Nghịch lý thiếu sách giáo khoa

Năm 2021, thành phố từng xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa cục bộ vì khi đó, thành phố đang trong bối cảnh là vùng tâm dịch Covid-19, phải thực hiện giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến khâu in ấn, phân phối sách giáo khoa. Tuy nhiên, bước sang năm học mới 2022-2023, nỗi lo thiếu sách giáo khoa lại tiếp tục gây tâm lý bất an cho nhiều cha mẹ học sinh và học sinh của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 9/9, có 99,5% học sinh đã trang bị đủ sách giáo khoa, còn hơn 7.000 học sinh (0,5%) chưa có sách giáo khoa.

Việc này xảy ra ở các khối lớp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, bậc trung học cơ sở còn thiếu 2.050 bộ, bậc trung học phổ thông còn thiếu 2.232 bộ, bậc giáo dục thường xuyên thiếu 2.771 bộ.

Nguyên nhân thiếu sách được xác định: Học sinh chưa tự trang bị sách giáo khoa cho mình; Công ty Sách và Thiết bị trường học chưa cung cấp đủ sách theo đơn đặt hàng của các cơ sở giáo dục; một số học sinh từ địa phương khác chuyển về thành phố chưa kịp trang bị sách giáo khoa.

Những lý giải trên bộc lộ rõ những bất cập, bị động và thiếu sót trong khâu chuẩn bị năm học mới trên địa bàn thành phố khi công tác này vẫn được đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên từ bộ, ngành, Trung ương đến các địa phương nhằm chủ động các điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học.

Theo phản ánh của nhiều cha mẹ học sinh, khan hiếm nhất là sách giáo khoa thuộc các khối lớp 4, 8, 11. Đây là những lớp còn sử dụng sách giáo khoa theo chương trình năm 2018 và theo kế hoạch sang năm 2023 sẽ được thay thế bằng sách theo chương trình đổi mới. Tìm kiếm khắp cả các nhà sách lớn trên địa bàn thành phố như: Nguyễn Văn Cừ, Fahasa, Phương Nam... nhiều cha mẹ học sinh phải thất vọng ra về tay không vì không có sách mình cần. Một số nhà phân phối, bán lẻ sách thừa nhận không dám nhập nhiều sách theo chương trình năm 2018 vì lo ngại tồn hàng. Giải pháp được đưa ra khi năm học mới đã bắt đầu đối với nhiều học sinh là photo sách giáo khoa để bảo đảm việc học.

Thiếu sách giáo khoa số lượng khá lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, việc nắm bắt nhu cầu sách chưa sát với tình hình thực tế.

Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu lý do, các địa phương có quyết định chọn sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chậm hơn nhiều so với thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, gây khó khăn trong khâu tổ chức in ấn-phát hành...

Nhiều cha mẹ học sinh đặt câu hỏi, nếu Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tăng cường công tác phối hợp cung cấp thông tin nhu cầu đăng ký sách giáo khoa từ các trường học; đồng thời, tăng cường đôn đốc các công ty sách và thiết bị trường học có kế hoạch in ấn, cung ứng sách đầy đủ thì liệu tình trạng hụt nguồn cung sách có xảy ra? Nhiều ý kiến cũng cho rằng, học sinh từ địa phương khác chuyển về thành phố không phải là câu chuyện mới khiến thành phố bị động trong việc chuẩn bị sách giáo khoa.

Trong tình thế cấp bách khi năm học mới đã bắt đầu, người dân mong muốn các cơ quan, ban, ngành, các nhà cung ứng sách giáo khoa cần phối hợp nhịp nhàng công tác thông tin, chỉ đạo nhanh chóng in ấn bổ sung nguồn sách giáo khoa còn thiếu hụt trên thị trường; cần thông tin rộng rãi cho người dân biết về số lượng sách và địa điểm tìm mua sách nhanh chóng, thuận lợi; đồng thời, sớm rút kinh nghiệm, tránh xảy ra trường hợp tương tự trong thời gian tới để bảo đảm nhu cầu, chất lượng dạy và học trên địa bàn thành phố.