Xa vời “giấc mơ Mỹ”

Ngày 12/5, Điều khoản 42 - chính sách hạn chế người di cư từ Mexico sang Mỹ để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch Covid-19, chính thức hết hiệu lực. Dù vậy, con đường tìm kiếm một chỗ trú chân tại nước Mỹ vẫn là thách thức lớn đối với bất cứ người di cư, tị nạn nào.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: WALT HANDELSMAN
Biếm họa: WALT HANDELSMAN

Theo CNN, những ngày qua, hàng nghìn người di cư, chủ yếu đến từ châu Mỹ, đã có mặt ở biên giới Mexico-Mỹ để tìm con đường nhập cư hợp pháp. Nhiều người cố vượt qua con sông Rio Grande tại thành phố Brownsville, bang Texas, với hy vọng họ có thể được nhập cư Mỹ một cách dễ dàng sau khi tự nộp mình cho lực lượng tuần tra biên giới.

Tuy nhiên, việc dỡ bỏ quy định không phải là cánh cửa mở ra nhằm tạo điều kiện cho việc di cư dễ dàng hơn. Chính phủ Mỹ sẽ thay Điều khoản 42 bằng quy định mới có hiệu lực từ ngày 10/5. Theo đó, những người di cư qua các nước khác mà không nhận được sự bảo hộ ở một nước trước, hoặc không sử dụng các con đường hợp pháp để nhập cảnh Mỹ sẽ không đủ điều kiện để cấp quy chế tị nạn. Bộ trưởng An ninh Nội địa Alexander Mayorkas cho biết, quy định mới đặt ra biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với người di cư bất hợp pháp. Nếu bị bắt cũng như không đủ điều kiện xin tị nạn, họ có thể bị trục xuất và cấm nhập cảnh Mỹ trong 5 năm.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ban hành những quy định mới nhằm giảm bớt áp lực tại biên giới, yêu cầu người di cư phải làm đơn xin nhập cảnh từ nước ngoài. Mỹ cũng cam kết thành lập các trung tâm xử lý vấn đề nhập cư ở các quốc gia khác, tạo ra các chương trình tị nạn đặc biệt cho một số nơi như Haiti, cũng như mở rộng giấy phép lao động tạm thời.

Bộ trưởng Mayorkas cho biết, chính quyền nước này cũng sẽ yêu cầu đặt lịch hẹn và phỏng vấn người di cư qua một ứng dụng điện thoại mới mang tên CBP One. Qua ứng dụng, Chính phủ Mỹ có thể xác định số lượng người xin nhập cư đang vượt quá khả năng đặt lịch hẹn. Tuy nhiên, người xin tị nạn phàn nàn rằng, ứng dụng này thường xuyên bị “treo”, gây ảnh hưởng tới người dùng.

Nhập cư là một trong những vấn đề luôn gây nhức nhối tại Mỹ. Theo các chuyên gia, trong năm nay, hàng nghìn người di cư đã nhiều lần có mặt ở biên giới do những thông tin sai lệch từ các nhóm chống nhập cư và buôn người lan truyền, cho rằng Mỹ sẽ mở cửa biên giới.

Các thành phố dọc biên giới Mỹ đã chuẩn bị cho sự thay đổi nói trên, mặc dù họ không chắc chắn liệu những điều khoản mới thật sự có tác dụng, sau khi chứng kiến hàng nghìn người di cư mới xuất hiện trên đường phố hằng tháng trong ba năm qua khi Điều khoản 42 vẫn còn có hiệu lực. Tuy nhiên, Bộ trưởng Mayorkas một lần nữa khẳng định chính sách mới này sẽ mở ra nhiều con đường hợp pháp cho người di cư - miễn là họ sử dụng ứng dụng CBP One, hoặc qua các trung tâm xử lý vấn đề nhập cư của Mỹ ở Colombia, Guatemala và nhiều quốc gia khác.

Trong bối cảnh dòng người di cư, tị nạn đổ dồn về khu vực biên giới, ngày 11/5, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua một dự luật về người di cư, trong đó đề xuất khởi động lại công trình xây dựng bức tường biên giới phía nam nước này đang bị đình trệ. Dự luật này sẽ áp dụng lại một số biện pháp căn bản của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, như hoàn thành xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico dài 3.145km được khởi động dưới thời ông Trump, tăng cường các biện pháp hạn chế người tị nạn.

Dự luật trên khả năng sẽ không vượt được qua “ải” Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát và Tổng thống Joe Biden tuyên bố dùng quyền phủ quyết để bác bỏ dự luật này. Mặc dù vậy, dự luật được xem là một tín hiệu khởi đầu cho các cuộc thương lượng giữa các đảng về cải cách chính sách nhập cư.

Hỗn loạn tại khu vực biên giới Mỹ-Mexico cũng phản ánh sự lúng túng của giới chức Mỹ đối với vấn đề kiểm soát dòng người di cư, tị nạn. Các chính sách nhập cư chưa sát với thực tế của chính quyền “xứ cờ hoa” đang khiến “giấc mơ Mỹ” trở nên xa vời với những người muốn tìm đến sinh sống tại quốc gia này.