Bài toán khó về người di cư với nước Đức

Trong bối cảnh làn sóng di cư đổ vào các nước Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Đức nói riêng tăng cao bất thường, nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu liên tục tìm kiếm các biện pháp nhằm ngăn chặn người di cư bất hợp pháp. Là một trong những quốc gia gánh vác trách nhiệm nặng nề về người di cư vào châu Âu, nước Đức đang trong tình trạng “quá tải” đơn xin tị nạn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Ảnh: AP)
Ảnh minh họa. (Ảnh: AP)

Nhiều người di cư và người tị nạn sau khi vượt Địa Trung Hải đến các nước Nam Âu, thường di chuyển tiếp đến Đức hoặc các quốc gia Bắc Âu thịnh vượng hơn để xin tị nạn. Đáng chú ý, hơn 70% tổng số người tị nạn đến Đức chưa được đăng ký, mặc dù trước đó hầu như họ đều đã đến một quốc gia khác trong EU. Các thành phố và cộng đồng trên khắp nước Đức gióng lên hồi chuông cảnh báo về số lượng người đến nước này ngày càng tăng, khiến các địa phương không thể đáp ứng được nơi ở cũng như các trường học cho những người di cư.

Riêng Đức đã nhận được một phần ba tổng số đơn xin tị nạn của các nước EU trong nửa đầu năm nay. Tính từ đầu năm đến nay, nước này đã nhận hơn 250.000 đơn xin tị nạn, nhiều hơn cả năm 2022. Thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng người tị nạn những năm 2015-2016 đã có hơn 1 triệu người tị nạn tới Đức. Ngoài người tị nạn, Đức còn tiếp nhận hơn 1 triệu người Ukraine chạy sang lánh nạn do cuộc xung đột hiện nay.

Gánh nặng người di cư khiến nguồn lực của khu vực công tại các địa phương Đức trở nên khó khăn hơn.

Gánh nặng người di cư khiến nguồn lực của khu vực công tại các địa phương Đức trở nên khó khăn hơn. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã thừa nhận, việc tiếp nhận người tị nạn đang ở mức giới hạn năng lực của nước này. Ông kêu gọi kiểm soát biên giới và phân bổ công bằng người di cư trong EU. Để hạn chế số lượng người đến châu Âu, nhà lãnh đạo Đức cho rằng cần kiểm soát và giám sát chặt chẽ hơn ở biên giới vành ngoài EU.

Trong bối cảnh phải ngăn chặn làn sóng người di cư để tránh tái diễn cuộc khủng hoảng hồi năm 2015, Đức tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới. Nước này đang phối hợp với Áo để triển khai các biện pháp an ninh biên giới bổ sung. Đức cũng thống nhất với Thụy Sĩ và Séc về các biện pháp kiểm soát biên giới chung và tăng cường kiểm soát biên giới với Ba Lan. Ngày 16/10 vừa qua, Đức đã xúc tiến tăng số trạm kiểm soát dọc biên giới phía đông và phía nam của nước này trong nỗ lực kiểm soát lượng người nhập cư trái phép gia tăng.

Theo Bộ Nội vụ Đức, Berlin đã thông báo với EU về kế hoạch lập trạm kiểm soát tại các cửa khẩu ở biên giới với Séc, Ba Lan, Thụy Sĩ để ngăn các đối tượng buôn người và các trường hợp nhập cư bất thường. Đức cũng thông báo với EU về việc gia hạn kiểm soát biên giới với Áo trong 6 tháng kể từ ngày 12/11 tới, biện pháp từng được áp dụng trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nêu rõ, cảnh sát biên giới sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát mới một cách linh hoạt, tùy thuộc vào tình hình.

Bộ này cũng đã trình chính phủ một dự luật mới về việc trục xuất và hồi hương người di cư, coi đây là một bước quan trọng nhằm hạn chế tình trạng di cư bất thường vào Đức. Để đạt được mục tiêu này, dự thảo luật quy định các thủ tục hiệu quả hơn về hồi hương người di cư, bảo đảm những người không được chấp nhận phải rời khỏi nước Đức một cách nhất quán và nhanh chóng. Dự luật cũng sẽ giúp việc trục xuất tội phạm và những người nguy hiểm cho xã hội được tiến hành thuận lợi hơn. Hiện tại, số lượng người di cư phải hồi hương trong năm nay đã tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà chức trách Đức cho rằng cần ngăn chặn các hoạt động kinh doanh tàn ác của những kẻ buôn người coi thường tính mạng người khác vì những lợi nhuận béo bở.

Các biện pháp kiểm soát biên giới mới của Đức diễn ra có sự hợp tác chặt chẽ với giới chức Ba Lan và Séc, đồng thời sẽ bổ sung việc tuần tra của cảnh sát cơ động vốn thực hiện kiểm tra ô-tô qua biên giới hoặc những người tìm cách đi bộ vào Đức. Nhà chức trách Đức cho rằng cần ngăn chặn các hoạt động kinh doanh tàn ác của những kẻ buôn người coi thường tính mạng người khác vì những lợi nhuận béo bở.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Faeser, khoảng một phần tư số người di cư đến Đức là thông qua những đối tượng đưa lậu người qua các tuyến đường nguy hiểm xuyên Địa Trung Hải và xuyên qua các khu rừng dọc theo tuyến đường Balkan và họ thường phải trả hàng nghìn USD cho các đường dây buôn người.

Đối mặt làn sóng di cư bất thường, nước Đức đã đưa ra loạt biện pháp của riêng mình. Tuy nhiên, để giảm đáng kể tình trạng di cư bất hợp pháp, Đức cho rằng vẫn cần có một hệ thống tị nạn chung của châu Âu, trong đó biên giới ngoài của EU cần phải được kiểm soát một cách nghiêm ngặt. Hệ thống tị nạn chung của EU có thể mang lại một tiến trình di cư có trật tự hơn cho khối và việc cải cách chính sách di cư của EU nên được thực hiện nhanh chóng nhằm tránh tái diễn một lần nữa cuộc khủng hoảng di cư vào châu Âu.