Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5-6-1889 ở phố Bát Sứ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong một gia đình nho học quê gốc ở huyện Ứng Hòa. Từ nhỏ, ông đã được học Hán Nôm, lịch sử và văn hóa Việt Nam và phương Đông. Khi lớn hơn, ông được học tiếng Pháp và văn hóa Pháp. Sau khi tốt nghiệp Trường Thông ngôn, Nguyễn Văn Tố làm công tác khảo cứu văn hóa ở Viện Viễn đông bác cổ (EFEO). Với kiến thức uyên bác, Nguyễn Văn Tố có nhiều bài khảo cứu như: Giới thiệu và đính chính sử liệu; Khảo cứu các văn bản cổ; Khảo cứu về văn hóa, văn học; Khảo cứu và tranh luận về các vấn đề lịch sử Việt Nam... làm sống lại những giá trị văn hóa dân tộc. Ông đã có nhiều nghiên cứu có giá trị như: “Thời tiền sử ở Bắc Kỳ”; “Những bài thơ chưa in đời Lê”, “Nguồn gốc các mái cong”,“Ngôi chùa An Nam”, ”Những vật dụng trong ngôi chùa An Nam”, “Tôn giáo nước Nam”... Trong số các công trình khảo cứu công phu của Nguyễn Văn Tố có không ít đề tài về Thăng Long - Hà Nội như “Vua Gia Long đối với dân Bắc Thành”, “Vết tích thành Đại La”, “Lịch sử Hồ Tây”...
Không chỉ là một nhà khảo cứu văn hóa lớn, Nguyễn Văn Tố còn có nhiều đóng góp tích cực cho cách mạng nước ta. Giai đoạn từ 1936 đến 1939, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định vận động một số tổ chức công khai chống nạn mù chữ. Nguyễn Văn Tố cùng với các ông Bùi Kỷ, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn… sáng lập Hội Truyền bá quốc ngữ. Ông được bầu là Hội trưởng. Trụ sở hội Truyền bá quốc ngữ đặt tại nhà số 47 phố Hàng Quạt. Cho đến trước Cách mạng Tháng Tám, Hội đã lập được 20 chi hội ở Bắc Kỳ, 11 chi hội ở Trung Kỳ và tám chi hội ở Nam Kỳ, phong trào học tập lan tỏa ở nhiều nơi, góp phần xóa mù chữ cho khoảng
80 nghìn người.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ được thành lập, Nguyễn Văn Tố được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, mời tham gia Chính phủ lâm thời và giữ chức Bộ trưởng Cứu tế xã hội. Ông đã tổ chức vận động nhân dân chống “giặc đói” và “giặc dốt”. Tháng 9-1945, Hà Nội đã có hơn 2.000 thanh niên, nam nữ xung phong làm giáo viên giảng dạy, phát hành hàng vạn sách học đánh vần, đáp ứng yêu cầu của hàng nghìn lớp học tại các gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học…, thu hút hàng chục nghìn người theo học, nhờ đó đã xóa mù chữ cho hàng triệu người. Là người có uy tín và bằng nhiều biện pháp tích cực, ông đã có công lớn trong việc đẩy lùi nạn đói, đời sống nhân dân, nhất là nông dân được cải thiện, sản xuất được phục hồi, nền tảng của chế độ mới thêm vững chắc. Đó chính là công lao to lớn mà Nguyễn Văn Tố đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các đại biểu đã nhất trí bầu Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị mới, ông có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết hai văn bản Hiệp định 6-3 và Tạm ước 14-9-1946, tạm thời hòa hoãn thực dân Pháp, giúp Đảng và Chính phủ có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Ông còn trực tiếp cùng Quốc hội xây dựng Hiến pháp năm 1946, bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà nhiều điều đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ lên Việt Bắc. Tháng 10-1947, Nguyễn Văn Tố bị giặc Pháp bắt và hy sinh tại Bắc Cạn.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, cụ Nguyễn Văn Tố đã có những đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương sáng, góp phần bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô.