Ngày trở lại đong đầy cảm xúc

Trong trang đầu tiên của sách ảnh "Tử tù, cựu tù Côn Đảo-Ngày trở lại" (tập 1) do nhiếp ảnh gia Nguyễn Á vừa cho ra mắt, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa gửi gắm vài dòng tâm sự. Nữ cựu tù có hai lần bị đày ra chuồng cọp Côn Đảo xem nơi "địa ngục trần gian" là trường học, trường đời để tôi luyện chất thép của người chiến sĩ cách mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á (áo xanh) chụp ảnh lưu niệm cùng các cựu tù Côn Đảo. (Ảnh CTV)
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á (áo xanh) chụp ảnh lưu niệm cùng các cựu tù Côn Đảo. (Ảnh CTV)

Bà viết: "Đối với chúng tôi - những người tù cộng sản thì nhà tù, nơi địch chỉ có thể giam cầm được thân xác chứ không thể giam cầm được ý chí luôn sục sôi căm hờn và trái tim tràn đầy nhựa sống về ngày mai tươi đẹp của đất nước".

Sách ảnh "Tử tù, cựu tù Côn Đảo-Ngày trở lại" được thành hình sau nhiều lần đến Côn Đảo của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Nhưng đặc biệt nhất phải kể tới lần anh cùng gần 40 tử tù, cựu tù Côn Đảo quay lại chốn xưa cách đây vài tháng. Một chuyến đi đầy cảm xúc với những câu chuyện thể hiện rõ sự bất khuất, kiên trung của các nhân chứng lịch sử.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa là một trong số 39 tử tù, cựu tù Côn Đảo xuất hiện trong quyển sách ý nghĩa này. Trong bài viết "Với tôi, nhà tù là trường học", bà Trương Mỹ Hoa nhắc lại những tháng ngày bị giam cầm, bị tra tấn dã man bởi đòn roi, nhục hình và tinh thần chiến đấu không ngơi nghỉ của các cựu tù ngày ấy. Dù trải qua biết bao khổ ải, đau thương nhưng bà và các tử tù, cựu tù quyết noi gương người đi trước, quyết học tập lẫn nhau và cùng nắm chặt tay để vượt qua những ngày tháng khốc liệt.

Những ngày ấy, bà cùng đồng đội sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh cao nhất vì luôn tin rằng cách mạng nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang. "Nếu có ai hỏi tôi về những năm tháng ở nhà lao Côn Đảo gian nan đến nhường nào thì dường như những đớn đau về thân xác, những màn nhục hình tra tấn dã man năm nào đã được thời gian che mờ bớt phần nào, còn chăng trọn vẹn là niềm tự hào về những năm tháng kề vai sát cánh bên đồng đội, giành nhau đòn roi tra tấn, sự khổ đau và nhường nhau từng viên thuốc, chỗ nằm, ngụm nước uống và cả những tia nắng mặt trời rọi qua khe cửa nhỏ trong xà lim tăm tối...", bà Trương Mỹ Hoa viết.

Là một trong ba tử tù tham gia chuyến đi đặc biệt này, ông Võ Văn Em lặng người khi nhớ lại tháng ngày bị giam cầm ở "địa ngục trần gian". Ông kể, suốt tám năm, bốn tháng, 24 ngày nơi ngục tù Côn Đảo, chúng còng xích suốt cả ngày đêm, chúng chuyển chúng tôi đến nhiều nơi trên đảo. Phòng 3 trại Phú Hải, hầm đá trại Hai, hầm đá trại Ba, chuồng cọp 4, chuồng bò, chuồng cọp 7. Những tử tù, cựu tù ngày ấy tuyên bố chống chào cờ bảo vệ khí tiết người cộng sản. Mỗi khi anh em đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi cải thiện chế độ hà khắc của nhà tù thì chúng lại đàn áp dã man, siết thêm không cho tắm rửa, ăn uống thiếu thốn, nhất là đợt đấu tranh chống lăn tay chụp hình, chúng đàn áp đánh đập dã man làm bốn tù nhân chết liền tại chỗ...

Trong lần trở lại Côn Đảo này, các tử tù, cựu tù năm xưa đến nghĩa trang thắp nén nhang và gửi lời tri ân những đồng đội đã nằm xuống trong tháng ngày gian khó nhưng hào hùng ấy. Rồi họ cùng nhau quay về chính nơi mình bị giam cầm, tra tấn ngày xưa để ôn lại kỷ niệm một thời oanh liệt. Trại 6 khu B, trại 7 khu E, trại giam Phú Hải, trại giam Phú Tường, Hầm Đá trại 2, chuồng cọp Pháp, Di tích lịch sử Cầu 914... là những điểm đến gợi nhớ lại hành trình gian khổ, tưởng chừng khó có thể vượt qua.

Cầm chiếc lá trên tay, cựu tù Võ Ái Dân nhắc nhớ chuyện xưa. Ông kể, thời bị giam giữ tại Côn Đảo, nếu may mắn bứt được bất cứ đọt cây, lá non nào mà trâu bò ăn được, thường gọi là rau tàn u (tù ăn) cũng đều là nguồn rau xanh quý giá để họ cầm cự khi phải gánh chịu nhiều sự đàn áp.

Hình ảnh các cựu tù dò tìm tên từng đồng đội đã nằm xuống trong chiến tranh trên danh sách liệt sĩ lưu dấu tại Bảo tàng Côn Đảo khiến người xem xúc động. Ánh mắt họ rưng rưng, đau xót lẫn tự hào. Trong sách, có hai trang viền đen khác biệt. Nơi đó lưu lại hình ảnh mà nhiếp ảnh gia Nguyễn Á chụp Anh hùng Lực lượng vũ trang, cựu tù Võ Thị Thắng trong lần bà đến thăm Côn Đảo cách đây 11 năm. Bà Võ Thị Thắng đã qua đời vào năm 2014. Tác giả dùng những hình ảnh này để tri ân, tưởng nhớ đến một nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á cho biết: Đây là chuyến đi tác nghiệp ấn tượng nhất trong sự nghiệp cầm máy của mình. Chuyện kể từ các nhân chứng lịch sử tại chính nơi ám ảnh cuộc đời họ giúp anh hiểu rõ hơn giá trị của độc lập, tự do.

Trên hành trình lưu giữ ký ức của những cựu tù Côn Đảo, đôi lần, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á không cầm được nước mắt. Anh xúc động khi chứng kiến những cuộc hội ngộ quá nhiều cảm xúc giữa thế hệ đi trước với người trẻ hôm nay. Như cuộc gặp mặt vô tình giữa các tử tù, cựu tù năm xưa với đoàn du khách ghé thăm Côn Đảo. Họ chẳng biết nhau, nhưng khi nghe kể chuyện các chiến sĩ cách mạng kiên quyết đấu tranh trong chốn ngục tù, nước mắt ai cũng rơi. Tiếp đó là những chiếc ôm rất chặt của người thừa hưởng nền hòa bình với những chiến sĩ kiên trung ngày ấy.

"Khi đó, họ khóc, tôi cũng khóc. Với tôi, từng bức ảnh trong quyển sách này đẹp thôi chưa đủ mà phải thật sự ý nghĩa và gửi được thông điệp giá trị đến thế hệ trẻ ngày nay. Tôi mong muốn góp tấm lòng tưởng nhớ đến những người đã mãi mãi nằm lại trong cuộc chiến nói chung, bày tỏ sự kính trọng với những tử tù, cựu tù Côn Đảo nói riêng - những "tượng đài sống" mà tôi vẫn có cơ hội tiếp cận bằng xương bằng thịt", nhiếp ảnh gia Nguyễn Á chia sẻ.