Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 240.916 ha cây trồng các loại liên kết sản xuất với 35 đơn vị đầu chuỗi. Trong đó, có 95 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác với hơn 23.800 hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết với 69 doanh nghiệp bằng nhiều hình thức theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm tính bền vững trong liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, tỉnh đã phát triển được 21 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng cũng như tăng giá trị của nông sản địa phương.
Ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Đoa cho biết, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, cùng với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác và người dân trên địa bàn huyện đã liên kết với các doanh nghiệp chuyên sản xuất thu mua, chế biến các sản phẩm như cà-phê, hồ tiêu, chanh dây,…
Đặc biệt, với lợi thế của địa phương có hơn 28.000 ha cà-phê, nông dân trên địa bàn đang mở rộng diện tích liên kết với các doanh nghiệp sản xuất cà-phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, Rainforest và hữu cơ. Đến nay, toàn huyện có khoảng 13.000 ha cà-phê của người dân và các hợp tác xã nông nghiệp đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
“Nhờ liên kết với doanh nghiệp, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Không chỉ cà-phê, hiện nay, các hợp tác xã còn liên kết với doanh nghiệp để thu mua, chế biến hồ tiêu, chanh dây…”. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Đoa cho biết thêm.
Tại huyện Chư Pưh, các dự án liên kết giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như sầu riêng, chanh dây, cà-phê, hồ tiêu, nhãn Hương Chi... đang được đẩy mạnh. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chư Pưh Nguyễn Minh Tứ cho biết, thông qua liên kết sản xuất, sản phẩm của các hợp tác xã, người dân làm ra được doanh nghiệp bao tiêu ổn định.
Các hợp tác xã cũng chủ động xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Hoạt động liên kết đã từng bước thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Y Nguyên Ê Nuôl, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đơn vị tiếp tục phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tuyên truyền, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác và người dân với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Mục tiêu hướng đến xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương. Tỉnh Gia Lai phấn đấu trong thời gian tới sẽ xây dựng khoảng 100 chuỗi giá trị liên kết với đầu chuỗi.