Rủi ro sau khi Điều khoản 42 hết hiệu lực
Trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã ban hành các quy định về y tế công cộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Theo CNN, chính sách được biết đến rộng rãi với tên gọi Điều khoản 42, do Giám đốc CDC ban hành, cho phép các nhà chức trách nhanh chóng trục xuất người di cư tại biên giới đất liền nhằm ngăn dịch bệnh xâm nhập vào Mỹ.
Theo Điều khoản 42, những người di cư bị trục xuất nhanh chóng về nước xuất xứ hoặc phải quay trở lại Mexico. Dữ liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ cho thấy, chính quyền Mỹ đã trục xuất gần 2,5 triệu người di cư ở biên giới Mỹ-Mexico trong vòng chưa đầy ba năm khi thực hiện chính sách theo điều khoản này.
Điều khoản 42 đã hết hiệu lực khi chính quyền Tổng thống Biden chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do Covid-19 trên toàn nước Mỹ. Các quan chức Mỹ dự đoán, việc dỡ bỏ Điều khoản 42 có thể làm gia tăng đáng kể số lượng người di cư cố gắng vào Mỹ.
Trong một cuộc họp báo, Thống đốc bang Texas Greg Abbott đã ví việc Điều khoản 42 hết hiệu lực giống như “trải thảm” chào đón những người di cư trên khắp thế giới, báo hiệu rằng biên giới của Mỹ đang rộng mở. Trong các ngày 8 và 9/5, ngay trước khi Điều khoản 42 hết hiệu lực, mỗi ngày có hơn 10.000 người di cư bị bắt khi vượt biên giới Mexico để vào Mỹ.
Theo các quan chức Mỹ, một trong những lý do thúc đẩy sự gia tăng đột biến này là nhiều người di cư được gửi trở lại Mexico quá tuyệt vọng và đang mất kiên nhẫn. Một lý do khác thúc đẩy người di cư vượt biên là thông tin sai lệch từ những kẻ buôn người, những kẻ bóc lột người di cư để thu lợi bất chính.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas kêu gọi người di cư cảnh giác để không trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Bộ trưởng Mayorkas nhấn mạnh, người di cư đang bị lừa dối và đang mạo hiểm tính mạng và tiền tiết kiệm cả đời, chỉ để đối mặt hậu quả không ngờ tới ở biên giới phía nam của Mỹ. Bộ trưởng An ninh Nội địa khẳng định, biên giới Mỹ không mở, chưa từng được mở và sẽ không được mở cho những kế hoạch di cư bất hợp pháp sau ngày 11/5.
Các giới hạn biên giới theo Điều khoản 42 đã gây tranh cãi ngay từ thời điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố chúng. Những người ủng hộ quyền của người nhập cư lập luận rằng các quan chức đang sử dụng sức khỏe cộng đồng như một cái cớ để đẩy càng nhiều người nhập cư ra khỏi đất nước càng tốt. Một số chuyên gia y tế công cộng cũng chỉ trích chính sách này, cho rằng nó không phù hợp với hoàn cảnh. Năm 2022, một thẩm phán liên bang đã gọi chính sách này là độc đoán và thất thường.
Sự kết thúc của Điều khoản 42 không chỉ nhận được sự quan tâm ở các bang biên giới, mà của cả nước Mỹ. Thị trưởng New York, Eric Adams tuyên bố rằng thành phố sẽ vận chuyển những người di cư sẵn sàng đến các cộng đồng lân cận. Thị trưởng Eric Adams cũng kêu gọi thêm sự hỗ trợ khi cho biết New York chỉ được Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang trao khoản viện trợ 30,5 triệu USD, một phần nhỏ trong số 350 triệu USD mà thành phố yêu cầu để ứng phó với làn sóng người nhập cư tăng đột biến.
Nỗ lực thúc đẩy các chính sách mới
Khi Điều khoản 42 hết hiệu lực, các cơ quan quản lý nhập cư của Mỹ quay trở lại các chính sách đã áp dụng trong hàng chục năm qua. Theo đó, những người di cư hoặc bị trục xuất khỏi Mỹ, hoặc bị giam giữ, hoặc được vào Mỹ nếu như trường hợp của họ được đưa ra xem xét tại tòa án di trú.
Khi Điều khoản 42 bị dỡ bỏ, các quan chức Mỹ sẽ dựa nhiều hơn vào Điều khoản 8 vốn đã tồn tại hàng chục năm, theo đó nếu vượt biên trái phép người di cư có thể phải đối mặt những hậu quả nghiêm trọng hơn, như bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong ít nhất 5 năm và có thể bị truy tố hình sự vì bất kỳ nỗ lực nào sau đó để vượt biên trái phép vào Mỹ. Những người xin tị nạn băng qua biên giới mà không nộp đơn xin tị nạn trước có thể bị trục xuất theo quy định của Điều khoản 8.
Mặc dù Điều khoản 8 mang lại nhiều hậu quả pháp lý hơn, đặc biệt là đối với những người bị bắt lần thứ hai khi cố tình vượt biên trái phép, nhưng xử lý theo điều khoản này mất nhiều thời gian hơn so trục xuất theo Điều khoản 42 và có thể gây căng thẳng cho các nguồn lực vốn đã bị thắt chặt.
Vì vậy, Tổng thống Biden cũng đang lên kế hoạch cho một số thay đổi mà chính quyền của ông hy vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực lên biên giới và ứng phó hiệu quả hơn trong vấn đề người di cư. Bộ An ninh Nội địa đã công bố một kế hoạch mới gồm sáu trụ cột, phác thảo các hoạt động quản lý biên giới và nhập cư sau khi Điều khoản 42 hết hiệu lực.
Theo đó, trụ cột đầu tiên tập trung vào nguồn nhân lực và cơ sở vật chất để hỗ trợ các hoạt động quản lý tại biên giới. Bộ An ninh Nội địa Mỹ hiện có 24 nghìn nhân viên thuộc Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới dọc theo khu vực biên giới phía nam. Trong năm tài chính 2023, Bộ này sẽ tăng cường thêm hàng trăm nhân viên tuần tra biên giới, mức tăng được dự báo lớn nhất trong hơn 10 năm qua. Năng lực giám sát tại biên giới cũng sẽ được tăng cường với 81 tháp canh, bổ sung cho tổng số 223 tháp giám sát hiện nay.
Trụ cột thứ hai tập trung vào nâng cao hiệu quả xử lý trong quá trình tiếp nhận người nhập cư tại biên giới. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho ra mắt ứng dụng CBP One để giảm thời gian xử lý tại các điểm nhập cảnh. Qua ứng dụng, cơ quan quản lý Mỹ có thể xác định số lượng người xin nhập cư có vượt quá khả năng đặt lịch hẹn hay không. Trong bốn tháng đầu triển khai, hơn 83.000 cá nhân đã đặt lịch hẹn trước thành công thông qua ứng dụng này.
Trụ cột thứ ba giúp tăng cường các biện pháp xử lý đối với những trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp. Trong nửa đầu năm tài chính 2023, Mỹ đã trục xuất 225.483 trường hợp, tăng từ mức 170.896 của cùng kỳ năm trước. Bộ An ninh Nội địa đã số hóa các quy trình, tăng cường hợp tác của các chính phủ đối tác, tăng các chuyến bay khứ hồi dành cho người di cư. Quy định về trục xuất nhanh sẽ được áp dụng trong vòng vài ngày hoặc vài tuần ngay khi người di cư ở các cơ sở của cơ quan bảo vệ biên giới, trong khi cơ quan về dịch vụ di trú và nhập tịch sẽ tiến hành các cuộc phỏng vấn những người đủ điều kiện.
Trụ cột thứ tư góp phần tăng cường năng lực của những tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ người di cư trong thời gian chờ các cơ quan bảo vệ biên giới xử lý thủ tục trục xuất. Trụ cột thứ năm tập trung vào mục tiêu phá vỡ các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và những kẻ kiếm lợi từ những người di cư dễ bị tổn thương. Trụ cột cuối cùng là thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết, bất chấp những nỗ lực của giới quản lý, tình trạng di cư bất thường đến biên giới tây nam nước Mỹ sau khi Điều khoản 42 chấm dứt sẽ là một thách thức, nhất là trong thời điểm tình trạng di cư đang ở mức độ cao chưa từng có ở Tây Bán cầu và trên toàn thế giới. Trong năm tài chính 2024, Bộ An ninh Nội địa Mỹ kêu gọi Quốc hội phê duyệt khoản ngân sách lên tới 4,7 tỷ USD cho Quỹ Dự phòng Biên giới tây nam để quản lý các biến động trong vấn đề người di cư một cách nhanh chóng, linh hoạt và có trách nhiệm.
Bộ này đánh giá, Mỹ đang vận hành một hệ thống nhập cư về cơ bản đã lỗi thời, với cuộc cải cách nhập cư toàn diện gần đây nhất được ban hành từ năm 1986. Do đó, Mỹ cần đối mặt những thách thức ở biên giới bằng cách giải quyết những lỗ hổng hiện nay trong hệ thống nhập cư, nhất là thông quan giải pháp lâu dài từ pháp luật…