Ngăn chặn làn sóng di cư ở châu Mỹ

Đại diện 11 quốc gia Mỹ Latin và Caribe vừa nhóm họp tại thành phố Palenque, miền Nam Mexico, để tìm giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng di cư ở khu vực. Là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới, khu vực biên giới Mỹ-Mexico là “điểm nóng” khiến cả hai quốc gia Bắc Mỹ phải đau đầu và kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ của các nước trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Những người xin tị nạn, chủ yếu đến từ Venezuela, nghỉ ngơi trong lều do chính quyền Mexico dựng gần biên giới ở Nuevo Laredo, Mexico, ngày 27/6/2023. (Ảnh: Reuters)
Những người xin tị nạn, chủ yếu đến từ Venezuela, nghỉ ngơi trong lều do chính quyền Mexico dựng gần biên giới ở Nuevo Laredo, Mexico, ngày 27/6/2023. (Ảnh: Reuters)

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), năm ngoái, đã có 686 người thiệt mạng hoặc mất tích trong hành trình di cư đến khu vực biên giới Mỹ-Mexico. Chỉ từ đầu năm 2023 đến nay, 1,7 triệu người di cư đã tới khu vực này.

Tổng thống Mexico Lopez Obrador cho biết, mỗi ngày có khoảng 6.000 người di cư từ biên giới phía nam giáp Guatemela vượt biên giới vào Mexico và khoảng 10.000 người di cư đến biên giới phía bắc giáp Mỹ.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), năm ngoái, đã có 686 người thiệt mạng hoặc mất tích trong hành trình di cư đến khu vực biên giới Mỹ-Mexico. Chỉ từ đầu năm 2023 đến nay, 1,7 triệu người di cư đã tới khu vực này.

Lãnh đạo Mexico cảnh báo về mối nguy hiểm với người di cư, như bị bắt cóc, sát hại, gặp tai nạn giao thông... Mexico kêu gọi các nước hợp tác giải quyết nguyên nhân gốc rễ dẫn đến làn sóng di cư.

Tình trạng di cư đang trở thành một vấn đề chính trị nổi cộm ở cả Mỹ và Mexico, được xem là có khả năng chi phối kết quả các cuộc bầu cử tổng thống ở cả hai nước này vào năm tới.

Theo một cuộc thăm dò gần đây, nhập cư dự kiến là một vấn đề then chốt trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, với số đông người dân Mỹ (54%) bày tỏ lo ngại làn sóng nhập cư đang khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn. Khoảng 73% số đảng viên Cộng hòa và 37% số đảng viên Dân chủ đồng tình với tuyên bố này. Đảng Cộng hòa ở Mỹ cáo buộc Tổng thống Joe Biden theo đuổi chính sách quản lý biên giới lỏng lẻo. Làn sóng người di cư gia tăng gây căng thẳng tại các thành phố biên giới của Mỹ và dẫn đến chia rẽ chính trị giữa các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ...

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) cho rằng, những đối tượng buôn người đang lợi dụng lỗ hổng tại bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico để đưa người di cư vào Mỹ. Hồi đầu tháng 10, chính quyền Tổng thống Biden công bố kế hoạch “cơi nới” bức tường biên giới với Mexico. Ông Joe Biden khẳng định đang sử dụng số tiền đã được phân bổ từ năm 2019, trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Donald Trump.

Tình trạng di cư đang trở thành một vấn đề chính trị nổi cộm ở cả Mỹ và Mexico, được xem là có khả năng chi phối kết quả các cuộc bầu cử tổng thống ở cả hai nước này vào năm tới.

Tuy nhiên, Mexico khẳng định lập trường phản đối kế hoạch mới nhất của Mỹ về việc xây thêm một phần bức tường biên giới. Mexico cho rằng, thay vì “cơi nới” tường biên giới, Mỹ có thể tập trung đầu tư vào công nghệ hay lắp đặt các thiết bị giúp ngăn chặn dòng người di cư.

Tổng thống Lopez Obrador mô tả việc Mỹ cho phép xây dựng thêm một phần bức tường biên giới là “bước thụt lùi” trong chính sách nhập cư, vì không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nhập cư trái phép. Lãnh đạo Mexico cho rằng, việc đầu tư vào các dự án phát triển trong khu vực không chỉ giúp trấn áp tội phạm ma túy, mà còn ngăn chặn dòng người di cư.

Trong nỗ lực chặn dòng người di cư trái phép, cả Mỹ và Mexico đều tăng cường hợp tác với các nước láng giềng. Hội nghị “Cuộc gặp Palenque: Vì tình láng giềng hữu nghị và thịnh vượng” đã được tiến hành theo lời kêu gọi của Tổng thống Mexico, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao Colombia, Cuba, Costa Rica, Ecuador, Guatemala và Panama. Mexico mong muốn hội nghị đặt nền móng cho việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ thúc đẩy người dân di cư như nghèo đói, bất bình đẳng, thiếu cơ hội việc làm và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Nhà trắng cho biết, tháng 11 tới, Tổng thống Biden sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm các quốc gia châu Mỹ, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo các nước tham gia Hiệp định Đối tác vì sự thịnh vượng kinh tế ở châu Mỹ (APEP). Mỹ tái khẳng định cam kết hợp tác với các đối tác và tăng cường hội nhập kinh tế trong khu vực.

Thách thức gia tăng đòi hỏi Mỹ và Mexico gia tăng nỗ lực, nhất là hỗ trợ giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề di cư. Cả hai nước cam kết mở rộng con đường di cư trật tự, an toàn và hợp pháp, song cũng áp dụng những biện pháp nghiêm khắc đối với người nhập cư trái phép.