hoa quả đi kèm (nhãn, vải), nhưng nay, rất nhiều cửa hàng sử dụng hương liệu dạng bột để tạo vị khác như vị trà xanh, vị sô-cô-la, vị khoai môn, vị dâu tây... Tuy nhiên, những loại phụ gia này có nguồn gốc từ đâu, có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không, thì người tiêu dùng không thể biết rõ. Một số nhà dinh dưỡng đưa ra lời khuyên, khi chưa nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ của các loại phụ gia, người tiêu dùng không nên lạm dụng, sử dụng quá nhiều và liên tục trong thời gian dài để tránh bị những tác động xấu lên hệ thần kinh và tiêu hóa. Khi có triệu chứng của ngộ độc cấp như tiêu chảy, đau bụng... thì không nên sử dụng tiếp.

Ăn quà ở Hà Nội có nét văn hóa riêng bởi người ăn có khẩu vị và gu thưởng thức khá tinh tế. Một món ăn được "du nhập" vào Hà Nội vốn đã được qua sự "tuyển chọn" về khẩu vị sẽ đứng chân được lâu nếu nó giữ được nguyên những hương vị ban đầu, có chăng chỉ là điều chỉnh chút ít. Nếu biến tấu tạp nham thì chỉ đáp ứng được thị hiếu nhất thời chứ không thể trở thành món quà của người Hà Nội. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần quan tâm tới việc kiểm tra chất lượng vệ sinh, nguồn gốc nguyên liệu sử dụng trong thực phẩm này nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân.