Đắk Nông đẩy mạnh kinh tế xanh trong nông nghiệp

Đắk Nông đang tập trung phát triển các chương trình, dự án sản xuất, chăn nuôi theo xu hướng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân ở Đắk Nông sử dụng phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh thay thế phân hóa học đem lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Nông dân ở Đắk Nông sử dụng phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh thay thế phân hóa học đem lại hiệu quả cao trong sản xuất.

Trong đó, nhiều mô hình sản xuất xanh mang lại hiệu quả cao như: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp thông minh; nông nghiệp hữu cơ; phát triển kinh tế trang trại; bảo tồn đa dạng sinh học…

Gia đình ông Đặng Văn Dũng ở xã Tân Thành, huyện Krông Nô được ngành chuyên môn hướng dẫn biện pháp sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp để chăm sóc cây trồng.

Cách làm này giúp gia đình tạo được nguồn phân bón cho cây trồng, góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường; sản phẩm sau sản xuất cũng bảo đảm chất lượng hơn, rất thuận lợi trong khâu tiêu thụ. Ông Dũng cho biết, từ phụ phẩm nông nghiệp, sau khi được xử lý qua các bước đã chuyển thành phân hữu cơ vi sinh để tái sử dụng bón cho cây trồng; qua đó giúp cải tạo được độ màu mỡ, phì nhiêu của đất, cây trồng hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, không ảnh hưởng đến môi trường.

Là thành viên Hợp tác xã Bechamp, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, ông Lê Đình Hùng cho biết, hiện nay hầu hết xã viên hợp tác xã đều “nói không” với phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Các thành viên đã liên kết với Công ty Haproximex, Công ty NextPay… sản xuất hồ tiêu, cà-phê theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance, 4C. Nhờ đó, chất lượng và giá bán sản phẩm tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông, trong thực tế sản xuất hiện nay, người nông dân đã tái sử dụng các nguồn phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp như: rơm rạ, vỏ cà-phê... ủ hoai mục để bón cho cây trồng.

Việc tái sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp đã giúp nông dân tăng lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cách sản xuất này vẫn chưa thật sự phổ biến mà chỉ mang tính tự phát, có người làm, người không. Do đó, Đắk Nông sẽ tính toán phát triển nông nghiệp tuần hoàn đồng bộ, bài bản và khoa học hơn.

Nhằm lan tỏa rộng rãi chương trình hướng đến phát triển kinh tế xanh, Hội Nông dân Đắk Nông phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông đã xây dựng giải pháp, đẩy mạnh phong trào sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, giúp nông dân giảm dần sự lệ thuộc vào phân bón vô cơ. Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh. Nông nghiệp tuần hoàn giúp nông dân giảm chi phí, gia tăng giá trị, góp phần thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính...

Đây là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp tuần hoàn không xa lạ nhưng cũng khá mới mẻ với nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. Thực tế, nông dân đã thực hiện nông nghiệp tuần hoàn nhiều năm nay để tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông Phạm Tuấn Anh, nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, chiếm 38,11% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Lượng phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp được thải ra hàng năm rất lớn, ước khoảng 1 triệu tấn, trong đó, cà-phê là 260.000 tấn, hồ tiêu 68.000 tấn, bắp 480.000 tấn, lúa 101.000 tấn, đậu phộng 45.000 tấn, đậu nành 15.000 tấn…

Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, có thể được xem là nguồn tài nguyên để tái tạo, sản xuất phân bón hữu cơ có chất lượng, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường và hướng tới nền nông nghiệp bền vững.