Nhiều lợi thế để hình thành Trung tâm Thiết kế sáng tạo

Xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo là một trong những sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Trung tâm sẽ đóng vai trò là động lực thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, tạo cơ hội cho các nhà thiết kế, các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo. Ðây là hoạt động mới mẻ, nhưng Hà Nội đã có sẵn nhiều lợi thế để hình thành Trung tâm Thiết kế sáng tạo tầm cỡ trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Complex 01-không gian vừa đem lại giá trị văn hóa, vừa phát triển các loại hình kinh tế sáng tạo.
Complex 01-không gian vừa đem lại giá trị văn hóa, vừa phát triển các loại hình kinh tế sáng tạo.

Gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế, việc xây dựng, phát triển những Trung tâm Thiết kế sáng tạo là hết sức cần thiết đối với Hà Nội. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, việc hình thành Trung tâm Thiết kế sáng tạo trên địa bàn Hà Nội sẽ tạo ra một trung tâm ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng của các nhà thiết kế trẻ và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Theo đánh giá của Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Christan Manhart, thành phố đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các sáng kiến xây dựng Thành phố sáng tạo. Tuy nhiên, có thể thấy, Hà Nội vẫn đang thiếu một nền tảng vững chãi, nơi ươm mầm, hội tụ và lan tỏa tinh thần sáng tạo hiệu quả nhất. Ðể hiện thực hóa cam kết, tháng 4/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND về thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đến năm 2025. Một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch số 102/KH-UBND là xây dựng Ðề án Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội trong năm 2022.

Việc xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo là lĩnh vực mới mẻ, thành phố chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó, UBND thành phố Hà Nội vừa phối hợp Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế "Xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo - Kinh nghiệm từ các thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực". Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia về công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo… của các nước, nhất là các nước trong khu vực, nơi có điều kiện tương đồng với Việt Nam. Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về quá trình xây dựng, hình thành các trung tâm thiết kế sáng tạo, từ việc tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý… đến triển khai các hoạt động thường niên, sự kiện theo mùa và nguồn kinh phí "nuôi" hoạt động, trong đó nhấn mạnh vai trò hỗ trợ của chính quyền, sự tham gia của các bên liên quan để đem lại các sản phẩm sáng tạo có giá trị.

Thành phố Bandung (tỉnh Tây Java, Indonesia) là Thành phố sáng tạo nổi tiếng với 56% hoạt động kinh tế liên quan đến thiết kế với trọng tâm là trang phục, thiết kế đồ họa và truyền thông kỹ thuật số. Năm 2014, Ủy ban Kinh tế Sáng tạo Bandung được thành lập, với nhiệm vụ là tạo ra một lộ trình và các chương trình nhằm nâng cao tiềm năng sáng tạo của thành phố. Tiến sĩ Dwinita Larasati, Tổng Thư ký Diễn đàn Thành phố sáng tạo Bandung, Indonesia cho biết: "Chúng tôi đã tập trung khai thác các công trình của Nhà nước đang bỏ không, hoặc chưa tận dụng hết công suất cho các không gian sáng tạo để không lãng phí tài nguyên. Quy hoạch thành phố bằng việc đề cao thế mạnh của từng quận, như về ẩm thực, thời trang… để thu hút đông đảo người đến tham quan, làm việc".

Nếu Bandung đem đến kinh nghiệm về xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo từ những gì sẵn có, thì đại diện Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) - Thành phố sáng tạo nổi tiếng của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế - lại nêu kinh nghiệm về việc xây dựng, vận hành một Trung tâm Thiết kế sáng tạo hoàn toàn mới, xây dựng hết sức hiện đại. Ðó là Dongdaemun Design Plaza là một kiến trúc nổi tiếng, tọa lạc trên con phố mua sắm sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất của thủ đô Seoul. Công trình được chính quyền thành phố xây dựng với mục đích làm nơi tổ chức các sự kiện, văn hóa, các buổi triển lãm, hội nghị và cũng là một trung tâm mua sắm hiện đại. Bà Kim Haesoo Estella, Ðiều phối viên dự án về giải thưởng quốc tế và quan hệ công chúng tại Quỹ thiết kế Seoul cho biết, công trình được tổ chức thành năm không gian chính: Trưng bày, biểu diễn, kinh doanh, giải trí… Ðây cũng là trung tâm duy nhất tại Seoul trưng bày các sản phẩm thuộc lĩnh vực thiết kế, tổ chức các chương trình tham quan để học hỏi mô hình, các lễ hội thiết kế đều đặn; đồng thời, có các nền tảng trực tuyến và trực tiếp để thúc đẩy hiệu quả quảng bá, có các hoạt động hướng tới nhóm đối tượng yếu thế…

Như vậy, xu thế của thế giới là tái thiết các di sản công nghiệp, di sản đô thị thành các không gian sáng tạo. Thành phố Hà Nội đang chuẩn bị di dời hàng loạt nhà máy, xí nghiệp cũ, nếu có quyết tâm, thành phố có thể tái thiết các không gian cũ để hình thành Trung tâm Thiết kế sáng tạo mới. Thành phố cũng có kinh nghiệm trong việc phát triển các không gian sáng tạo. Tuy nhiên, theo Kế hoạch 102/KH-UBND, ngoài việc xây dựng Ðề án Trung tâm Thiết kế sáng tạo, dự kiến, đến năm 2023, thành phố xây dựng Mạng lưới Trung tâm sáng tạo đến các quận, huyện với nhiều mô hình đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành đa dạng, hiệu quả, kết hợp tăng cường hợp tác công tư; hoàn thành thí điểm và kết nối tương tác từ 3-5 trung tâm. Do đó, các cơ quan chức năng phải đẩy nhanh tiến độ triển khai mới có thể theo kịp mốc thời gian mà kế hoạch đặt ra.