Vừa về quê ra, em Nguyễn Kiều Hoa bị mắc thủy đậu, cho nên phải nghỉ học. Đến khám tại BV Bạch Mai, bác sĩ kê đơn cho em điều trị ngoại trú. Tương tự, tại BV này cũng có nhiều trường hợp bị bệnh thủy đậu đến khám. Còn tại BV E, một tháng gần đây, Khoa Bệnh nhiệt đới của BV tiếp nhận và điều trị hơn 20 ca mắc thủy đậu. Nhưng rất may đến nay không có trường hợp bị biến chứng nguy hiểm và tử vong. Gần đây nhất, ngày 6-2, Bệnh nhân V.T.T.H. (39 tuổi, ở tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) nhập viện trong tình trạng sốt cao, nổi mụn nước ở mặt và lan toàn thân, được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu. Bệnh nhân H. bị lây bệnh từ con gái, và con gái lại bị lây bệnh từ một bạn cùng lớp.
Gia đình chị Trần Minh Khuê ở quận Hà Đông, từ trước Tết Nguyên đán đến nay có đến năm người mắc thủy đậu. Từ cháu lớn Nguyễn Hoàng My (8 tuổi) mắc bệnh, lây cho mẹ và bà. Sau đó em cháu và bố cùng bị thủy đậu. Cháu My được khám và điều trị tại một phòng khám tư, và lần lượt tất cả các trường hợp trong gia đình đều điều trị theo đơn của cháu. Chị Khuê cho biết: “Cháu My lây bệnh cho cả nhà do chúng tôi chủ quan, không cách ly và phòng bệnh đúng cách. Bệnh lành tính, không nặng, nhưng đúng dịp Tết, cả nhà không đi đâu chơi được”.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, so với cùng kỳ năm 2016, số người mắc thủy đậu giảm 34 người. Cụ thể, trong tháng 1 và đầu tháng 2, ghi nhận 161 trường hợp mắc bệnh, rải rác tại các quận, huyện, thị xã, chưa có bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong. Cũng theo thống kê, những năm gần đây trên địa bàn toàn thành phố trung bình hằng năm ghi nhận khoảng 1.500 - 3.000 ca bệnh. Các trường hợp mắc bệnh đều lành tính, nhẹ, khỏi bệnh, không có tử vong và không xuất hiện các ổ dịch lớn với nhiều người mắc.
Bác sĩ Cảm cho rằng, đây là thời điểm cuối mùa đông đầu mùa xuân, thuận lợi cho bệnh thủy đậu, cũng như các bệnh lây qua đường hô hấp khác lây lan. Vào khoảng thời gian này, số trường hợp mắc thủy đậu thường tăng hơn so với các thời điểm khác trong năm.
Về vấn đề điều trị, bác sĩ Vũ Mạnh Cường, Khoa Bệnh nhiệt đới BV E cho biết, đây là bệnh lành tính, kéo dài từ bảy đến mười ngày. Nếu không có biến chứng, các mụn nước sẽ vỡ, khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Nhưng nếu bị nhiễm trùng thì có thể có dịch mủ đục, sau đó để lại sẹo. Bệnh có thể gây các biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm phổi… Những trẻ đang bị bệnh, mắc chứng suy giảm miễn dịch hoặc dùng corticoid kéo dài, trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi… dễ diễn biến bệnh nặng và biến chứng.
Theo các bác sĩ, tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu là cách tốt nhất để phòng bệnh, nhưng không phải là 100% phòng được bệnh. Cũng như khi tiêm các loại vắc-xin khác, khả năng bảo vệ của vắc-xin thủy đậu đạt khoảng 80 - 90% số người được tiêm, nghĩa là còn khoảng hơn 10% không miễn dịch với bệnh. Vậy nên, có thể trẻ được tiêm phòng mà vẫn mắc bệnh thủy đậu, tuy nhiên khi đó bệnh sẽ bị nhẹ hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu người lớn chưa tiêm phòng thì cần tiêm phòng vắc-xin, nhất là trong thời gian giao mùa này. Khi phát hiện bị nhiễm bệnh thủy đậu cần uống thuốc theo đơn của bác sĩ, tuyệt đối không mua kháng sinh tự điều trị. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và bị nặng hơn trẻ em. Đáng lưu ý, nếu phụ nữ đang mang thai dưới 20 tuần bị thủy đậu thì sinh con ra sẽ có một tỷ lệ nhỏ (khoảng 2%) bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Vì vậy cần được khám và theo dõi thường xuyên.