Tháng 6 vừa qua, tại chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) xảy ra một vụ cháy lớn. Vụ cháy xảy ra vào buổi trưa, được phát hiện sớm, cho nên chính quyền, nhân dân địa phương đã nhanh chóng dập lửa. Tuy nhiên, do di tích có nhiều cấu kiện bằng gỗ cho nên việc dập lửa hết sức khó khăn. Sau hơn hai giờ liên tục chiến đấu với giặc lửa, đám cháy mới được dập tắt. Cảnh tượng sau đám cháy khiến nhiều người phải bàng hoàng.
Ngôi nhà Tứ ân của chùa là công trình lớn, với bảy gian nhà gỗ. Toàn bộ mái của hạng mục đã sập. Các kèo cột tuy chưa sập đổ nhưng đã hóa thành than đen. Hệ thống tượng và các đồ nội thất hư hỏng hầu như hoàn toàn. Toàn bộ hạng mục nhà Tứ ân sẽ phải được xây lại.
Trong mấy năm gần đây, nhiều di tích trên địa bàn thành phố đã xảy ra cháy, gây thiệt hại nặng nề. Năm 2020, đền Lâm Du (phường Bồ Đề, quận Long Biên) cũng xảy ra một vụ cháy nghiêm trọng. Tuy không có thiệt hại về người, nhưng hiện vật trong đền gần như bị cháy toàn bộ, hạng mục kiến trúc chính của đền đã bị than hóa. Nghiêm trọng nhất là vụ cháy chùa Linh Quang (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai).
Toàn bộ nhà Tam bảo, các pho tượng gỗ quý... biến thành tro. Di tích mới được tu sửa trước đó chưa lâu, với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Vụ cháy chùa Cự Đà (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) cũng là một trường hợp hết sức đáng tiếc khác. Đây là ngôi chùa cổ được khởi dựng từ thời Lê, có tuổi đời tới 300 năm, được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1996. Vụ cháy bùng phát giữa đêm tại khu vực quan trọng nhất là tòa Tam bảo. Hậu quả là phần mái của tòa Thượng điện bị sập, các cấu kiện gỗ, vì kèo và hệ thống đồ thờ trong tòa Tam bảo bị than hóa hoàn toàn. Vụ cháy này gây thiệt hại về kinh tế hàng chục tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, các di tích như đình, chùa, đền... là những nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, do di tích đều làm từ gỗ, nhiều đồ trang trí, thờ tự được làm bằng vải, bằng giấy. Trong khi đó, đình, đền, chùa là nơi người dân thường xuyên thắp nến, thắp hương, đốt vàng mã... Chưa kể hệ thống điện cũng tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nếu không thường xuyên được kiểm tra.
Trước thực tế này, hằng năm, chính quyền địa phương cùng lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy xây dựng các mô hình phòng, chống cháy, nổ, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện an toàn, cháy, nổ tại các di tích. Điển hình như huyện Thanh Trì đã triển khai mô hình khu dân cư an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Hiện nay, mô hình đã được triển khai tại các xã: Ngọc Hồi, Tân Triều, Tả Thanh Oai, Liên Ninh... Triển khai mô hình này, các lãnh đạo khu dân cư như: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, cụm trưởng các cụm dân cư... được trang bị kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư và các cụm di tích. Các địa phương khác như: quận Ba Đình, quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây... cũng triển khai tích cực mô hình này nhằm ngăn chặn từ xa nguy cơ cháy, nổ, sẵn sàng biện pháp khi sự cố xảy ra.
Về phía ngành văn hóa, hằng năm, nhất là dịp chuẩn bị mùa lễ hội, ngành đều đôn đốc, nhắc nhở việc phòng cháy, chữa cháy tại các di tích, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ di sản từ hỏa hoạn. Các huyện Đông Anh, Gia Lâm, quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình... đều sát sao trong trang bị kiến thức phòng cháy, chữa cháy, đầu tư thiết bị phòng cháy, chữa cháy bố trí tại di tích. Song thực tế, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa đầu tư các thiết bị phòng cháy, chữa cháy, chưa thường xuyên rà soát nguy cơ, nhắc nhở người dân ý thức phòng, chống cháy, nổ.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, để ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ, Sở đã tham mưu UBND thành phố yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại các di tích; kiểm tra, rà soát hệ thống cấp điện, phòng cháy, chữa cháy trong di tích; tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy cho người bảo vệ, trông coi di tích, tuyên truyền để nâng cao ý thức về phòng, chống cháy, nổ cho người dân.