Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, góp phần đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD trong năm 2022, khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trên bản đồ thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ logistics hiện chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và định hướng phát triển. Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ chậm và thiếu đồng bộ đang là điểm nghẽn khiến ngành logistics chưa phát triển như kỳ vọng. Ngoài ra, cả nước chưa có trung tâm logistics lớn, liên kết liên vùng chưa tốt; kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông trong vùng, giữa cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, khu công nghiệp còn hạn chế; tỷ lệ chi phí logistics so với GDP của Việt Nam còn cao (khoảng 18% GDP). Điều này hạn chế sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế.
Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp logistics, ngành hải quan triển khai nhiều chương trình cải cách, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Bắc Hải, Phó Cục Trưởng Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là một trong những hoạt động đã mang lại nhiều kết quả nổi bật của ngành hải quan trong thời gian qua nhằm hiện thực hóa mục tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ.
Cụ thể, đã cắt giảm đáng kể các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nổi bật như: Bộ Công thương; Bộ Khoa học và Công nghệ với 90% mặt hàng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công An với tất cả các mặt hàng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm…
Ngoài ra, việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác kiểm tra chuyên ngành được thể hiện thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng đối tượng được miễn kiểm tra; miễn giảm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa đã có ba lần nhập khẩu đạt yêu cầu.
Thực hiện Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn đối với hàng hóa nhập khẩu, cơ quan hải quan làm đầu mối kiểm tra chuyên ngành, các bộ, ngành thực hiện hậu kiểm và thực hiện bảy nội dung cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, nhằm đơn giản quy trình, thủ tục, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, áp dụng thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro, giảm đầu mối tiếp xúc của doanh nghiệp, cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu…
Theo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm thành phố làm thủ tục thông quan hàng hóa trung bình chiếm khoảng 40% và số thu chiếm khoảng 1/3 toàn ngành, bởi nơi đây hội tụ tất cả các loại hình xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như các hình thức vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh (trừ vận chuyển bằng đường sắt quốc tế) với cảng biển lớn nhất nước là cảng Cát Lái, sân bay quốc tế nhộn nhịp nhất nước là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan thành phố) Đặng Thái Thiện cho biết: Cục Hải quan thành phố luôn nhận thức về vai trò và trách nhiệm trong việc phát triển logistics, khai thác tối đa năng lực của các cảng biển, kho bãi, địa điểm nói riêng và cơ sở hạ tầng giao thông nói chung, góp phần đáng kể tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cảng biển, cảng hàng không thông qua các hoạt động cải cách thủ tục hành chính về hải quan, tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, giảm chi phí làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, ngoài hai quy chế phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics thành phố (HLA) với chương trình nghị sự cụ thể hằng năm, Cục Hải quan thành phố đều duy trì các hoạt động đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tham vấn với các cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại thành phố. Trong năm 2023, hải quan thành phố đã ban hành mười kế hoạch hành động với những giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp. Hoạt động đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp được tổ chức dưới nhiều hình thức, nhiều cấp độ thu hút hàng nghìn doanh nghiệp tham gia, giải đáp hàng trăm câu hỏi vướng mắc của doanh nghiệp.
Cục Hải quan đề xuất, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển Logistics thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt; trong đó, chú ý đến hình thành trung tâm logistics hiện đại, đáp ứng được với tốc độ phát triển cao thương mại điện tử và đào tạo nhân sự cho ngành dịch vụ logistics hiện đang rất thiếu; sớm thực hiện Đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ để trở thành cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực trên thế giới.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan sớm triển khai kế hoạch số hóa thủ tục hải quan. Trước mắt, cần phải nâng cấp hệ thống, hoàn thiện các chương trình hiện có để bảo đảm yêu cầu quản lý tuân thủ và tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.