Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay Đắk Lắk có 32.785 ha sầu riêng, trong đó diện tích trồng thuần là 9.556 ha và diện tích trồng xen 23.229 ha; diện tích cho thu hoạch là 15.852 ha,
với sản lượng khoảng hơn 300 nghìn tấn mỗi năm. Để giúp người nông dân trên địa bàn phát triển cây sầu riêng bền vững, mới đây Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Viện Thổ nhưỡng nông hóa và Công ty TNHH Yara Việt Nam tổ chức khởi động Dự án xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất sầu riêng bền vững tại tỉnh Đắk Lắk. Tham gia chương trình hợp tác, các bên cam kết chung tay thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh và bền vững tại Việt Nam. Các bên sẽ cùng nhau phát triển mô hình canh tác cây trồng bền vững, ưu tiên ứng dụng các giải pháp quản lý dinh dưỡng phù hợp như bón phân theo nguyên tắc “5 đúng” và kết hợp sử dụng hiệu quả giữa phân bón hữu cơ và vô cơ.
Dự án xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất sầu riêng tại Đắk Lắk đang được triển khai tại huyện Cư M’gar. Thông qua dự án, nhằm so sánh và đối chiếu với phương thức canh tác và quản lý dinh dưỡng cây trồng truyền thống tại địa phương. Dự án được kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều bên liên quan. Đối với nhà quản lý, đây là bước tiến cụ thể để triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh, đồng thời tạo tiền đề cho các mô hình canh tác hiện đại trong tương lai. Với người nông dân trồng sầu riêng tại Đắk Lắk, dự án giúp họ nâng cao thu nhập, tiếp cận các kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến và tự tin hơn trong việc thay đổi thói quen canh tác.
Sự hợp tác này còn hướng đến việc tăng cường kỹ thuật và nâng cao nhận thức cho người nông dân. Các bên sẽ cùng nhau phát triển các giải pháp về kỹ thuật canh tác, quản lý sức khỏe đất và cây trồng, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đồng thời bảo đảm an toàn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nghiêm Quang Tuấn cho biết, tầm quan trọng của dự án là phát huy thế mạnh của các đơn vị tham gia trong việc chung tay hiện thực hóa Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, dự án cũng phù hợp với mục tiêu chung của ngành là thúc đẩy nền nông nghiệp tái tạo, chú trọng bảo vệ sức khỏe đất và sử dụng phân bón hữu cơ song song với vô cơ trong sản xuất nông nghiệp bền vững, phấn đấu đến năm 2030 để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực về năng lực và hiệu quả quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng.
Bà Trần Ngọc Thanh Trúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yara Việt Nam chia sẻ: Yara Việt Nam đặc biệt chú trọng đến “nông nghiệp tái tạo” với các giải pháp bảo vệ và cải thiện sức khỏe đất, gia tăng đa dạng sinh học và tối ưu hóa tài nguyên nước. Dự án xây dựng mô hình phân bón hữu cơ trong sản xuất sầu riêng bền vững ở Đắk Lắk không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế và môi trường trước mắt mà kỳ vọng sẽ được nhân rộng, góp phần định hình một tương lai nông nghiệp bền vững ■