Làm giàu từ cây xoài ở Đắk Gằn

Xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil là địa phương chịu hạn hán nhất tỉnh Đắk Nông, mùa khô hạn kéo dài từ 6-7 tháng trong năm. Do thiếu nước cho nên người dân địa phương chủ yếu sản xuất 1 vụ với cây ngắn ngày, thời gian còn lại phần lớn diện tích đất để trống, một số diện tích trồng cây ăn quả do thiếu nước cho nên kém hiệu quả, vì vậy đời sống của nhân dân trong vùng luôn đối mặt với khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Đắk Gằn đã hình thành vùng sản xuất xoài tập trung có giá trị kinh tế cao.
Đắk Gằn đã hình thành vùng sản xuất xoài tập trung có giá trị kinh tế cao.

Cách đây khoảng 15 năm, cây xoài được một số người dân Đồng Nai mang đến vùng đất Đắk Gằn trồng thử nghiệm. Sau một thời gian, cây xoài cho thấy sự thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu và chịu được khô hạn kéo dài, người dân địa phương đã đưa vào phát triển diện tích lớn, trở thành cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.

Trên diện tích đất đá gia đình đang trồng cây ngắn ngày, năm 2012, anh Trần Trường Sa, ở thôn Tân Lợi đã chuyển hướng sang trồng xoài. Ban đầu anh Sa chỉ trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ, sau một thời gian khi cây xoài cho năng suất, thu nhập cao hơn nhiều so với cây trồng khác, anh đã mở rộng diện tích, và cây xoài đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập chính cho gia đình. Hiện anh Sa có 2,2 ha xoài Đài Loan xanh, xoài Australia, xoài 3 mùa đang cho thu hoạch.

Vụ xoài mới nhất, anh Sa thu về gần 500 triệu đồng. Nói về cây xoài, anh Sa cho biết, xoài là cây trồng dễ tính, chịu hạn tốt, thích hợp với loại đất lẫn đá tạp như xã Đắk Gằn. Từng là cây trồng phụ, đến nay cây xoài đã trở thành cây trồng chính, cho thu nhập cao tại địa phương, cũng nhờ cây xoài mà đời sống gia đình anh Sa và người dân địa phương có sự thay đổi, nhiều gia đình đã trở nên giàu có nhờ thu nhập từ cây xoài.

Tương tự, bà Trần Thị Hà hiện có 2,2 ha xoài Đài Loan xanh đang cho thu hoạch, với sản lượng bình quân khoảng 50 tấn quả, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng mỗi năm. Bà Hà cho biết, trước đây do thiếu nước tưới, đất vườn lẫn đá tạp cho nên gia đình chỉ trồng cây ngắn ngày vào mùa mưa như ngô, đậu vì vậy thu nhập rất bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Nhận thấy mô hình trồng xoài của người dân địa phương phát triển, cho thu nhập cao, gia đình đã chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng xoài, đến nay cây xoài phát triển tốt, trở thành nguồn thu chính của gia đình với hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Xã Đắk Gằn có khoảng 3.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thì có hơn 1.550 ha trồng xoài. Cây xoài trở thành cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân tại địa phương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk Gằn Cao Đức Nguyên cho biết, cây xoài hiện là cây trồng chủ lực của địa phương. Nhờ cây xoài mà nhiều hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nay đã có mức thu nhập khá.

Bình quân thu nhập đầu người của xã hiện đạt 47 triệu đồng/năm, cao hơn 5 năm trước khoảng 20%. Xã giờ còn 53 hộ nghèo. Từ vùng đất cằn sỏi đá, Đắk Gằn đã hình thành vùng sản xuất xoài tập trung, được đánh giá cao về chất lượng, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đắk Gằn được huyện Đắk Mil xây dựng thành vùng sản xuất xoài ứng dụng công nghệ cao với 343 ha. Có 3 tổ chức sản xuất xoài, gồm hợp tác xã nông nghiệp thương mại-dịch vụ Xoài, Hội Xoài Đắk Gằn, tổ hợp tác xoài với 254 hộ dân tham gia. Xoài được người dân áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, bón phân qua hệ thống, phòng trừ bệnh tổng hợp (IPM), liên kết chuỗi giá trị, kết nối thị trường... cho nên giá trị đạt rất cao.

Hiện xoài Đắk Gằn được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của huyện Đắk Mil, sản phẩm xoài của Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại-Dịch vụ xoài Đắk Gằn đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP.