Thời gian này, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì đang tất bật vệ sinh chuồng trại để chuẩn bị mua 2.000 gà giống. Chị Hạnh cho biết, mặc dù gia đình đã có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi gà đồi, nhưng từ vụ này, trang trại sẽ nuôi theo hướng hữu cơ. Con giống sẽ được gia đình chị kiểm soát chặt chẽ. Thức ăn được phối trộn và bảo quản theo hướng dẫn. Các loại thuốc phòng bệnh sử dụng đúng liều lượng. Ðặc biệt, trang trại sẽ sử dụng đệm lót sinh học theo quy trình chăn nuôi hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý chất thải và tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi để có sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Chị cũng rất yên tâm khi toàn bộ sản phẩm chăn nuôi theo hướng hữu cơ đã được ký hợp đồng bao tiêu, với mức giá cao hơn sản phẩm cùng loại.
Theo đại diện Hợp tác xã Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, do dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ gà trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021 và 2022 gặp khó khăn, giá thấp, trong khi giá thức ăn tăng cao, khiến không ít người chăn nuôi dè dặt trong việc tái đàn. Từ đầu năm nay, dịch bệnh được kiểm soát giúp việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Vì thế, các hộ chăn nuôi yên tâm tái đàn, có thể cung cấp hơn 50 nghìn con gà với chất lượng cao trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023. Ðiểm mới là năm nay nhiều hộ chăn nuôi chuyển hướng chăn nuôi an toàn sinh học phục vụ yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hơn hai năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng ngành chăn nuôi của thành phố Hà Nội vẫn phát triển ổn định, góp phần bảo đảm nguồn thực phẩm cho người dân Thủ đô. Ðàn gia súc, gia cầm của thành phố luôn đứng nhóm đầu cả nước. Trên địa bàn thành phố có 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 6.515 trang trại chăn nuôi, 190 nghìn hộ chăn nuôi; 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động, 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động, 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa, 857 trang trại ứng dụng công nghệ cao trong xử lý môi trường. 100% các sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng công nghệ cao do các trang trại chăn nuôi lợn, gà, trâu bò đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp kỹ thuật công nghệ cao hoặc sản phẩm của công nghệ cao trong quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, tổng đàn trâu, bò của Hà Nội là 169 nghìn con tăng hơn 3% so cùng kỳ năm 2021, tổng đàn gia cầm gần 39 triệu con. Ðặc biệt, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, nhất là trong khâu sản xuất con giống, chất lượng sản phẩm chăn nuôi ngày càng nâng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chăn nuôi lợn tiếp tục đà phục hồi, đàn lợn có hơn 1,4 triệu con, trong đó riêng đàn lợn sinh sản là 168 nghìn con, tăng hơn 19% so cùng kỳ, giúp cung cấp nguồn con giống cho các cơ sở chăn nuôi. Giá thịt lợn hơi xuất chuồng có xu hướng tăng trong quý III năm 2022, góp phần giảm bớt áp lực về chi phí đối với các cơ sở chăn nuôi, đồng thời tạo động lực tích cực giúp các hộ yên tâm tái đàn, chuẩn bị nguồn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp cuối năm.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, lĩnh vực chăn nuôi luôn chiếm tỷ trọng lớn, gần 60% trong cơ cấu của ngành nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp làm ra đáp ứng từ 30 đến 65% nhu cầu tiêu dùng của người dân, trong đó một số sản phẩm như trứng, thịt lợn đáp ứng hơn 90% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thành phố xây dựng được 53 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc động vật. Cùng với đó, thành phố xây dựng các chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn từ các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, bảo đảm cung cấp đầy đủ lương thực cho người dân Thủ đô trong dịp Tết.