Chúng tôi đến căn nhà của chị Trương Thị Hồng Hải (xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc), nơi đang rộn ràng tiếng cười nói và tiếng ồn từ những chiếc máy may. Dẫu căn phòng được dựng tạm bợ rất oi bức, nhưng đây là nơi làm việc của nhiều phụ nữ trong thôn. Nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Trương Thị Hồng Hải đã giúp nhiều người thất nghiệp có việc làm. Bên cạnh đó, những người phụ nữ này còn hướng dẫn dạy nghề cho nhau.
Vừa hướng dẫn kỹ thuật may cho thợ, chị Trương Thị Hồng Hải chia sẻ: “Gần ba năm trước, tôi được hội phụ nữ xã giới thiệu thông tin vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất rất thấp. Thời điểm đó, hệ thống nước sạch trong nhà chưa có. Tôi liền vay vốn 20 triệu đồng từ chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường để xây dựng mới nhà vệ sinh, nâng cấp hệ thống đường ống nước trong nhà.
Hơn một tháng trước, tôi mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng với lãi suất 7,92%/năm để mua thêm máy may và nguyên liệu phục vụ may gia công. Thời gian qua, đơn hàng tăng nhiều nhưng không đủ thiết bị để gia công. Chờ máy mới nhập về, tôi sẽ tuyển thêm phụ nữ trong thôn để tạo việc làm. Từ nguồn vốn vay lãi suất thấp, cuộc sống gia đình tôi được cải thiện. Có thể thấy, một đồng vốn chính sách làm được ba đồng lời”.
Mới rạng sáng, anh Nguyễn Văn Keo (dân tộc Raglai, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam) bắt đầu đưa đàn bò ra đồng ăn cỏ; ngay sau đó, anh Keo đi làm thuê tại các vườn thanh long, làm rẫy mướn. Quệt mồ hôi trên trán, anh Keo cho biết: “Hơn hai năm trước, tôi được vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất thấp. Tôi mua bốn con bò sinh sản. Sau một năm rưỡi, tôi bán được một cặp bò với giá 55 triệu đồng. Hiện tại, tôi vẫn còn bốn con bò. Mỗi năm, tôi trả lãi và gốc tổng cộng là 12 triệu đồng. Bên cạnh đó, vào mùa mưa, tôi trồng thêm cây ngô thâm canh. Nhờ đó mà tôi nuôi được bốn đứa con ăn học”.
Cách nhà anh Keo không xa, anh Mang Văn Sướng (dân tộc Raglai, xã Hàm Cần) đã hai lần vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho nên hiện tại, kinh tế gia đình anh khấm khá hơn. Năm 2018, anh Sướng vay 50 triệu đồng mua được bốn con trâu; đến năm 2023 sau khi trả hết tiền vay, vẫn còn dư được ba con trâu. Đến năm 2024, anh Sướng tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng để mua bốn con bò. Anh Sướng cho biết, nông dân xã này chỉ vay vốn mua trâu, bò, bởi mùa khô thường xảy ra hạn hán không trồng trọt được. Còn mùa mưa, nông dân thả bò ra đồng, thời gian còn lại thì đi làm thuê, làm mướn hoặc vào rừng hái nấm, hái măng.
Anh Mang Văn Sướng (dân tộc Raglai, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam) đã cải thiện kinh tế gia đình nhờ vay vốn nuôi trâu, bò. |
Tính đến tháng 6/2024, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ là 13.865 tỷ đồng, trong đó khách hàng cá nhân, hộ gia đình là 11.796 tỷ đồng, khách hàng doanh nghiệp là 2.069 tỷ đồng. So với đầu năm, dư nợ tăng 419 tỷ đồng, trong đó khách hàng cá nhân, hộ gia đình tăng 643 tỷ đồng, khách hàng doanh nghiệp giảm 224 tỷ đồng. Dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 6 là 24.450 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 89%/tổng dư nợ. Hiện nay, ngân hàng phối hợp tốt với các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh ghép tổ, mở rộng và phát triển tổ vay vốn; tích cực xử lý nợ vay, hạn chế nợ xấu phát sinh.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Thuận, trong sáu tháng đầu năm 2024, ngân hàng giải ngân cho hơn 25.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 748 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 550 tỷ đồng. Tổng dư nợ thực hiện 21 chương trình tín dụng chính sách đạt 4.867 tỷ đồng với 116.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tăng 198 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 99% kế hoạch tăng trưởng dư nợ. Hoạt động ủy thác thông qua 124 điểm giao dịch xã, 2.353 tổ tiết kiệm và vay vốn, bảo đảm an toàn, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách giai đoạn 2014-2024, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hàm Tân cho biết, hơn 2.300 hộ nghèo của huyện đã vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 1.400 lao động; hơn 3.200 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 19.400 công trình nước sạch vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng gần 24 ngôi nhà cho hộ nghèo, nhà ở xã hội... giúp người thụ hưởng chính sách tăng cường tính chủ động, sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc, tính đến hết tháng 4, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 540.532 triệu đồng, tăng 331.693 triệu đồng, tỷ lệ tăng 158% so với năm 2014. Đến nay nợ quá hạn chỉ còn chiếm tỷ lệ 0,7%/tổng dư nợ. Ông Đặng Thanh Phúc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, khi cần thiết, Thường trực Huyện ủy sẽ làm việc ngay để nghe báo cáo tình hình và kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tín dụng chính sách xã hội.
Bà Võ Minh Thảo, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Thuận cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện tín dụng chính sách xã hội, không được “khoán trắng” cho ngân hàng, cho nên nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn.
Dẫu vậy, chưa có chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để xây dựng, sửa chữa nhà ở, trong khi nhà ở là một tiêu chí đánh giá việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản khi điều tra, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phối hợp các bộ, ngành có liên quan nâng mức cho vay đối với các chương trình tín dụng như cho vay nhà ở xã hội, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW giúp quy mô tăng trưởng tín dụng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày càng tăng, hiệu quả nguồn vốn ngày càng được nâng cao.
Đồng chí Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận nhận định: Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội là một điểm sáng trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội.
Thông qua 23 chương trình tín dụng chính sách xã hội đã và đang thực hiện, các đối tượng thụ hưởng có kinh phí để trang trải các chi phí đáp ứng nhu cầu thiết yếu như chi phí học tập cho con em, xây nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; giúp dần nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao trình độ dân trí, giảm bệnh tật và các tệ nạn xã hội; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, bộ mặt nông thôn từng bước được cải thiện; qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2023 còn 1,96%, đời sống của nhân dân nhất là người nghèo ngày càng được cải thiện.